> Sẽ gắn thiết bị định vị cho 'cụ' rùa
Trong bức tranh "Về nhà", em Đỗ Minh Quang, học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Kim Sơn, xã Kim Sơn, vẽ cảnh lão nông thả một con rùa nặng gần 70 kg xuống hồ Đồng Mô, môi trường sinh sống tự nhiên của nó. Năm 2008, cá thể rùa này được trả về tự nhiên trong tiếng reo hò của cư dân bản địa. Cảnh tượng vui mừng đó được cậu bé Quang lúc ấy mới bảy tuổi tái hiện trong bức tranh do em tự nghĩ và thể hiện bố cục.
Mơ Đồng Mô thành nơi sinh sản Rùa Hoàn Kiếm
Trong hai tháng, từ 20-1 đến 20-3-2011, ban tổ chức cuộc thi nhận được 3260 bức tranh của học sinh 10 trường tiểu học và trung học sơ sở. Các trường này nằm ở bốn xã xung quanh hồ Đồng Mô gồm xã Kim Sơn, Cổ Đông, Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), và xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Cuộc thi diễn ra trong khoảng thời gian dư luận cả nước quan tâm đặc biệt đến sức khỏe Rùa Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm.
Đáng chú ý, có tác giả nhí thể hiện trong tác phẩm mong muốn xây dựng hồ Đồng Mô thành khu bảo tồn, có thể chăm sóc, bảo vệ một trong những loài rùa khổng lồ nằm trong Danh lục Đỏ có nguy cơ tuyệt chúng nhất thế giới do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xây dựng. Em mong muốn Đồng Mô trở thành nơi sống an toàn và sinh sản cho loài rùa quý này. Có em thể hiện mức độ nguy cấp của loài rùa thông qua hình bốn cá thể rùa Rafetus swinhoei cô đơn còn lại cuối cùng trên thế giới.
Có ý tưởng ngộ nghĩnh với bức vẽ cá em chơi đùa cùng rùa, vui vẻ bơi lội trong hồ nước trong lành cùng rùa và các loài thủy sinh khác, mơ về một cuộc sống chan hòa giữa người với thủy sinh, không còn cành lo sợ bị bắt, làm thịt. Có bức còn họa cảnh Rùa Hoàn Kiếm đẻ trứng và quây quàn bên con non mới ra đời, biểu hiện cho sự phục hồi quần thể, mong muốn không chỉ của thiếu nhi vùng Đồng Mô.
Năm 2008, Rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô được xác nhận là giống đực. Rùa Hoàn Kiếm đang điều trị ở Hồ Gươm hiện nay bước đầu được nhận định là cá thể cái. Một số nhà khoa học đề nghị nên nghĩ đến phương án thử cho hai cá thể này tiếp xúc với nhau và môi trường lý tưởng nhất không đâu khác ngoài hồ Đồng Mô.
GS.TSKH Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam, nhận định: “Tôi không tin hồ Gươm là môi trường thích hợp để rùa có thể sinh sản một cách tự nhiên”.
Nếu phương án này được thực hiện, tính khả thi có thể không thua kém so với phương án mà các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) từng đề xuất – cho phối giống cá thể rùa đực Đồng Mô với rùa cái cùng loài ở Trung Quốc. Hai cá thể đực - cái cùng loài ở Trung Quốc từng đẻ hàng trăm trứng nhưng không quả trứng nào đậu thành con. Các nhà khoa học đoán có thể do chúng sống trong môi trường phi tự nhiên nên mất khả năng sinh sản.
Tò mò với chuyện Rùa Hoàn Kiếm, chiều qua, một nhà làm phim người Đức, Wolfgang Rebernik, cũng đến Đông Mô và trực tiếp phỏng vấn học sinh bản địa.
Em Chu Thị Huyền, tám tuổi, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Kim Sơn, thổ lộ với nhà làm phim: “Cháu muốn nhìn thấy rùa trên hồ Đông Mô nhưng mãi không thấy nổi. Chắc nó sợ nổi lên là bị người bắt rồi làm thịt”.