Gia đình ông Hải là một trong hơn 20 gia đình ở thôn Xâm Thị “dính” quy hoạch đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội. Trong căn nhà cấp 4, ông Hải và vợ đang chăm mấy đứa cháu nhỏ. Hỏi xung quanh, ai cũng biết nhà ông Hải thuộc trường hợp “dừng xây nhà để chờ dự án đường Vành đai 4”. Ông Hải người khắc khổ, quanh năm quen lam lũ, vất vả nhưng nói về đường Vành đai 4, ông hết sức hào hứng.
Gia đình ông Hải khởi công xây dựng căn nhà 2 tầng từ hồi đầu năm 2022. Lúc đó, vị trí chính xác của đường Vành đai 4 vẫn chưa được xác định, cũng chưa có thông tin sẽ đi qua thôn Xâm Thị và gia đình ông Hải. Vì thế, ông và các con khởi công xây nhà. “Tôi có 3 con trai, các cháu đều đã lập gia đình, mỗi đứa đều có 2 con, nhỏ nên tôi chia đất cho các cháu làm nhà”, ông Hải nói, đồng thời cho biết, căn nhà 2 tầng đã hoàn thiện phần thô, tổng chi phí hết khoảng 600 triệu đồng.
“Các cháu cũng bàn, hay là tiếp tục làm để ở, nhưng sau đó, gia đình quyết định dừng lại. Chưa biết sau này sẽ đền bù được bao nhiêu. Cũng chưa ai yêu cầu gia đình phải dừng. Nếu hoàn thiện ngôi nhà chi phí chắc có lẽ lên tới 1,2 tỷ đồng. Sau này, nhà nước vào đền bù, hỗ trợ thế nào thì chưa biết, cũng chỉ cần ngang bằng với số tiền gia đình đã bỏ ra thôi”, ông Hải nói, đồng thời cho biết “không muốn nhà nước tốn thêm tiền đền bù”.
Tâm sự với phóng viên Tiền Phong, ông Hải bảo, cả tuyến đường dài 112km, không phải mình nhà ông bị thu hồi đất. Thời điểm biết đất của gia đình nằm đúng tâm đường Vành đai 4, rơi vào đúng khu vực dự kiến xây cầu vượt sông Hồng, ông Hải nói gia đình cũng hoảng loạn. Toàn bộ hơn 600 mét vuông đất từ thời ông bà để lại, cộng với khoảng vài sào đất bãi ven sông dự kiến sẽ bị thu hồi hết. “Làm cái nhà tầng nói trên không phải chuyện đơn giản. Dành dụm cả đời, phải đi vay mượn thêm nữa. Nhưng không may dính vào quy hoạch thì chấp nhận thôi. Mà mở đường để giảm ùn tắc giao thông, vì sự phát triển của thành phố, của cả vùng thì gia đình rất ủng hộ”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, khi biết gia đình dính vào quy hoạch đường Vành đai 4, cũng có người gợi ý nên tiếp tục hoàn thiện ngôi nhà, mua loại vật liệu rẻ tiền để tiếp tục thi công, chờ sau này đền bù có thêm tiền. Con cháu trong gia đình cũng bảo, hay là hoàn thiện một phòng để làm nơi ở tạm. Nhưng ông Hải quyết định dừng thi công. Thành ra, gia đình con trai ông phải ở cùng ông bà trong căn nhà cấp 4.
“Hoàn thiện một gian để ở cũng không được. Mưa gió, vật liệu rơi vãi không sống được. Các cháu còn nhỏ, không thể ở bừa bộn được. Gia đình cháu giờ ở với tôi, chắc phải một vài năm, chật chội một tí. Nếu hoàn thiện thì cũng được thôi, nhưng nhà nước sẽ tốn kém thêm”, ông Hải khẳng định. Nói về tương lai, ông Hải cho biết, chỉ muốn sau này gia đình ông và các gia đình bị thu hồi đất được bố trí tái định cư ở nơi rộng rãi, tương xứng với những gì gia đình ông góp sức cho thành công của dự án Vành đai 4.
Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân cho rằng, cùng với sự vận động, tuyên truyền của cấp uỷ Đảng, chính quyền xã, người dân trong xã rất ủng hộ dự án Vành đai 4. Theo ông Bảo, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, do Bí thư Đảng uỷ làm Trưởng ban; Tổ công tác giải phóng mặt bằng do Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng, phối hợp cùng các đơn vị của huyện, quyết tâm thực hiện các nội dung liên quan dự án.
“Xã Hồng Vân có khoảng 27 hộ gia đình bị thu hồi đất thổ cư, người dân đều rất đồng thuận, ủng hộ vì đây là dự án trọng điểm quốc gia. Nếu tính cả dự án tái định cư, trên địa bàn thu hồi khoảng 70 nghìn mét vuông, trong đó khu tái định cư chiếm khoảng 1,5 ha. Người dân đang xây nhà cũng dừng lại để chờ dự án; hay dù chưa nhận được ủng hộ, người dân cũng đã di dời xong các ngôi mộ thuộc đất quy hoạch Vành đai 4”, ông Bảo nói, đồng thời cho rằng, sau này, khi đường Vành đai 4 hoàn thành, có cầu nối sang Hưng Yên, sẽ mang lại nhiều lợi ích. “Hiện nay, qua sông Hồng vẫn là các bến đò, không đảm bảo an toàn”, ông Bảo nói thêm.
Theo tìm hiểu, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận huyện Thường Tín có tổng chiều dài khoảng 9 km, thực hiện thu hồi khoảng 120 ha đất tại 9 xã; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 2.001 hộ, cá nhân, 14 tổ chức; tái định cư 236 hộ, di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã. Trên địa bàn xã Vân Tảo, lực lượng chức năng cũng đã công bố, đánh dấu chỉ giới đường đỏ tuyến đường đi qua.
Vừa vặt lá cho luống hoa cúc chuẩn bị cho mùa Tết, ông Nguyễn Văn Chuẩn (thôn Xâm Động, xã Vân Tảo) cho biết, đường Vành đai 4 sẽ đi qua cánh đồng, hơn 3 sào đất nông nghiệp của gia đình ông sẽ bị thu hồi. “Người dân rất đồng tình với chủ trương thực hiện đường Vành đai 4, nhưng quan trọng là sắp tới sẽ có quy định cụ thể, chi tiết về mức chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng”, ông Chuẩn nói.
Trên cánh đồng thuộc xã Vân Tảo, nhiều gia đình nơi đây trồng hoa đào, hoa cúc, trồng rau xanh, thu lợi nhuận cả trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng về cơ bản, theo ông Chuẩn, người dân ủng hộ hết mình vì lợi ích chung của quốc gia, của thành phố. Như nhà ông Chuẩn, mỗi sào đất nông nghiệp mỗi năm cho thu nhập khoảng 60 – 70 triệu đồng, nếu thuận lợi lên tới 90 triệu đồng, nhưng sẵn sàng chấp nhận bị thu hồi để làm đường Vành đai 4. “Không có lý do gì để ngăn cản, chỉ mong được mức đền bù thoả đáng, đảm bảo đời sống cho người dân”, ông Chuẩn nói.
Liên quan đến dự án này, Huyện ủy Thường Tín đã ban hành các Quyết định thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thành lập Bộ phận tiếp công dân phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án xây dựng đường Vành đai 4. UBND huyện đã thành lập Hội đồng bồi thường và 9 tổ công tác điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, thực hiện công tác thu hồi đất,giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời, khẩn trương thực hiện quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư,khu quy tập mộ phải di chuyển giải phóng mặt bằng; khẩn trương tổ chức thực hiện kịp thời để hoàn thành cơ bản trước ngày 30/12/2022 công tác bồi thường, hỗ trợ, di chuyển mộ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, lập hồ sơ, thủ tục pháp lý để thu hồi, bồi thường,giải phóng mặt bằng, giải quyết tái định cư cho các đối tượng...
Mới đây nhất, huyện đã xem xét, báo cáo phương án trình UBND thành phố giải quyết xong kiến nghị của 113 hộ dân thôn Xâm Động, xã Vân Tảo thuộc diện có nhà, đất ở phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, xác định, làm thủ tục về quy hoạch, triển khai thông báo, quán triệt tới cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, diện tích tái định cư đã xác định, làm thủ tục báo cáo thành phố.
Theo lãnh đạo UBND huyện Thường Tín, tính đến cuối tháng 11/2022, các xã đã tổ chức di chuyển được hơn 400 ngôi mộ và đang tiếp tục khẩn trương tổ chức di dời mồ mả còn lại…
(Còn nữa)