"Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng đầu năm vừa qua"
Tại hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp" ngày 25/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp.
Ngân hàng Nhà nước và cả ngành ngân hàng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát ở mức thấp, giảm mặt bằng lãi suất và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này thanh khoản hệ thống dồi dào. Ngoài cung tiền, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo giá vốn rẻ như hạ lãi suất điều hành, lãi suất huy động. Tuy nhiên với nhiều gói được triển khai nhưng tín dụng vẫn tăng chậm.
Theo Phó Thống đốc, cùng với giảm lãi suất, ngành ngân hàng vẫn phải đảm bảo hài hòa với tỷ giá. Nếu hạ lãi suất quá đà sẽ dẫn tới ảnh hưởng tỷ giá, ảnh hưởng niềm tin, ảnh hưởng nợ quốc gia,…
"Chưa bao giờ điều hành khó như 6 tháng đầu năm vừa qua. Vẫn cơ chế điều hành tiền tệ đó, vẫn con người, bộ máy làm tín dụng như thế, việc huy động vốn vẫn đặt ra thường xuyên,… các điều kiện về phía chủ quan ngành ngân hàng cơ bản không có thay đổi gây khó khăn cho việc tiếp cận tín dụng. Nhưng vì sao tín dụng vẫn tăng chậm?", ông Tú đặt câu hỏi.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, giữa doanh nghiệp với ngân hàng phải có sự phối hợp chặt chẽ. Ngân hàng thương mại cần mạnh dạn quyết định cho vay với hình thức tín chấp, thế chấp, quản lý dòng tiền.
Cùng với việc đọc câu hỏi của một doanh nghiệp muốn vay vốn từ gói 150.000 tỷ đồng dành cho lâm sản, thủy sản vừa được các ngân hàng công bố, ông Tú trực tiếp gửi lời mời lãnh đạo doanh nghiệp ngay trong buổi chiều gặp trực tiếp Vụ trưởng Vụ tín dụng để làm việc cụ thể về các vấn đề liên quan.
Doanh nghiệp khó vay vì thiếu tài sản thế chấp
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - cho hay, theo thống kê, có tới 25% hội viên của Hiệp hội đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị giảm lãi suất vay đối với đồng USD để tăng tính cạnh tranh khi thị trường có dấu hiệu phục hồi vào quý III.
Ông Thân cho rằng, hỗ trợ của ngành ngân hàng đã làm tốt rồi nhưng hiện vẫn có thực trạng là số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn vẫn còn tương đối nhiều. Ngoài những các tác động khách quan từ thị trường, các chính sách của Nhà nước hiện vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ, bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính. Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai.
Ông Vũ Công Huân - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn HDC - chia sẻ, 6 tháng đầu năm đối với doanh nghiệp thủy sản thực sự khó khăn khi nhu cầu giảm 25- 27% đơn hàng. Dù giá nguyên vật liệu giảm 30- 35% nhưng khó khăn nhất với doanh nghiệp là không có nguồn vốn để duy trì hoạt động bán hàng.
Theo ông Huân, có 3 nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khi vay vốn. Điển hình như hạn mức tín dụng của doanh nghiệp được cấp 80 tỷ đồng nhưng khi giải ngân thực tế, tín dụng cho doanh nghiệp chỉ được nhận 8-10 tỷ đồng. "Nguyên nhân bởi ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo. Không có tài sản đảm bảo, dù báo cáo tài chính tốt, dòng tiền tốt, doanh nghiệp cũng không được vay thêm", ông Huân nói.
Ông Huân mong ngân hàng xây dựng gói tín dụng chấp nhận rủi ro cho doanh nghiệp để áp dụng đối với những khách hàng có dòng tiền tốt.