Vào lớp xóa mù vùng cao

TPO -18, 20 tuổi, thậm chí khi đã 40, 50 tuổi, nhiều phụ nữ La Pán Tẩn (Mù Cang Chải, Yên Bái) mới tham gia lớp xóa mù chữ. Những bàn tay vốn quen với se sợi, nhuộm vải đã viết được tên mình.

Nhiều khi, vừa đánh vần, vừa viết chữ, họ vừa vạch áo cho con bú giữa lớp…

Lớp học được mở vào dịp hè. Mỗi lớp học khoảng 50 người, gồm cả những người 18 - 20 tuổi và những người đã 40 - 50. Đây là lần đầu tiên họ được học chữ. Ảnh: Trường Phong.
Để động viên được bà con đến lớp, giáo viên, sinh viên tình nguyện phải nhờ các em học sinh của trường đến nói chuyện, khuyên nhủ nhiều. Có những hôm, trời tối, trời mưa cũng phải đến đón đồng bào đi học. Giáo viên ở đây cho biết, bình thường thì không sao, nhưng mỗi khi có việc như đám ma, đám cưới, lớp học lại vắng rất nhiều.
Sùng Thị Rùa, 19 tuổi, đi học lớp xóa mù chữ. Rùa cho biết, nhà nghèo quá nên không đi học. Dưới Rùa còn có em trai học hết lớp 5 thì nghỉ, em gái út thì không đi học. Rùa mới lấy chồng. Chồng Rùa cũng chỉ học hết lớp 9.
Sinh viên tình nguyện phải bắt tay đồng bào viết từng nét chữ. Nhiều trường hợp, con cũng đi học cùng mẹ để giúp mẹ viết chữ.
Không có người trông con, nhiều bà mẹ địu con đến lớp..
Nhiều khi, vừa học chữ, đánh vần, họ vừa cho con bú giữa lớp.
Nhờ có sự nhiệt tình của các giáo viên, sự giúp đỡ của sinh viên tình nguyện, bàn tay nhiều phụ nữ tại đây, vốn chỉ quen với việc dệt vải, nhuộm sợi đã viết được tên mình, làng bản của mình. Tuy nhiên, theo những giáo viên tại đây, do sinh hoạt ở làng bản vẫn bằng tiếng của đồng bào, nên rất dễ quên những gì đã học được.
Theo Viết