Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ: Con đường đẹp và khổ

TP - Sau Hội thảo văn học quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam hồi đầu năm, Hội thảo Văn học Việt Nam-Hoa Kỳ sau chiến tranh ngày 2-6 tại Hòa Bình, thêm một lần tô đậm con đường văn học sau cuộc chiến.
Các nhà văn Mỹ - Việt cùng ký vào tấm áp phích đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” tối 1-6. Ảnh. T.Toan
Các nhà văn Mỹ - Việt cùng ký vào tấm áp phích đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng” tối 1-6. Ảnh. T.Toan.

Nhà văn Ai-len John Dean chỉ kịp nói lời chào hội nghị, ông phải theo xe về Hà Nội bay sang Đức dự một cuộc gặp mặt quan trọng. Thế là chỉ còn 6 nhà văn Mỹ: Kevin Bowen, Bruce Weigl, Martha Collins, George Kovach, Fred Marchants và Nguyễn Bá Chung ở lại cùng hơn 50 nhà văn Việt Nam.

Kevin Bowen, Giám đốc Trung tâm William Joiner nhắc lại hành trình đến Việt Nam không ít gian khó và định mệnh. Chuyến đi bắt đầu con đường nối liền văn học hai quốc gia trong quá khứ từng là hai bên chiến tuyến, chính vào năm 1986 khi bộ phim về chiến tranh Việt Nam - Trung đội của Oliver Stone làm mưa gió bảng xếp hạng phim ăn khách Mỹ.

“Chuyến đi đầu tiên đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Trong nhiều tháng, tôi cố gắng miêu tả điều đã xảy ra. Lần đầu tiên sau 2 thập kỷ, bàn chân tôi có cảm giác kết nối với mặt đất, toàn bộ cơ thể tôi thức dậy, không phải trong bầu không khí cao độ của chiến tranh, mà là sự công nhận và trân trọng đối với sự thống nhất và toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc”.

Bước chân đầu tiên của Kevin Bowen mở ra những chuyến đi đáng nhớ của phía các cây viết Việt Nam. Nhà văn Lê Lựu dù đi phải có người dìu, nói không được dài nhưng nhắc đi nhắc lại câu chuyện của ông- một đại sứ văn học Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Thời xa vắng là cuốn đầu tiên được William Joiner chuyển ngữ.

Nguyễn Quang Sáng đêm trước được BTC mời lên đọc thơ mà chẳng thấy bóng dáng. Ông chia sẻ: “Hội thảo là một con đường đẹp. Thực tế, người Việt Nam đọc rất nhiều văn học các nước, nhưng nước ngoài không biết nhiều về văn học Việt. Những cuộc hội thảo như thế này có thể đưa văn học Việt Nam sang Mỹ, từ đó lan tỏa trên thế giới.William Joiner có thể được coi là một trong số cánh cửa quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài”.

Fred Marchants nói một câu trúng ý Nguyễn Quang Sáng: “Tôi, Nguyễn Bá Chung, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều muốn có cơ hội tìm hiểu nhau. Những cuộc thảo luận khiến chúng tôi trở nên tốt hơn”. Ông ngồi ăn cùng bàn với Ngô Tự Lập, Martha, Lâm Thị Mỹ Dạ, Bruce, bàn luận sôi nổi, từ chuyện món ăn Việt Nam trở đi. Martha quay sang hỏi Lâm Thị Mỹ Dạ, xem thanh cơm lam có phải cốm non trong tập thơ bà dịch sang tiếng Anh hay không. Nhà thơ Khoảng trời và hố bom trong trang phục áo dài, nồng nhiệt tiếp thức ăn cho các bạn Mỹ.

Niềm vui này có lẽ thấm thía hơn, khi Nguyễn Bá Chung nhắc lại lời của nhà văn Tim O’Brien “Các bạn không thể hiểu nổi hạnh phúc của tôi, khi hôm nay được ngồi cạnh những người bạn Việt Nam. Bởi sau chiến tranh Việt Nam, tôi luôn trong tình trạng mất ngủ, nhiều lần tôi muốn tự tử. Nhưng chính nhờ các bạn, tôi có nhiều điều mới để vượt qua những ký ức khổ của cuộc chiến”.

Bruce Weigl, cũng từng tham chiến ở chiến trường miền Nam cho rằng: “Điều làm cho tôi tồn tại là những chuyến đi đến Việt Nam”. Luôn tủm tỉm, giọng nói hóm hỉnh, ông trở nên tình cảm hơn khi kể lại hành trình nhận cô bé con nuôi người Việt Nam - Nguyễn Thị Hạnh.

Ông cho rằng điều này giúp ông thanh thản phần nào, vì làm được một điều gì đó cho Việt Nam. Bruce ngồi chéo với Lê Lựu, chốc chốc lại quay lại hướng ánh mắt về phía Lê Lựu, đưa tay lên tim thì thầm: “Bạn tốt của tôi”.

Hội thảo chính “Con đường tới cái đẹp” kết thúc sớm hơn dự định gần hai tiếng, theo lời BTC để các cử tọa có dịp thưởng thức không khí trong lành của núi rừng Hòa Bình.

“Sắp tới, chúng tôi sẽ dịch và đưa các bài viết, phỏng vấn các nhà văn Việt Nam lên trang web chính thức của trung tâm. Chúng tôi nghĩ đến sự mở rộng công việc những nhà văn trẻ. Một trong hướng mở rộng công tác quảng bá văn học Việt Nam trên đất Mỹ, là giảng dạy về văn học Việt Nam trong trường đại học Massachusetts”, Kevin Bowen nói về một số bước tiến từ sau Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam.

William Joiner là trung tâm nghiên cứu hậu quả chiến tranh ở Việt Nam, thuộc đại học Massachusetts, lấy tên người lính Mỹ gốc Phi Bill Joiner-từng có mặt trong chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Trung tâm là nơi dịch, quảng bá nhiều tác phẩm văn học Việt Nam trên đất Mỹ.

* Hội thảo văn học Việt Nam-Hoa Kỳ do Đại học Văn hóa phối hợp TT William Joiner tổ chức từ 28-5 đến 3-6, kinh phí do một số doanh nhân tài trợ. Trong chuỗi hoạt động này, từ chiều 1-6, đoàn đại biểu lên xe tới khu nghỉ dưỡng ở Kim Bôi, Hòa Bình, ngay đêm đó tổ chức đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt Cộng”. Dự kiến tổ chức ở ngoài trời nhưng ánh sáng và tiết trời oi bức khiến cả đoàn phải rời vào phòng hội thảo nghe thơ. Tên đêm thơ lấy cảm hứng từ bài thơ của Kevin Bowen, viết tặng Nguyễn Quang Sáng trong thời gian nhà văn tới Mỹ, ở tại nhà Kevin.