Vào Hội Nhà văn Việt Nam cần 'giấy phép con'?

TP - Trên báo Văn Nghệ, số 47, ra ngày 23/11/2024, nhà văn Đỗ Thành Đồng chia sẻ về quy định riêng của Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình.

Theo đó, những cây bút có nguyện vọng và đủ điều kiện xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trước hết cần đi qua “cửa” Chi hội địa phương để “xem xét quá trình lao động và sáng tạo, chất lượng tác phẩm, bỏ phiếu đa số tán thành mới giới thiệu cho Hội Nhà văn Việt Nam”. Đáng nói ở chỗ, nếu ai không tuân thủ quy trình sẽ không được sinh hoạt ở Chi hội sau kết nạp. Nhà văn Đỗ Thành Đồng thích thú và tin tưởng quy trình mà ông đánh giá “khó khăn” này. Nhưng một nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội bình luận: “Tự dưng lại sinh ra cái giấy phép con”.

Sinh ra Chi hội để làm gì?

Phóng viên kết nối với nhà văn Hoàng Thuỵ Anh, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình. Chị giới thiệu: Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình đã có tuổi đời 25 năm. Hiện nay có 11 hội viên. Về quy trình riêng mà nhà văn Đỗ Thành Đồng hé lộ ở bài viết của ông trên báo Văn Nghệ, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình xác nhận: Điều này có thật. Nhà văn Hoàng Thuỵ Anh giải thích: “Từ hồi nhà văn Hữu Phương đảm trách mấy nhiệm kỳ Chi hội trưởng đều làm theo quy trình như vậy”.

Ở Quảng Bình, những cây bút gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam đều tuân thủ quy trình này: “Chưa có trường hợp tự gửi đơn, không thông qua Chi hội”, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình chia sẻ. Tuy nhiên, nhà văn Hoàng Thuỵ Anh đính chính: Không có chuyện phải bỏ phiếu đạt đa số tán thành mới giới thiệu cho Hội Nhà văn Việt Nam, như nhà văn Đỗ Thành Đồng tiết lộ.

Theo lãnh đạo Chi hội: “Ai có nguyện vọng vào Hội Nhà văn Việt Nam và đáp ứng đủ điều kiện thì nói với Chi hội trưởng. Chi hội trưởng sẽ giới thiệu cây bút này trong cuộc họp để thông qua các hội viên, rồi làm đơn thôi. Chúng tôi không gây khó dễ, anh em có nguyện vọng vào Hội Nhà văn Việt Nam cũng không có thắc mắc, không lùm xùm, kiện tụng gì về quy trình này”.

Năm 2024, Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp 66 hội viên mới

Nhưng quy trình có ngặt đến mức, nếu ai không tuân thủ thì sẽ không được sinh hoạt ở Chi hội sau kết nạp? Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình cười, đáp: “Như đã nói, ở Quảng Bình chưa có trường hợp nào lướt qua Chi hội khi có nguyện vọng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nếu xảy ra, chúng tôi sẽ họp và chiểu theo quy chế của Hội Nhà văn Việt Nam để xử lý thôi. Và nếu có trường hợp này theo tôi cũng là lỗ hổng trong điều lệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Chi hội địa phương thành lập ra ít nhất phải có vai trò, trách nhiệm gì chứ? Ít nhất phải phát hiện ra những cây bút có năng lực để giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chi hội địa phương nắm rõ ai là người có khả năng sáng tác, có những tác phẩm nào? Chúng tôi phải nắm rõ hơn những người ở Hội Nhà văn Việt Nam chứ!”.

Theo nhà văn Hoàng Thuỵ Anh, hiện nay, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình là nhà văn Nguyễn Thị Lê Na. Nhà văn Nguyễn Thị Lê Na là Tổng biên tập tạp chí Nhật Lệ. Nhà văn Hoàng Thuỵ Anh, cũng đang công tác ở tạp chí Nhật Lệ, khẳng định: “Bởi tạp chí Nhật Lệ luôn tìm kiếm những cây bút trẻ. Cho nên chúng tôi nắm rất kỹ các cây bút ở Quảng Bình”.

Nhà văn Hà Phạm Phú, hiện đang sinh hoạt tại Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Phú Thọ cũng bày tỏ: “Chi hội địa phương nên có ý kiến với những cây bút muốn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Vì chính họ hiểu rõ hơn ai hết năng lực của các cây bút ấy. Lập ra Chi hội thì Chi hội phải có đóng góp cho Hội, nhất là trong việc kết nạp hội viên”.

Lẽ nào quyền to thế?

Tác giả “Bãi vàng, đá quí, trầm hương” được vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015: “Lúc ấy Chi Hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai còn chưa ra đời. Người khuyến khích tôi gia nhập Hội chính là đương kim Chủ tịch Hội lúc ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông bảo: Trí về làm đơn xin kết nạp vào Hội, có 2 người giới thiệu nữa là được. Thế là tôi nhờ nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà văn Lê Minh Khuê. Việc kết nạp suôn sẻ. Đến bây giờ tôi vẫn sinh hoạt bình thường tại Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Đồng Nai”.

Theo ghi nhận của nhà văn Nguyễn Trí ở Đồng Nai, cây bút nào có nhu cầu và đủ điều kiện xét kết nạp thì không cần thiết thông qua Chi hội. Ông còn khoe: “Một cô ở Vũng Tàu vừa nhờ tôi giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam. Cô ấy có nhờ Chi hội Nhà văn Việt Nam ở địa phương cô ấy đang sống và làm việc đâu? Chắc họ nghĩ nếu nhờ nhà văn có tên một chút giới thiệu thì sẽ dễ được kết nạp hơn, chứ không có ý làm mếch lòng Chi hội”.

Thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam không phải để “oai”.

Nhà văn Dương Hướng - Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam - cho rằng, không cần thiết phải qua Chi hội nếu có nguyện vọng và đủ điều kiện xét hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: “Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp không thông qua Chi hội địa phương. Chi hội địa phương biết rõ, nắm chắc năng lực của cây bút ấy. Họ tự giới thiệu và bảo lãnh bằng uy tín của họ cũng tốt. Nhưng nếu anh không được Chi hội giới thiệu thì cứ làm đơn bình thường, vì còn có Hội đồng Văn, Hội đồng Thơ thẩm định, chịu trách nhiệm về chất lượng tác phẩm của họ kia mà”. Phóng viên hỏi: “Nếu quy trình nhất định phải thông qua Chi hội địa phương, theo ông có tạo ra “giấy phép con” như một nhà văn Hà Nội nói?”. Nhà văn Dương Hướng đáp: “Đúng rồi. Chi hội địa phương không giới thiệu nhưng họ vẫn được kết nạp vào Hội thì Chi hội vẫn phải tiếp nhận hội viên mới này. Nếu không tiếp nhận chỉ là quy định riêng của Chi hội thôi, không phải quy định của Hội Nhà văn Việt Nam. Theo tôi, những trường hợp không được Chi hội địa phương thừa nhận chỉ là cá biệt, chắc do mâu thuẫn cá nhân hoặc lý do nào đó. Còn theo nguyên tắc, đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì Chi hội Nhà văn Việt Nam ở địa phương phải cho người ta sinh hoạt chứ?”.

Thiệt thòi nhiều lắm!

Phóng viên liên lạc với nhà văn Đỗ Thành Đồng. Ông khẳng định tại Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bình có hình thức bỏ phiếu, quá bán mới đạt, không quá bán thì tạm dừng giới thiệu vào Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn thích thú với quy trình này vì: “Tôi không muốn vào Hội Nhà văn Việt Nam theo kiểu mang tiếng, mang tăm. Làm chặt chẽ như thế này thì người được vào mới xứng đáng”. Ông còn nói: “Ở Quảng Bình, ai vào Hội Nhà Văn Việt Nam cũng đều xứng đáng cả. Chúng tôi không thẹn với hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình vì đã qua khâu tuyển chọn cơ sở rồi”.

Nhà văn Đỗ Thành Đồng xác nhận, có những nhà văn là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng không do Chi hội Nhà Văn Việt Nam ở Quảng Bình đưa lên, dù muốn sinh hoạt ở Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bình cũng không được: “Ví dụ như nhà văn H.Đ.K. Ông ấy vào Hội Nhà văn Việt Nam từ ngoài Hà Nội. Nhưng quê ông ấy ở đây nên muốn sinh hoạt ở Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bình cho vui nhưng không được chấp nhận”.

Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Trị, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, quan niệm: “Chi hội địa phương có tính chất giới thiệu các gương mặt để hội đồng chuyên môn và ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tham khảo. Còn các cây bút muốn vào Hội không cần thông qua Chi hội cũng được. Đó là quyền của họ, điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam cũng chưa quy định Chi hội địa phương có quyền quyết định trong việc giới thiệu các tác giả vào Hội. Chúng tôi chỉ giữ vai trò kênh tham khảo”. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý phản đối việc không cho các hội viên được sinh hoạt ở Chi hội địa phương chỉ vì họ đi tắt, bỏ qua “cửa” Chi hội: “Làm sao vô lý thế được? Đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì nghiễm nhiên được sinh hoạt trong Chi hội địa phương. Chi hội có quyền gì mà không cho người ta sinh hoạt, thậm chí phải mời họ vào”.

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Bắc Giang, nhà văn Mai Phương nhìn nhận: “Cuộc sống có nhiều vấn đề, nhiều sự việc mà mình nhìn thấy, mình nghe thấy có khi lại không phải như thế. Cho nên, để đánh giá quá trình của cây bút thì cần cẩn trọng. Chi hội địa phương có nhiệm vụ kết nối, theo dõi những cây bút có năng lực. Họ có thể làm hồ sơ gửi trực tiếp đến văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam nếu muốn vào Hội. Nếu cây bút ấy cần sự ủng hộ của Chi hội thì chúng tôi sẽ có tiếng nói để ủng hộ những người yêu văn chương và có tài năng chứ không đặt nặng việc phải thông qua Chi hội. Họ không thông qua Chi hội, sau kết nạp không được sinh hoạt trong Chi hội, thế thì quyền to quá!”.

Nhà văn Nguyễn Trí.

UVBCH Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Hùng nói: “Chỉ cần có tác phẩm tốt, được 2 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu thì bất cứ ai có nguyện vọng vào Hội Nhà văn Việt Nam đều có thể làm đơn, không nhất thiết thông qua Chi hội địa phương giới thiệu”. Ông nhấn mạnh: “Chi hội có thể giới thiệu nhưng không phải thủ tục bắt buộc, không có quy định ấy”.

Nếu hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam không được sinh hoạt ở địa phương sẽ thiệt thòi thế nào? Nhà văn Đỗ Thành Đồng nói: “Đại hội toàn quốc lựa chọn đại biểu tham dự thì anh không bao giờ được chọn, anh không ở Chi hội, ai bỏ phiếu cho anh? Suốt đời anh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nhưng đại hội đại biểu toàn quốc lại không bao giờ có mặt. Chi hội mỗi năm đi thực tế mấy lần, anh cũng không được tham gia”.

Nhà văn Dương Hướng.

Nhà thơ Trần Hùng.

Nhà văn nổi tiếng ở Hà Nội (xin được giấu tên) cũng kể với phóng viên một trường hợp nhà văn không thể về sinh hoạt ở Chi hội địa phương, do kết nạp không qua Chi hội. Vị này còn nói, có những Chi hội còn yêu cầu hội viên muốn xuất bản sách cũng phải thông qua vòng xem xét ở Chi hội. Thực hư chuyện này phóng viên chưa kiểm chứng vì chưa thể kết nối được với những trường hợp được nhà văn nổi tiếng nọ nhắc tên.

Vào Hội Nhà văn để giải quyết khâu “oai”?

Nhà văn Mai Phương chia sẻ: Ở Bắc Giang đối tượng người trẻ yêu văn chương và viết văn không nhiều lắm. Cũng có một vài bạn trẻ có nguyện vọng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Còn ở Quảng Bình, nhà văn Nguyễn Hữu Quý nhìn thấy một sự thật: Có những người không mặn mà với việc vào Hội. “Họ có lý của họ, bởi vào Hội hay không cũng không tác động nhiều đến chất lượng sáng tác. Tuy nhiên, tôi cũng lại thấy ở chỗ này, chỗ khác vẫn có chuyện chạy chọt vào Hội vì họ thấy oai. Vào Hội giải quyết khâu oai theo tôi là sai lầm. Trong khi có những người có tác phẩm xứng đáng nhưng phải vận động tích cực thì họ mới vào Hội”, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Trị nói.