Phạm Duy Thành (VTC News) là đồng nghiệp đầu tiên nói với tôi, là hoàn toàn có thể tác nghiệp tại World Cup 2018 ở Nga chỉ với khoản tiền giới hạn trong túi, nếu biết cách chi tiêu. Kế hoạch đi Nga của tôi dù vậy chỉ trở nên rõ ràng sau khi có lời động viên của Trương Anh Ngọc. Thời điểm đó chỉ cách trận khai mạc World Cup 2018 độ hơn 1 tuần, khá ngắn để chuẩn bị cho một sự kiện lớn.
Có nhiều vấn đề khiến phải băn khoăn khi nghĩ tới việc sang Nga mùa World Cup, ngoài vấn đề tài chính: Hiệu quả công việc, ngôn ngữ và quan trọng nhất là vấn đề an ninh. Trước thềm World Cup 2018, truyền thông phương Tây đã thổi phồng mối nguy về an ninh ở Nga, trong đó không thể bỏ qua nguy cơ khủng bố. Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) không ít bận đe dọa tấn công Nga, chưa kể nạn “đầu trọc” được truyền tai khá nhiều trong cộng đồng người Việt.
Tuy nhiên, mọi lo lắng tan biến chỉ sau ít ngày đặt chân tới thủ đô Moscow, rồi qua nhiều thành phố khác của Nga. CĐV Anh là những người có mối hiềm khích lớn nhất với Nga trước thềm World Cup. Nhưng những người may mắn tới được Nga, khi trở về hầu hết đều phải khen ngợi công tác tổ chức của nước chủ nhà. Người Nga đã nỗ lực tối đa để xóa đi những định kiến của phương Tây.
Ăn “bụi”, ngủ “dorm”, chơi vạn dặm
Với “tài khoản” eo hẹp, bạn cần một kế hoạch chi tiết để có thể tối đa hóa những gì thu lại. Như lời khuyên của Trương Anh Ngọc, kế hoạch “càng chi tiết càng tốt”, từ đặt phòng khách sạn tới hành trình di chuyển, vé tàu (máy bay)…Kết hợp với lịch thi đấu World Cup 2018, hành trình cuối cùng tôi lựa chọn trong 20 ngày là: Moscow-Kazan-Saint Petersburg-Kaliningrad, sau đó trở lại Moscow. Ngoại trừ đoạn từ Saint Petersburg đi Kaliningrad rồi trở về Moscow bằng máy bay, các chặng còn lại tôi đều di chuyển bằng tàu hỏa. Vừa để trải nghiệm, vừa tiết kiệm chi phí.
Do lệnh cấm vận của Mỹ, đồng rúp Nga rớt giá khá mạnh. Một người bạn Việt Nam ở chợ Chim (Moscow) nói với tôi, so với thời điểm trước cấm vận, giá đồng rúp giảm một nửa so với USD. Chi tiêu tại Nga vì vậy không đắt đỏ nếu so với chi phí sinh hoạt ở Hà Nội. Chỉ có 2 loại dịch vụ tăng giá cao mùa World Cup, là tiền lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ) và di chuyển (tàu hoả, máy bay). Đặc biệt ở các thành phố đăng cai World Cup, giá khách sạn có thể tăng lên theo ngày. Chuyện này không lạ bởi theo thống kê của ngành Du lịch Nga, đã có hàng triệu du khách tới nước này dịp World Cup.
Tại Kaliningrad, giá “dorm” nơi tôi ở chỉ 1 ngày sau trận Anh-Bỉ đã giảm từ gần 600.000 đồng/ngày xuống hơn 200.000 đồng. Để “chống chọi”, hầu hết CĐV trên thế giới chọn cách ở “dorm” thay vì khách sạn. “Dorm” (viết tắt của Dormitory), là hình thức “ở chung”, mỗi phòng có thể dao động từ 4-16 giường.
Ở như vậy có thuận lợi là rẻ (trung bình khoảng hơn 500.000 đồng/ngày), được tiếp xúc với CĐV nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, bất tiện (đặc biệt với CĐV nữ) là phải ở chung nhiều người lạ. Tôi được khuyên nên giữ cẩn thận tiền bạc và giấy tờ quan trọng trong người. Thực tế là tại Moscow khi phải ở “dorm” tới 16 giường, tôi đã phải mang cả ba-lô…vào phòng tắm. Cẩn thận không thừa!
Giá vé tàu hỏa, máy bay tại Nga mùa World Cup đều tăng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đặt vé máy bay giá rẻ với giá cả phải chăng nếu làm sớm. Thêm một tài khoản đăng ký trên trang chính thức của đường sắt Nga, khách sẽ dễ dàng đặt vé tàu chỉ bằng vài thao tác trên mạng.
Di chuyển ở các thành phố ở Nga rất tiện lợi bởi hệ thống xe buýt, tàu điện ngầm hiện đại. Hệ thống metro ở thủ đô Moscow và Saint Petersburg đẹp “nức nở”, như một người bạn ở Berlin (Đức) khi đến đây khen ngợi. Chủ nhà Nga miễn phí di chuyển công cộng cho tất cả CĐV trên thế giới trong ngày diễn ra trận đấu. Nhờ vậy có thể tiết kiệm được một khoản khá, thay vì phải sử dụng taxi. Vài hoàn cảnh họa hoằn phải đụng tới taxi, tôi đều sử dụng phần mềm Yandex, có tính năng tương tự như grab hoặc uber để tránh bị “chặt chém”.
Bù lại việc ăn ngủ bất thuận, từ Moscow tới Kazan hay Saint Petersburg, Kaliningrad, nước Nga mênh mông với những cảnh đẹp nao lòng, có thể quyến rũ bất kỳ du khách khó tính nào. Để khám phá hết quần thể điện Kremlin ở Moscow, du khách có thể mất hẳn 1 ngày trời. Ngoài những điểm nổi tiếng như Quảng trường Đỏ, nhà thờ Saint Basil, nhà thờ Chúa Cứu thế, lăng Lê-nin (Moscow) hay Cung điện Mùa hè, cung điện Mùa đông (Saint Petersburg)…các thành phố trên nước Nga đều có nhiều cảnh đẹp khác níu chân du khách. Trên hành trình từ Moscow tới Kazan, tàu của tôi đã qua những cánh đồng dài tới bất tận, những trảng hoa dại kéo dài hàng chục ki-lô-mét…cho tới khi con sông Volga mở ra phía trước, mênh mông kỹ vĩ. Trái với khung cảnh tấp nập ở Moscow, Kazan tạo nên cảm giác yên bình với những quán cà phê nhỏ, được trang trí bên ngoài bởi những lẵng hoa duyên dáng, xinh xắn. Thảng hoặc có thể bắt gặp những cô gái Nga, da trắng, mắt nâu với nụ cười nao lòng.
Mỗi ngày đàng, một sàng khôn
World Cup đã khiến người Nga trở nên thân thiện hơn, nếu không phải từ trước đến giờ vẫn thế. Ở Saint Petersburg, tôi đã được một cô gái ở cửa hàng bán quần áo đặt hộ “dorm” trong ngày đầu tiên “chân ướt, chân ráo” tới nơi. Tôi cũng có trải nghiệm đáng nhớ khác ở nhà ga Kazan, khi để lạc va-li hành lý do mải mê chụp ảnh bởi cảnh ở đây quá đẹp. Hoảng hốt báo tình nguyện viên và cảnh sát, tôi gần như chắc chắn sẽ phải chia tay số đồ đạc ít ỏi của mình. Nhưng chỉ độ 15 phút sau đó, chiếc va-li của tôi được tìm thấy. Tuy nhiên, “đi kèm” là 5 cảnh sát cao to, lực lưỡng. Tôi được yêu cầu tự tay mở va-li để kiểm tra. An ninh mùa World Cup là ưu tiên cao nhất ở Nga.
Nửa đêm từ Saint Petersburg bay tới Kaliningrad, thành phố nằm lọt trong khu vực Tây Âu, tôi chỉ vào tới trung tâm khi đã gần 3h sáng. Kết quả là sau hơn một giờ đồng hồ tìm khách sạn, tôi…được ngủ trên ghế sofa tầng áp mái một căn nhà trọ. Đầu gối lên ba-lô, chân gác va-li! Một lời khuyên với những du khách lỡ độ đường ở nơi xa khi chưa kịp đặt phòng khách sạn, ở lại sân bay lúc nửa đêm có thể là một lựa chọn an toàn. Tôi đã may mắn khi không rơi vào hoàn cảnh thiếu an toàn nào, hoặc do an ninh ở Nga dịp World Cup được đảm bảo, và những người tôi gặp đều tốt bụng, nhiệt tình giúp đỡ.
World Cup cũng giúp tôi có thêm nhiều bạn mới. Ở Saint Petersburg, tôi ở chung “dorm” với 2 CĐV Brazil và lập tức tạo thành “cạ” đi chơi với nhau. Pablo Regis, cảnh sát Liên bang Brazil, cũng là người nói với tôi về quy tắc “đứng bên phải” thang cuốn khi đi tàu điện ngầm. “Bên phải cho hành khách đứng, bên trái cho người đang vội đi”.
Hành trình hàng nghìn ki-lô-mét trên nước Nga không chỉ đưa tôi khám phá những cảnh đẹp, công trình lịch sử của đất nước lớn nhất thế giới, mà còn làm dày thêm những trải nghiệm, nhìn ra giới hạn của mình để thay đổi.
Ở Kazan, tôi ở chung phòng với một sinh viên Việt Nam đang học tại Singapore. Lê Nam chỉ cho tôi cách dùng Yandex gọi taxi. Tôi cũng phải nể cậu thanh niên trẻ hơn mình nhiều tuổi về khả năng bắt chuyện với người lạ, cởi mở trong giao tiếp cũng như sự “lọ mọ” khắp chốn, những kiến thức hữu dụng với nghề báo.