Vấn đề là khả năng làm việc

Trước quyết định không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại cơ quan nhà nước của TP Đà Nẵng, đại diện nhiều trường ĐH, nơi đang đào tạo sinh viên tại chức, đã lên tiếng.

Sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức với cơ quan nhà nước:

Vấn đề là khả năng làm việc

> Không nhận SV tốt nghiệp tại chức vào cơ quan nhà nước

Trước quyết định không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại cơ quan nhà nước của TP Đà Nẵng, đại diện nhiều trường ĐH, nơi đang đào tạo sinh viên tại chức, đã lên tiếng.

Thí sinh trúng tuyển hệ tại chức Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM làm thủ tục nhập học tại trường. Hiện trường này có hơn 10.000 sinh viên hệ tại chức.                  Ảnh: M.Đức (Tuổi Trẻ).

Hầu hết đều cho rằng, hệ nào cũng có người hay, kẻ dở, không nên căn cứ trên hình thức đào tạo và bằng cấp để đưa ra quyết định tuyển dụng hay không. Thay vào đó, hãy tạo điều kiện cho những người được đào tạo ở những hình thức đào tạo khác nhau được chứng minh năng lực một cách công bằng qua các kỳ thi tuyển công khai hoặc thử việc thực tế.

Sàng lọc rất gắt gao

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Ba năm trở lại đây, kỳ thi tuyển sinh đại học tại chức cũng sử dụng đề chung hai môn trắc nghiệm do Bộ GD-ĐT ra, đề toán do các trường tự ra. Điểm sàn ba môn cũng đã 12 điểm, không thấp hơn là mấy so với điểm sàn hệ chính quy. Đầu vào, chất lượng hệ tại chức bây giờ không như hồi xưa.

Mấy năm nay trường đều sử dụng chương trình đào tạo chính quy để đào tạo hệ tại chức và thực tế đã sàng lọc rất gắt gao, chỉ 30-40% người học mỗi khóa tốt nghiệp. Chất lượng sinh viên ra trường không còn quá cách biệt so với sinh viên chính quy. Thực tế nhiều khi giảng viên cũng châm chước cho sinh viên tại chức nhưng chúng tôi yêu cầu phải quan tâm gắt gao hơn.

Hệ tại chức tạo điều kiện cho những người không có hoặc không đủ điều kiện học chính quy được học tập. Việc phân biệt chính quy - tại chức xuất phát từ thực tế trước đây nhưng cách tiếp cận từ chối thẳng thừng người học tại chức như thế là không phù hợp. Vấn đề là họ có đáp ứng được yêu cầu hay không chứ không phải họ học hệ gì.

Phải qua thực tế

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM: Mỗi hệ đào tạo có những đặc thù riêng. Điều kiện đi học của người học cũng khác nhau, đầu vào khác nhau. Mục đích đào tạo của hệ tại chức cũng có nhiều như đào tạo nhân lực cho địa phương hay nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho người học nâng cao kiến thức chuyên môn... Bậc chính quy tôi rèn cật lực trong suốt bốn năm trong khi hệ tại chức không thể làm được như thế.

Trong quá trình dạy, giảng viên có thể cảm nhận được sức học của hệ tại chức và cho đề thi ở mức độ dễ hơn. Tuy nhiên, trường vẫn kiểm soát chất lượng. Phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu mới được tốt nghiệp. Trong các lớp tại chức cũng có những học viên học rất tốt.

Còn vấn đề người học đáp ứng được yêu cầu như thế nào của người tuyển dụng phải qua thực tế. Chúng ta tuyển người vào làm việc và cần xem họ có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn công việc hay không chứ không phải vấn đề bằng cấp. Nếu ở vị trí đó, công việc đó họ đáp ứng được thì tại sao lại không tuyển?

Hãy để họ thi tuyển

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương - Phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Lâu nay xã hội vẫn quan niệm hệ tại chức thấp hơn hệ chính quy một bậc. Và trong thực tế giảng dạy, giảng viên cũng có phần “nương” hơn so với hệ chính quy. Một số trường đào tạo hệ tại chức có vấn đề nên xã hội đã “vơ đũa cả nắm” và đánh đồng tất.

Nhưng thực tế chưa hẳn sinh viên hệ chính quy của ĐH này đã tốt hơn hệ tại chức của ĐH kia. Trong hệ tại chức cũng có những người học rất tốt, chưa chắc sinh viên chính quy giỏi hơn họ.

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc phân biệt không tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức là sai tinh thần chung của giáo dục ĐH. Nếu chúng ta không tin trình độ của người học tại chức, hãy để họ thi tuyển, phỏng vấn như những người khác để có đánh giá khách quan và công bằng.

Hệ nào cũng có tính tương đối

Tiến sĩ  Đỗ Văn Xê - phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ: Về nguyên tắc, bằng cấp có giá trị như nhau, tuyển hay không tuyển là do người tuyển dụng quyết định. Thực tế chất lượng đào tạo hệ tại chức không thể bằng hệ chính quy vì nhiều yếu tố như: đầu vào khác nhau, điều kiện học tập, đối tượng học tập...

Hiện nay mỗi năm trường tuyển khoảng 3.500 chỉ tiêu hệ tại chức, trong số này phần lớn là thí sinh không vào được ĐH chính quy và chuyển sang học tại chức. Số người đang đi làm đi học không nhiều. Hệ đào tạo nào cũng có tính tương đối, có người giỏi người dở.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

“Không thua chính quy”

Tiến sĩ Lê Tấn Duy - phó giám đốc ĐH Đà Nẵng: Việc đào tạo tại chức tại ĐH Đà Nẵng được sàng lọc rất cao, thậm chí là khắt khe. Vì vậy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp tại đây chỉ đạt 30-50%. Tuy nhiên, nhiều trường đào tạo tại chức có thể đã quá dễ dãi khiến xã hội có cái nhìn không tốt về chất lượng đào tạo chung của hệ này.

Về bản chất, đào tạo tại chức không thua kém gì chính quy. Vấn đề quyết định là sinh viên ra trường làm được việc, chất lượng là đó chứ không phải bằng cấp. Tại ĐH Đà Nẵng sinh viên học tại chức vẫn được thi cao học như chính quy, miễn là đủ điều kiện.

Quyết định của UBND TP Đà Nẵng vừa qua không ảnh hưởng nhiều đến sinh viên của chúng tôi bởi mỗi năm thực tế các cơ quan nhà nước cũng tuyển 1-2 người mà thôi. Còn sinh viên ra trường chủ yếu làm cho tư nhân, mở công ty... Và thực tế đã chứng minh họ làm việc rất tốt.

Theo Đ.Cường
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp