Mười hai giờ trưa, dưới cái nắng như đổ lửa của miền cát trắng Quảng Ngãi, trên đỉnh tháp chưng cất xúc tác cao 67m, tương đương tòa nhà 15 tầng, anh Lưu Văn Tú bắt đầu ca làm việc. Quê Nghệ An, sau khi theo học ngành kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ của Trường lắp máy Ninh Bình, anh Tú gắn với nghiệp sửa chữa, bảo dưỡng các công trình từ Bắc vào Nam. Hơn chục năm làm nghề, anh bôn ba khắp các công trình, từ nhà máy nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh), nhiệt điện Thái Bình và nay là Lọc dầu Dung Quất (Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn-BSR).
Trong “lò bát quái”
Khu vực anh Tú làm việc là cụm tháp tách - phản ứng và tái sinh xúc tác - nơi được mệnh danh là “trái tim” của nhà máy. Đây cũng là một trong những công việc phức tạp, khó khăn trong quá trình bảo dưỡng với thời gian làm việc 24/24. Tháp cao, nhiều tầng, nhiều đoạn rất chật hẹp, có chỗ đường kính chỉ rộng hơn 1m. Công việc rất nặng nhọc nên anh Tú và các đồng nghiệp luân phiên nhau đổi ca, mỗi ca 2 giờ. Chỉ vào chiếc khẩu trang chống bụi, anh bảo: “Làm việc trong tháp cao ồn ào, bụi bặm, dù có đường ống điều hoà không khí nhưng vẫn oi bức. Khó nhất là không gian làm việc chật chội, phải đeo “mõm lợn” để vào lò bát quát”.
Theo chân anh Tú, chúng tôi bước vào khu vực đường ống rút xúc tác từ các tháp tái sinh sang tháp phản ứng. Tiếng máy khoan inh tai, bụi bay mù mịt. Sau khi ra hiệu cho đồng đội đổi ca, anh Tú đeo máy cắt bằng áp suất nước bắt đầu ca làm việc. Công việc của nhóm là khoan lớp bê tông cách nhiệt bên trong cụm 4 tháp.
Khi anh Tú vào ca cũng là lúc chuyên gia Vicent Wettleson (nhà thầu Hiap Seng, Singapore) từ thiết bị tách chui lên đỉnh tháp tái sinh. Đường ống chật hẹp, ông phải nhờ 2 công nhân kéo lên bằng tời chuyên dụng.
Ông mở máy ảnh khoe những tấm hình vừa chụp được, đó là những vị trí bị mài mòn của thiết bị tách sau thời gian dài vận hành trong điều kiện khắc nghiệt. Có kết quả từ thực tế kiểm tra, ông sẽ viết báo cáo, cùng thảo luận với các kỹ sư đầu mối của BSR để đưa ra biện pháp xử lý.
Theo kỹ sư Tạ Ngọc Phương (trưởng nhóm vận hành), những “lò bát quát” mà kỹ sư, công nhân nhắc đến chính là tháp tách, tháp phản ứng và tháp tái sinh xúc tác của phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC), nơi quan trọng nhất, quyết định công suất hoạt động của nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Anh Phương giải thích về quá trình hoạt động của phân xưởng. Theo anh, cặn chưng cất khí quyển (tức cặn chưng cất dầu thô ở áp suất khí quyển từ phân xưởng chưng cất dầu thô) lần lượt đi vào các tháp của phân xưởng RFCC. Nguyên liệu đi vào tháp phản ứng, cộng với xúc tác, phản ứng tạo ra các phân đoạn sản phẩm như khí đốt, xăng, dầu diesel… Phần xúc tác sẽ luân chuyển trong các tháp phản ứng, tháp tái sinh bằng hệ thống đường ống rút và nạp xúc tác.
Luôn vận hành ở nhiệt độ 750-800 độ C, hệ thống đường ống, tháp xúc tác có lớp bê tông cách nhiệt đặc thù để giữ nhiệt. Cấu tạo tháp tương tự một bình giữ nhiệt. Phần bảo dưỡng thực hiện là sửa chữa lớp cách nhiệt ở giữa (tức vị trí lớp gạch cách nhiệt bị ăn mòn).
Là người chuyên trách công việc bảo dưỡng toàn nhà máy, kỹ sư Lê Nguyễn Quốc Vinh, trưởng ban bảo dưỡng sửa chữa và kiểm tra thiết bị cho biết, việc bảo dưỡng của phân xưởng RFCC là khó khăn nhất. Qua thời gian hoạt động gần 10 năm với điều kiện nhiệt độ cao, lớp gạch cách nhiệt có độ rắn tăng lên mỗi ngày. Công nhân phải dùng máy cắt bằng tia nước áp suất rất cao mới có thể phá vỡ lớp cách nhiệt này.
“Lớp này cứng như đá, rất chắc do có sợi thép gia cường, đập không vỡ. Phần bê tông xen lẫn sắt thép được tôi luyện trong nhiệt độ cao cả chục năm nên chúng tôi vẫn gọi đùa nhau là thành tinh rồi. Tháp cao hàng chục mét nên phải chia ra, luân phiên nhau làm việc cả ngày lẫn đêm”, anh Vinh cho biết.
Tổng diện tích lớp gạch cách nhiệt cần sửa chữa lên tới 250 m2. Sau khi bắn vỡ lớp gạch này, kỹ sư làm khuôn, đổ bê tông đặc biệt, sấy bằng máy với nhiệt độ 350 độ C trong vòng 72 giờ mới hoàn thành công việc.
Công trường dưới biển sâu
Ngoài những tháp cao, nhà máy lọc dầu Dung Quất còn phải bảo dưỡng phao rót dầu không bến (PSM). Các công việc cụ thể là thay thế đường dây thủy lực và đường dây tín hiệu, sửa chữa 2 mắt xích để neo tàu; sơn lại phao SPM… Việc nào cũng đòi hỏi độ chính xác, an toàn tuyệt đối, bởi công việc chủ yếu diễn ra dưới mặt nước. Mà vịnh Việt Thanh nổi tiếng là sâu (chừng 30m), có dòng hải lưu và thường xuyên có gió mạnh.
Hôm chúng tôi ra phao, có chừng 60 người đang hối hả làm việc. Tàu dịch vụ Ngàn năm Thăng Long của Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam đóng vai trò là tàu chỉ huy. Xung quanh có các tàu dịch vụ, tàu cảnh giới. Trên phao SPM luôn có hơn 10 người là thợ của nhà thầu, nhân sự BSR.
Trung tâm điều khiển lặn nằm trong 2 container trên tàu dịch vụ Ngàn năm Thăng Long, các thợ lặn của Cty CP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí biển thay nhau xuống đáy biển ghi hình, kiểm tra các thiết bị trước khi bắt tay vào các hạng mục sửa chữa, thay thế.
“Thợ lặn phải lành nghề, có chứng chỉ lặn biển và có kinh nghiệm nhiều năm tác nghiệp ở các công trình dầu khí”, anh Tôn Tịnh Biên, Phó ban Quản lý cảng biển cho biết.
Mỗi thợ lặn đều được nối với cụm 3 dây bao gồm 1 dây điện đài màu đỏ; 1 dây xanh to truyền sinh (oxy); 1 dây xanh nhỏ đo độ sâu. Ở dưới đáy biển, 2 thợ lặn được 1 thợ lặn của BSR kèm sát và hướng dẫn trực tiếp khu vực tác nghiệp, công việc phải làm và quy trình an toàn ngay dưới đáy biển. Sau chừng một khóa ngắn 15 phút, thợ lặn BSR lên tàu để thợ lặn nhà thầu làm việc.
Mỗi ngày có chừng 8 ca lặn, 1 ca dự phòng như thế. Mỗi ca làm việc khoảng 45 phút, sau đó thợ lặn ngoi lên cách mặt nước chừng 6m. Ở đây thợ lặn tiếp tục thả lỏng, giảm áp chừng 8 phút. Sau đó, thợ lặn lên cách mặt nước 3m, tiếp tục giảm áp ở đây 26 phút theo quy chuẩn lặn quốc tế. Tổng thời gian làm việc và giảm áp của thợ lặn là 1 giờ 30 phút và mỗi thợ lặn chỉ được phép làm việc 1 ca/ngày.
Nắng và gió
5h sáng, chúng tôi có mặt ở cổng vào nhà máy. Quy trình kiểm tra an ninh của nhà máy có lẽ chặt chẽ hơn cả an ninh hàng không. 6h sáng, gần 4.000 người dồn về điểm tập trung, tập thể dục buổi sáng trên nền nhạc sôi động.
Bắt đầu ngày làm việc mới, để chống chọi với cái nắng hối hả trên công trường, trên túi của bộ quần áo bảo hộ lao động, mỗi người đều dắt theo chai nước lạnh. Những tấm khăn quàng, tấm phủ trên mũ bảo hộ, kính, khẩu trang kín mít, mỗi người như một ninja trên công trường và chỉ phân biệt bằng tấm thẻ ghi tên trên ngực áo.
Nhận chai nước, chiếc bánh mỳ lót dạ giữa giờ làm việc, anh Hà Văn Cần (47 tuổi) ngồi dưới bóng mát của nhà máy tranh thủ nghỉ ngơi trong lúc đổi ca cho đồng nghiệp. Là người dân ở thị trấn Châu Ổ (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cách nhà máy khoảng 7km, đây là lần thứ ba anh Cần tham gia bảo dưỡng nhà máy. Mỗi ngày công, anh nhận được gần 400.000 đồng từ nhà thầu.
“Mỗi lần tham gia bảo dưỡng, ngoài tiền lương, chúng tôi được vào “nhìn tận mắt, sờ tận tay” nhà máy”. Thị trấn tôi ở có cả trăm người cùng vào làm bảo dưỡng đợt này”, anh Cần nói.
Cũng như anh Cần, chị Nguyễn Hồng Phước (Bình Sơn, Quảng Ngãi) vốn là công nhân may gia công tại nhà. Khi nhà thầu tuyển nhân lực cho đợt bảo dưỡng tổng thể nhà máy, chị đăng ký làm công nhân vệ sinh, quét dọn trên công trường.
Nhằm hỗ trợ chỗ ăn nghỉ cho nhân sự tham gia bảo dưỡng, 4 khu lán trại với diện tích từ 250 - 450 m2 được dựng trong khuôn viên nhà máy. Trên mái lán có lớp giấy bạc cách nhiệt, rèm che và hàng chục chiếc quạt điều hoà, quạt công suất lớn nhằm xua tan nắng nóng giữa trưa hè tháng 6. Hàng ngày, hơn 2.000 suất ăn chính, 3.500 suất ăn nhẹ, nước uống được đưa tới tận tay cán bộ công nhân viên.
Trên trục đường chính chạy quanh các phân xưởng, xe đưa đón chạy liên tục. “Đưa đón công nhân, kỹ sư trong nhà máy mà mỗi ngày xe chạy khoảng 150km, cũng chẳng thể đếm nổi có bao nhiêu vòng xe”, một lái xe của nhà máy lọc dầu Dung Quất bảo.
17h chiều 25/6, với nền nhạc sôi động, cán bộ kỹ sư, công nhân viên hối hả trở về khu lán trại tập trung. Những kỹ sư, công nhân với đôi tay lấm lem bụi bẩn, quần áo dính đầy dầu mỡ, đủ màu da, quốc tịch nhận nước, bánh mỳ từ nhân sự hậu cần công ty. Chiếc móc khoá với dòng chữ “An toàn trên hết – Vì chính bạn, gia đình và đồng nghiệp” được trao đến tay từng người như lời nhắc nhở.
Mở đầu chương trình tuyên truyền an ninh an toàn, sức khoẻ, môi trường, trò chơi vui nhộn như “vừa ngậm kẹo vừa thổi bóng bay; thi nói dài hơi nhất” khuấy động cả hội trường. Những nụ cười trên khuôn mặt đen bóng như xua đi cái nắng chói chang oi ả.
“Ngày ngày trên công trường, hoạt động văn nghệ, trò chơi giúp chúng tôi bớt đi căng thẳng mệt mỏi và có động lực, hứng khởi làm việc hơn nữa”, anh Dương Đức Vĩnh, công nhân bảo dưỡng nhà thầu Lilama tâm sự.