Uy tín Tổng thống Pháp tăng nhờ... bê bối tình ái

TP - Cuộc thăm dò mới đây nhất do tờ tạp chí Nouvel Observateur thực hiện cho thấy, uy tín của tổng thống Pháp Francois Hollande bắt đầu tăng. Theo kết quả của cuộc thăm dò này, chỉ số tín nhiệm của ông trong dân chúng Pháp đã tăng thêm 2%, cụ thể đã tăng từ 24% lên 26%.
Ông Hollande, đệ nhất phu nhân Trierweiler và người tình mới, nữ diễn viên Gayet (ảnh nhỏ)

Những thông tin về vụ ngoại tình vụng trộm dường như xảy ra giữa Tổng thống Pháp Francois Hollande 59 tuổi và nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Julie Gayet 41 tuổi đã làm bùng lên một vụ bê bối không những ở Pháp mà còn lan sang khắp châu Âu.

Đời tư và chính trị: Không liên quan

Nhưng điều ngạc nhiên là vụ bê bối tình ái động trời đó không làm giảm mà ngược lại, đã làm tăng uy tín của ông Hollande. Cuộc thăm dò dư luận được thực hiện ngay sau vụ bê bối bùng nổ cho thấy uy tín của ông Hollande vẫn ổn định, người dân Pháp không vì thế mà thay đổi thái độ theo chiều hướng xấu đi đối với ông.

Cụ thể, chỉ có 23% những người được hỏi ý kiến cho rằng đời tư của ông Hollande có liên quan đến cả nước Pháp. Trong khi ấy, có tới 77% những người được hỏi ý kiến tin rằng đó là chuyện riêng tư của ông và không có quan hệ đến bất kỳ ai ngoài cá nhân ông. Hơn thế nữa, có tới 88% tuyên bố vụ bê bối không ảnh hưởng gì đến thái độ của họ đối với Tổng thống.

Theo nhận định của các nhà phân tích, có nhiều nguyên nhân khiến vụ bê bối không làm xấu đi hình ảnh của ông Hollande trong con mắt người Pháp. Trước hết, đó là vì người Pháp vốn có truyền thống coi trọng cuộc sống riêng tư của từng cá nhân miễn là cuộc sống riêng tư không để ảnh hưởng xấu đến công việc chung của đất nước.

Nói cách khác, cuộc sống riêng tư được người Pháp coi là bất khả xâm phạm. Rất có thể vì thế mà nhiều người đồng cảm với ông Hollande khi đời tư của ông bị phơi bầy trên mặt báo.

Quá cả tin và khinh suất

Thứ hai và điều này mới thật sự quan trọng, ngày càng nhiều người Pháp tin rằng ông Hollande là nạn nhân của một vụ khiêu khích chính trị do các đối thủ của ông tổ chức.

Thật vậy, theo một số nguồn tin, việc công bố những tài liệu về cuộc tình vụng trộm của Tổng thống đã được chuẩn bị trong vài tuần lễ và những lực lượng giàu kinh nghiệm nhất đã được huy động. Họ đã tìm được địa điểm ông thường gặp gỡ nữ diễn viên Julie Gayet và tổ chức mai phục.

Cuộc sống riêng tư được người Pháp coi là bất khả xâm phạm. Rất có thể vì thế mà nhiều người đồng cảm với ông Hollande khi đời tư của ông bị phơi bầy trên mặt báo.

Phóng viên nhiếp ảnh Sebastien Valiela - một trong những phóng viên đã chụp những bức ảnh làm bùng lên vụ bê bối – cho biết chụp những bức ảnh đó là việc khá đơn giản. Thậm chí, không một vệ sĩ nào của ông Hollande nhận thấy ông bị theo dõi.

Sebastien Valiela nói: “Ông ấy không hề được một ai bảo vệ. Nếu tôi muốn ám sát ông thì điều đó thật dễ dàng. Ông tối nào cũng đến và chúng tôi đã đợi sẵn ông ở đấy. Không thấy lực lượng bảo vệ đâu, ngay cả ở vòng ngoài”.

Bộ phận an ninh của Điện Elyseé cam đoan là lúc nào cũng để mắt đến Tổng thống. Nhưng sau khi vụ bê bối nổ ra, chính bộ phận này lại bắt đầu thanh lọc đội ngũ của mình. Không phải vô cớ mà các bạn chiến đấu của ông Hollande trách ông đã quá khinh xuất trong việc bảo đảm an ninh cho cá nhân.

Báo chí Pháp còn cho biết, ông Hollande quá cả tin, vẫn giữ lại rất nhiều người của Cựu Tổng thống Sarkozy trong bộ phận an ninh của Điện Elyseé. Chắc hẳn vì thế mà nhất cử nhất động của ông đều không còn là chuyện bí mật.

Theo Theo Gazeta.ru