Bởi suốt hai năm qua, chủ đề từng nóng rẫy các diễn đàn: “Bản chất việc Ngân hàng Trung ương độc quyền xuất nhập khẩu và sản xuất vàng miếng là gì? Điều hành thị trường vàng đang thực sự đại diện cho lợi ích nào?”
Trận đồ
Lấy tháng 5/2012 làm “mốc” khi Nghị định 24 về Quản lý thị trường vàng chính thức có hiệu lực, lập tức, thị trường, công luận rộ lên câu chuyện lợi ích nhóm.
Những dấu hỏi to tướng đặt cho vị đại diện NHNN Thống đốc Nguyễn Văn Bình: vì sao chọn SJC là thương hiệu vàng Quốc gia, Nghị định 24 quản thế nào để hàng loạt doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh phải đóng cửa? Rồi cơn cớ gì phải “ép” các ngân hàng chi tiền lúc khó mua cho kỳ hết 60 tấn vàng để trả đủ trạng thái?
“Quản lý vàng vừa rồi rất tốt, bước đầu đúng tinh thần nghị định 24. Tới đây phải kiên định nhất quán chuyện Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng, dứt khoát không để thị trường vàng làm mất ổn định kinh tế vĩ mô và an toàn hệ thống, kiên quyết không để các NHTM huy động, cho vay vàng dưới mọi hình thức”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại Hội nghị ngành 18/12/2013
Đã vậy, gia công vàng miếng với sự ì ạch vì quá tải của “độc” dây chuyền vàng miếng SJC khiến thị trường sốt sình sịch, kéo giá vàng SJC cách xa các loại vàng miếng khác.
Chưa kể tiếp đến là hàng loạt vụ vàng nhái SJC từ chính ngân hàng trả ra khiến người dân hoang mang, buộc cơ quan công an phải vào cuộc điều tra...
Rồi đến giờ, vẫn là câu chuyện đấu thầu vàng với mức giá vắt vẻo chênh đến 3-4 triệu/lượng bất kể vàng thế giới lao dốc…
Tất tần tật, từng ấy câu hỏi, từng ấy vấn đề “đổ” lên vàng, phủ hồ nghi lên màn sương “những bóng ma lợi ích”.
Đối đầu và đọc trận
“Điều hành thị trường vàng của NHNN năm qua đã đi những bước căn bản. Vì sao NHNN biết và tát được giới buôn thị trường? Cái giỏi của họ là biết đọc trận. Bởi họ nắm được tất cả các quân bài, nắm được chắc chắn và áp dụng một cách tuyệt đối” - Kim (đã đổi tên), một tay từng buôn vàng có số má trong chiều rét tê tái bên con phố cũ Hà Nội thủng thẳng vào đề.
Về lý do nhiều năm nay từ bỏ không làm vàng nữa, Kim bảo: “Đã buôn vàng là không có ngày đêm. Từ 8 giờ sáng đến 12 giờ đêm đều phải canh giá vàng, phải nghe đến 3 điện thoại một lúc thậm chí đêm cũng không được ngủ vì đó mới là giờ giao dịch cao điểm trên thế giới”.
Theo Kim, thị trường vàng đúng là đang điều hành bằng mệnh lệnh hành chính nhưng xét trên góc độ quản lý, điều kiện cụ thể lúc này là tối ưu.“Cái giỏi trong chính sách vàng vừa qua là NHNN đã “dụng” phép thử bền bỉ trường vốn khiến dân tình phải “chán” vàng vì giá vàng trong nước không còn biến động như giá thế giới.
Đấy, ngay tuần trước (giữa tháng 12/2013), khi giá thế giới xuống 20-30 USD/Oz cứ nhìn vào cửa hàng Bảo Tín Minh Châu (nhà vàng lớn ở Hà Nội), nếu cách đây vài năm giá lên xuống chộn rộn thế dân tình đã kéo nhau đi mua bán ầm ầm. Vậy mà bây giờ “tịnh” không có biến động”- Kim chắc chắn.
Nếu thị trường vàng không lập lại trật tự mọi thứ sẽ thế nào? Trong câu chuyện cuối năm, ông Nguyễn Văn Hưng, chánh thanh tra NHNN chi nhánh Hà Nội trầm ngâm: “Vàng vốn như một phương tiện thanh toán từ bao nhiêu đời nay. NHNN mặc dù đưa ra những tuyên ngôn khá kiên quyết nhưng rõ ràng thời gian qua đã ứng xử với vàng bằng cả một nghệ thuật, thậm chí có thể gọi là một bài toán cực kỳ thông minh”.
Theo ông Hưng, thời điểm cả dư luận đang cho rằng quản lý vàng đang vì lợi ích nhóm, là lúc NHNN đã chấp nhận đối đầu. “Hãy hình dung trước đây, lợi ích nhóm thuộc về những nhóm muốn làm giá thì bây giờ NHNN chính là người làm giá” - Ông Hưng lập luận.
Ai cầm trịch?
Thị trường vàng Việt Nam hơn chục năm qua ai cầm trịch? - Kim bảo: “Thị trường cung - cầu chính là người cầm trịch. Cách đây 1 năm từng có người đặt câu hỏi Trung Quốc có tham gia vào làm giá vàng ở Việt Nam không, thậm chí có cả vấn đề giới Sài Gòn Chợ Lớn có tham dự ? Không có đâu.
Hiện vàng lậu vào Việt Nam chỉ có 2 đường; phía Tây Nam qua biên giới Tây Ninh và phía Móng Cái Lạng Sơn. Ngày xưa dân buôn vàng qua nhiều cửa, mỗi tháng đẩy giá lên một tí để ăn chênh lệch, còn giá thì do “cầu” quyết định thôi” - Kim giảng giải.
Nắm được bao nhiêu phần trăm vàng đấu thầu đủ thao túng thị trường?- “ Hiện có hơn 29 doanh nghiệp được tham gia đấu thầu vàng. Muốn đủ lực “chơi” NHNN, trừ khi nào 51% hẵng tính, mà điều này là không thể. Còn điều này cứ thử hỏi các tay đấu giá xem, trước khi mở bát, đố ai biết vàng đấu thầu sẽ ra giá bao nhiêu.
Tất cả những cái này, chỉ mình NHNN nắm và luôn bí mật đến phút chót. “Đấy, có một doanh nghiệp từng định liên thủ “đè” giá xuống hôm trước phiên đấu, hôm sau NHNN chơi ngược lại “đè” giá lên khiến doanh nghiệp kia không kịp trở tay, lỗ nặng”- Kim cười lúc kể lại.
Vỹ thanh…
Theo Hiệp hội kinh doanh vàng VN, năm 2012, giá vàng quốc tế tăng khoảng 7% dao động khoảng 1.525 – 1.795 USD/Oz ,thế nhưng bước sang năm 2013, giá vàng liên tục sụt giảm và biến động rất phức tạp.
Tính đến đầu tháng 11/2013, giá vàng đã giảm khoảng 20%, cho đến thời điểm này có thể khẳng định năm 2013 đã chấm dứt 12 năm tăng giá liên tục của vàng. Giá vàng thế giới giảm mạnh đến từ nguyên nhân giới đầu tư kỳ vọng đồng USD lên giá, Quỹ tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR liên tục bán tháo vàng.
Tình hình Trung Đông không còn nóng như trước nên quan hệ giữa vàng và giá dầu không còn mật thiết. Hiện các chuyên gia dự báo giá vàng sẽ rơi xuống dưới 1.250 USD/Oz; tương đương mức giá xấp xỉ 30 triệu đồng/lượng.
Trở lại câu chuyện về vàng, không phải tất thảy đã “tâm phục khẩu phục”. Gặp lại một doanh nghiệp kinh doanh vàng từng bất bình trong quản lý thị trường vàng cách đây nửa năm, ông bảo chính sách quản lý vàng vẫn bất cập và chỉ một bộ phận doanh nghiệp lớn hưởng lợi.
Rồi ông dẫn dụ bức tranh ảm đạm của thị trường vàng mà báo cáo của Hiệp hội kinh doanh vàng vừa tổng kết. Theo đó, với việc Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và thu hẹp họat động kinh doanh vàng miếng, từ khoảng 12.000 điểm giao dịch, nay chỉ còn 2.500 điểm.
Kinh tế suy giảm kéo theo tổng cầu giảm nghiêm trọng khiến nhu cầu vàng trang sức trong nước luôn ở mức thấp. Xuất khẩu vàng không đáng kể vì giá vàng trong nước cao hơn quốc tế. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ có hàm lượng từ 80% đến 99,99% bị áp mức thuế suất xuất khẩu 10%.
Trước thực trạng đó, nhiều DN không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng đã đóng cửa hoặc chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác.
“Chính sách quản lý vàng đang làm mất đi việc làm của hàng ngàn lao động. Việc NHNN nói thu lãi từ vàng đúng là đóng góp cho ngân sách nhưng nếu không, các DN kinh doanh vàng vẫn đóng thuế”- ông tỏ vẻ bức xúc.
Đem câu chuyện lợi ích nhóm và sự thiệt thòi của một bộ phận kinh doanh vàng nói trên ra thắc mắc, vị lãnh đạo NHNN phụ trách lĩnh vực này phản biện: “Những năm trước hễ thị trường hắt hơi sổ mũi là vàng, đô la sốt sình sịch, dân tình rồng rắn xếp hàng, thậm chí ồ ạt rút tiết kiệm đi mua vàng.
Lãi vàng suốt thời gian qua thực chất chảy vào túi các đầu nậu, nhà vàng. Còn cả năm nay, thị trường có cơn sốt nào không? Bình ổn thị trường là mục tiêu chúng tôi đang hướng đến. Mọi người cứ nói lợi ích nhóm, thì đây, chúng tôi đang làm vì lợi ích của số đông, của quốc gia chứ còn lợi ích nào khác nữa”.
Tại báo cáo tổng kết ngành năm 2013, NHNN cho biết: Kết thúc năm, qua 74 phiên đấu thầu vàng (tại phiên thứ 73 chốt lại đã cung ứng ra thị trường 1.770.200 lượng vàng tương đương gần 66,4 tấn vàng).
NHNN đã thu lời trên 8.000 tỷ nộp vào ngân sách nhà nước. Cùng đó, ngăn chặn thị trường vàng tác động xấu đến thanh khoản hệ thống và tỷ giá.