Về nơi loài người bắt đầu đứng thẳng

TP - Trong nhà sàn bà Rem ở làng Pơ Nang, bếp lửa đỏ hồng, cả nhà đang cơm trưa. Người Bahnar hay mọi dân tộc Tây Nguyên này chưa thể nói là trực hệ của “Người đứng thẳng” Homo erectus, bởi đơn giản họ đã tuyệt chủng từ hàng triệu năm trước, nhường trái đất cho hậu duệ là loài “Người tinh khôn” Homo sapienes là chúng ta ngày nay. Nhưng họ đã truyền lại ngọn lửa đầu tiên khám phá ra, ban đầu từ than đỏ của các gốc cây vừa bị sét đánh cháy… 
Cảnh sinh hoạt trong gia đình bà Đinh Thị Rem ảnh: Trần Tuấn

Toàn cảnh quần thể di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng

Bất ngờ hiện ra trước mắt tôi Rộc Tưng, trải đều một vùng đồng bằng giữa thung lũng, đồi bát úp uốn lượn, như một bình nguyên mà ở đó những thân cây chợt lừng lững in trên nền trời không vướng víu. Những chú bò hiền lành ngồi đứng nơi bãi cỏ bên dòng sông Ba.

Những tiếng bò ừm ừm vang vọng, những cánh chim thật lớn chốc chốc vụt cánh bay. Những rẫy mía, bãi cỏ voi chen màu xanh, tía, những gốc duối cao vút, hoa ngũ sắc, sim mua, cọ... dọc đường như nhắc nhớ về đời sống hiện hữu. Cả vùng thung lũng gần như vắng bóng người. Thấp thoáng mấy trại bò, trại coi rẫy, bếp lửa đã tạnh.

Vậy là tôi đang đứng tại một trong những cái nôi cổ xưa nhất của loài người – xã Xuân An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Vùng đất nơi loài người bắt đầu đứng thẳng, vào chu kỳ Homo erectus (Người đứng thẳng) cách nay chừng 800 ngàn đến 1 triệu năm thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ. Sau phát hiện chấn động mới đây của các nhà khảo cổ Việt Nam và thế giới, với khoảng 4.000 công cụ đá tìm thấy, những mũi đá nhọn, hòn ghè, công cụ nạo, mảnh tước, hạch đá, đặc biệt là những rìu tay chế tác từ đá cuội, do các cư dân tiền sử của chúng ta làm ra và sử dụng… Nơi chốn cổ xưa nhất của người Việt lâu nay được biết đến là núi Đọ (Thanh Hóa), Bình Gia (Lạng Sơn),… Nhưng núi Đọ cũng chỉ ở khung niên đại dưới 300 ngàn năm. Với phát hiện mới tại An Khê, lịch sử tiến hóa của người Việt cũng như cư dân Đông Nam Á được đẩy ngược về quá khứ nhiều trăm ngàn năm…

Những đứa trẻ Bahnar làng Pơ Nang  ảnh: Trần Tuấn

*

   Trần Đình Luân năm nay 41 tuổi, da sạm nắng, có đuôi mắt sắc như mũi chiếc rìu đá Rộc Gáo đang bày trong tủ kính anh vừa chỉ tôi xem nơi Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo mà anh đang là tổ trưởng phụ trách. Còn một người đặc biệt nữa, đó là nhà khảo cổ học Phan Thanh Toàn.

Luân và Toàn là đôi bạn học cùng chuyên ngành Khảo cổ học ở Đại học KHXH&NV TPHCM. Đợt thực tập tốt nghiệp ở di chỉ Lung Leng (Kon Tum), hai người may mắn gặp PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam). Ra trường Luân về quê nhà huyện KBang (Gia Lai) công tác. Còn chàng trai miền Tây Phan Thanh Toàn từ 2003 khăn gói theo thầy Sử ra làm ở Viện khảo cổ. Nói công tác ở Hà Nội, nhưng kể từ 2004 phần lớn thời gian Toàn dành cho những cuộc khảo sát dài ngày khắp Tây Nguyên, cùng với Luân. Riêng Toàn lần lượt phát hiện ra hàng loạt di chỉ từ Đá mới đến hậu kỳ Đá cũ (khoảng 20-30 ngàn năm) ở KBang. Những phát hiện khiến ngay cả những chuyên gia ở Viện Khảo cổ ngày ấy cũng “khó tin”. Thế rồi Đề án cấp Bộ “Nghiên cứu hệ thống di tích khảo cổ học thời đại Đá vùng thượng du sông Ba ở tỉnh Gia Lai” do TS. Nguyễn Gia Đối làm chủ nhiệm, và Phan Thanh Toàn làm thư ký lập tức ra đời. Đề án cũng chỉ dám dùng từ “thời đại Đá” chung chung, chứ chưa dám chắc điều gì.

Rìu tay bằng đá phát hiện tại Rộc Gáo

Hành trình khảo sát dọc theo dòng sông Ba cổ xưa với nắng lửa, núi non khắc nghiệt với Toàn và Luân cùng thầy Sử hành trang chỉ là chiếc bánh mì, gói xôi… Cho đến một ngày mùa hè năm 2014, số phận đưa đôi bạn dừng chân ở vùng đồi mang tên Gò Đá (thuộc phường An Bình, thị xã An Khê). Luân thời điểm này đã chuyển công tác về An Khê được vài năm. Toàn kể, mới đầu thấy vùng gò này cao hơn mặt thềm sông Ba tới dăm chục mét, cũng không mấy hy vọng, bởi với địa mạo ấy nếu có di chỉ thì tuổi đời phải đến hàng triệu năm, một điều ngoài tưởng tượng. Nhưng rồi bất ngờ xảy đến, khi theo dấu những chiếc xe ủi phá đá làm đường, đào mương thủy lợi, cả hai chợt phát hiện ra những loại công cụ tam diện giống với thời Đá cũ. Tiếp tục tìm tòi thì phát hiện được chiếc rìu tay bằng đá cuội khi người dân đang vét ao nuôi cá. Cả hai mừng rỡ gọi điện gấp cho thầy Sử, thầy Đối… Di chỉ Gò Đá của thời đại sơ kỳ Đá cũ người Việt cổ cách nay chừng 0,8 triệu năm đã phát lộ như vậy đấy!

Đôi bạn khảo cổ Toàn-Luân bên các hiện vật Đá cũ 800 ngàn năm trước

Một thời đại về “Người đứng thẳng” ở Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận và trở thành bức tranh ngày càng toàn diện, đầy đủ, khi Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) lúc này đang nghiên cứu về thời đại đá ở Con Moong (Thanh Hóa) được mời vào cuộc. Chương trình hợp tác khảo cổ Việt- Nga kéo dài 5 năm, đến 2019 lập tức triển khai. 23 điểm di tích được tìm thấy bên thềm sông Ba cổ, mà trọng điểm là quần thể phức hợp Rộc Tưng gồm 12 di tích. Hội thảo quốc tế công bố về thời đại sơ kỳ Đá cũ An Khê tổ chức hồi tháng 3/2019 ngay bên cạnh những hố khai quật đã gây tiếng vang lớn, khiến giới chuyên môn thế giới kinh ngạc. Ngoài khoảng 4.000 hiện vật, một trong những minh chứng quan trọng là các mảnh thiên thạch (tektite) rơi xuống từ vũ trụ và nằm lại ở tầng văn hóa các di chỉ. Theo kết quả phân tích của Phòng thí nghiệm đồng vị địa hóa và niên đại địa chất IGEM RAN (Viện Địa chất trầm tích quặng, thạch học, khoáng vật và địa hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga) bằng phương pháp K/Ar với các thiên thạch, đã khẳng định niên đại các di tích ở An Khê có thời gian từ 806.000 ± 20.000 năm trước. Bằng chứng về sự hiện diện của cộng đồng người giai đoạn tối cổ của nhân loại trên đất nước Việt Nam! Đây được coi là nguồn sử liệu xác nhận mốc khởi đầu mới của lịch sử Việt Nam.

Lối vào di chỉ Đá cũ Rộc Tưng  ảnh: Trần Tuấn

Vậy nhưng Phan Thanh Toàn hiện đang làm nghề kinh doanh trái cây ở quê nhà xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang! Tôi sững sờ khi nghe tin ấy. Hỏi, thì Toàn bảo đúng vậy. Anh rời khỏi Viện Khảo cổ về quê từ năm 2017, một năm sau khi thầy Sử nghỉ hưu. Còn nguyên nhân? Cả thời tuổi trẻ gần 20 năm trời anh đã đuổi theo những viên đá, những hố thám sát nơi rừng xanh núi đỏ. Nhiều chuyến đi bằng tiền túi với niềm đam mê bất tận. Đến vợ cũng “tìm thấy” ngay bên hố thám sát, khi người đàn ông đã 37 tuổi đời. “Cơm áo không đùa…”. Khi có vợ con rồi mà mỗi người một nơi, cha mẹ ở quê không ai chăm sóc… 

Phan Thanh Toàn cùng các chuyên gia bên hố khảo cổ ảnh: Thái Lộc

Phan Thanh Toàn có thể nói là một ca “độc dị” trong giới khảo cổ. Những chuyến thám sát anh luôn độc hành, hoặc chỉ đi với một hai đồng nghiệp thật gắn bó. Phát hiện được 1-2 di chỉ đã là thành tựu, còn Toàn mỗi chuyến phát hiện hàng chục điểm. Con số các di tích tiền sử do Toàn phát hiện riêng ở Tây Nguyên này đã lên tới khoảng vài trăm. Bộ “sưu tập” di chỉ của anh đã gồm đủ các giai đoạn, từ sơ kỳ Đá cũ, hậu kỳ Đá cũ, sơ kỳ Đá mới, trung kỳ Đá mới cho tới hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí. Phan Thanh Toàn nói anh bước đầu phát hiện ra một điểm di chỉ trung kỳ Đá cũ, để có thể khớp nối hoàn chỉnh liền mạch từng bước đi của nhân loại tại Tây Nguyên. Nhưng giờ anh đã “rửa tay gác kiếm”… 

                                                        *

Tác giả dưới bóng Kơnia nơi thung lũng Rộc Tưng cổ xưa 

Đời sống vẫn trôi chậm rãi trước mắt tôi. Bên hồ thủy điện đầu con đường dẫn vào Rộc Tưng, ông Nguyễn Văn Ửng, 70 tuổi nhà ở thôn An Xuân 3 lụp xụp áo mưa ngồi thả câu, chiếc xe đạp dựng bên. Ông Ửng bảo gần nơi ngọn đồi chỗ mấy điểm vừa đào bới khai quật kia ngày xưa có dinh Đá Yang với những tảng đá lớn. Là nơi bà con mỗi kỳ giêng, hai đầu năm mới làm lễ khai sơn (mở cửa rừng) để vào rừng làm ăn được yên ổn. Thời ấy mỗi lần thờ cúng bao giờ làng cũng để lại cái đầu heo để ông Cọp về ăn. Trong trí nhớ của ông Ửng, thời xưa ven sông Ba nơi đây rừng rú cây to như thùng phuy, thú dữ nhiều, có cả voi. Ông nghe kể thời các ông Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ nhà Tây Sơn lên đây bắt voi rừng làm voi chiến. Thuở nhỏ ông lùa bò ra gần sông còn không dám vào rừng, sợ cọp, heo rừng. Sau lớn lên đi săn còn bắt được những con trăn nặng cả tạ.

Nhớ lại cuốn sách đã đọc, rằng khoảng 2 triệu năm trước, đột biến gen đã xuất hiện “Người đứng thẳng” ở châu Phi. Cả hành tinh thuở ấy chỉ có chừng vài chục ngàn “người đứng thẳng”. Di chuyển với tốc độ 16km một năm, họ đã mất chừng 2.500 năm để đi vòng quanh thế giới!. Một ít trong số họ đã quần tụ nơi bồn địa cổ bên dòng sông Ba này đây. Một trong những khám phá lớn của các nhà khảo cổ An Khê, đó là “Người đứng thẳng” An Khê đã biết tạo dựng và phân chia nơi cư trú được tôn cao để tránh mưa lũ với nơi gia công, chế tác các công cụ đá. Những công cụ được dùng chặt tre, gỗ, xẻ thịt thú rừng, nạo da hoặc đào đất tìm con mồi để kiếm sống. Đặc biệt hơn là những chiếc rìu tay (handaxe) bằng đá – thứ công cụ khẳng định sự đóng góp của người phương Đông và Việt Nam vào tiến trình phát triển văn minh loài người. Bởi cho đến nay, rìu tay cơ bản vẫn chỉ được tìm thấy ở phương Tây…

Tôi tìm về làng Pơ Nang, Bên nhà rông trụ bê tông lợp tôn đỏ ngay cổng làng, mấy đứa trẻ Bahnar đang đạp xe đùa nghịch. Da đen cháy, tóc râu ngô, mắt sáng, như mọi đứa trẻ nơi cao nguyên.

Loanh quanh tìm hỏi nhà trưởng thôn Thuyết, chợt thấy từ ngôi nhà sàn dựng bằng tre nứa bé tẹo liêu xiêu vọng lên tiếng đọc bài ê a về xã hội cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ. Giật mình. Đập tay vào tấm liếp nhà sàn hỏi thăm. Thò ra một bà cụ vóc nhỏ thó khuôn mặt sinh động. Trong nhà không còn ai. Hỏi cụ đọc gì đấy. Bà lão đưa  ra cuốn sách giáo khoa Giáo dục công dân lớn 10 đã bị xé gần hết. “Của cháu ngoại đấy! Đọc cho vui thôi”. “Cháu ngoại mế học lớp mấy?”. “Nó chết rồi!”. Lặng người. Thì ra cháu ngoại của bà cụ Đinh Thị Rem này là vợ của trưởng thôn Đinh Văn Thuyết. Đây là cuốn sách giáo khoa của Đinh Thị Hăm thời đi học. Học xong Hăm làm việc ở Ủy ban xã, mấy năm trước đau bệnh rồi mất, khi chưa đầy 30 tuổi! Đứa con chung của hai người đang học lớp 3. Một phụ nữ vẻ phúc hậu nhưng nom khá buồn bã tiến lại gần. Bà là Hồ Thị Hương, mẹ của Hăm. Hỏi nhà con rể bà ở đâu, bà đưa tay chỉ về căn nhà sàn gần đó.

Trưởng thôn Thuyết đang lúi húi hái rau ở vườn chuẩn bị cho bữa trưa. Trẻ quá, mới tròn 30 tuổi là trưởng thôn được mấy năm rồi. Thuyết bảo làng Nhoi kế bên trưởng thôn Đinh Văn Tình sinh năm 1987, làng Hòa Bình trưởng thôn Hoàng Xuân Đạt 40 tuổi. Ba ngôi làng của người Bahnar phân chia bởi một ngã ba đường, quây thành những cánh của một ngôi sao dựa bên tả ngạn dòng sông Ba đang chảy dưới bãi bờ ngô khoai xanh ngắt kia. Thuyết bảo, làng Pơ Nang hiện có 61 hộ, 246 khẩu, cũng như các làng khác trước khổ lắm, giờ đã có đường có điện, có điện thoại, mạng 3G, 4G rồi…

Dừng lại thật lâu bên gốc Kơnia sừng sững cô đơn tuổi đời dễ đã trăm năm gần bên Rộc Tưng. Bạn đã khi nào nghe tiếng lá reo rất lạ và bất tận của những tán Kơnia chưa? Đến đây lắng nghe đi, bạn sẽ hình dung rõ hơn những dấu chân mình đã trải trên mặt trái đất này…

Hỏi về những cư dân vùng thung lũng cổ xưa này nay đã đi đâu hết, ông Ửng nói xưa người Bahnar ở đây, gọi là làng Gấm. Sau họ phải lui dần, nay đang ở mấy làng Nhoi, làng Pơ Nang và Hòa Bình bên xã Tú An gần đây. 

Tôi hỏi nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lịch, đương kim Bí thư thị ủy An Khê về cảm giác của một người làm ngành Y khi ngay trên quê hương mình phát hiện ra dấu tích một loài người tiền sử. “Là bác sĩ nhưng tôi lại giữ cương vị lãnh đạo, quản lý ở địa phương, tôi cũng là người cùng với PGS. TS Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn, Trần Đình Luân cùng các chuyên gia Nga, và cả ông Viện sĩ Anatony Derevianko may mắn cùng nhau đúng dip phát hiện ấy. Chúng tôi đã rất xúc động khi chiếc rìu tay cực tinh xảo được tìm thấy, vui mừng không tả xiết!...”, nữ bác sĩ không giấu được cảm xúc. 

Phan Thanh Toàn nói anh bước đầu phát hiện ra một điểm di chỉ trung kỳ Đá cũ, để có thể khớp nối hoàn chỉnh liền mạch từng bước đi của nhân loại tại Tây Nguyên. Nhưng giờ anh đã “rửa tay gác kiếm”…