Xoá bỏ “văn hóa” vỉa hè
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá xây dựng Thủ đô Văn hiến -Văn minh - Hiện đại do thành phố Hà Nội tổ chức ngày 21/3, các chuyên gia đề cập những phương án quy hoạch phát triển Thủ đô. Văn hoá vỉa hè vốn là đặc trưng của đô thị Hà Nội cũng được khơi gợi.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam KTS. Trần Ngọc Chính thắc mắc trong rất nhiều tham luận gửi tới hội thảo, ông ít thấy đề cập đến vấn đề về vỉa hè.
“Hà Nội là một trong những đô thị có vỉa hè nhếch nhác, lộn xộn nhất. Du khách đến Hà Nội dù rất yêu mến Hà Nội nhưng thấy cảnh phố xá, đặc biệt là vỉa hè rất lộn xộn”, KTS Trần Ngọc Chính nêu.
Ông cũng cho rằng Hà Nội đã ban hành những chiến dịch lấy lại vỉa hè nhưng cần phải làm một cách quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, những biển quảng cáo trên vỉa hè cũng làm xấu đi hình ảnh Hà Nội.
“Vấn đề vỉa hè, đường phố Hà Nội không chỉ để trả lại không gian an toàn, sạch sẽ cho người đi bộ mà vỉa hè Hà Nội phải là vỉa hè văn minh, văn hóa”, KTS. Trần Ngọc Chính nói.
Trong tham luận gửi hội thảo, TS. Đặng Hoài Giang (ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định không gian công cộng là bộ phận không thể thiếu trong đời sống đô thị hiện đại. Không những thế, nó còn góp phần định hình nên “bản sắc” đô thị, tạo nên sức hút và sức cạnh tranh cho đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Không gian công cộng tồn tại dưới 3 loại hình chủ yếu, gồm: không gian chính thống (quảng trường, công viên, phố đi bộ, vườn hoa...), không gian phi chính thống (vỉa hè, siêu thị...) và không gian cộng đồng (làng trong phố, khu tập thể cũ, khu đô thị mới...).
Vấn nạn nhức nhối của quy hoạch đô thị hiện nay là vỉa hè trong toàn thành phố thường bị các chủ cửa hàng chiếm dụng cho mục đích cá nhân (nấu ăn và ăn uống). Trong khi đó, trẻ em sử dụng đường phố làm sân chơi công cộng, thậm chí đến mức cạnh tranh với giao thông đông đúc trong các làn đường hẹp.
“Trong vài năm gần đây, chúng ta chứng kiến chiến dịch dọn dẹp vỉa hè nhằm loại bỏ sự lộn xộn của vỉa hè Hà Nội, từ những hộp hoa và quán ăn vỉa hè đến bậc thềm và các phương tiện đỗ trái phép. Nhưng ngay cả những vỉa hè được quy định chặt chẽ nhất của Hà Nội cũng không thể thay thế các công viên công cộng an toàn và dễ tiếp cận, nơi người dân có thể tránh xa giao thông và ô nhiễm không khí…”, TS. Đặng Hoài Giang khẳng định.
Quy hoạch sông Hồng - kết nối giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại
Năm 2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với quan điểm quy hoạch không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là trục không gian đặc trưng hành lang xanh.
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý xây dựng theo quy hoạch của Hà Nội.
Quy hoạch này cho phép hình thành trục không gian trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, đảm bảo không gian thoát lũ, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại.
Để hiện thực hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, quá trình triển khai lập các đồ án quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư cần được xem xét kỹ, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực thực sự triển khai các dự án.
Trong đó ưu tiên các dự án lĩnh vực văn hóa, du lịch, các không gian sáng tạo đem lại sự sôi động, náo nhiệt, hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, năng động; xứng tầm thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.
Việc cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh một lần nữa lại được nhắc lại. "Theo quyết định của Thủ tướng, đây là công viên quan trọng bậc nhất của Thủ đô trong tương lai", PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nêu.