Lô hội : Từ nghe đến thử
Biết tin cháu bị ung thư đại tràng, chị Nguyễn Thị Hạnh ở tận Úc gọi điện ngay về cho người nhà nói tìm mua nước lô hội của một công ty tên H. rất tốt, chữa được cả ung thư. Lại được nghe người nọ người kia “quảng cáo”, rỉ tai trước đó về loại nước lô hội của công ty H. này trước đó, thế là người nhà chị Hạnh không cần nghĩ nhiều, mua ngay về dùng và tin rằng kiên trì uống nước lô hội này sẽ khỏi được ung thư.
Mới ở tuổi 42, chị Nguyễn Thị Hòa (Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, Tp.HCM) đã phải đối mặt với căn bệnh ung thư ruột. Còn nhớ rõ, hôm nghe bác sĩ thông báo về bệnh tình, chị Hòa suy sụp hoàn toàn, cảm giác như bị rơi xuống vực thẳm. Nhưng thời gian qua đi, được sự động viên của người thân, chị biết mình phải sống, không chỉ riêng cho bản thân mình mà còn cho chồng và các con. Có bệnh, ngoài việc đến bệnh viện khám, chị còn đi vái tứ phương.
Chưa dừng lại, việc nghe ngóng xem các bài thuốc dân gian nào có tác dụng chữa bệnh ung thư, chị Hòa đều tìm hiểu. Khi được nghe đến việc cây lô hội có tác dụng chữa khỏi bệnh chị đang mang trong mình, chị Hòa vui mừng và tràn đầy hy vọng. Chị cũng đi xin lá lô hội về và chuẩn bị đúng theo phương thuốc đã được mách bảo. Chị nhủ thầm “còn nước, còn tát”. Những người ở hoàn cảnh của chị không có nhiều lựa chọn nên dù không thật tin, chị vẫn phải muốn thử xem sao.
Chị Phí Thu Ngân, 47 tuổi (Tân Mai, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) mang căn bệnh ung thư đại tràng đã 2 năm nay. Những lần đến viện khám, những đợt trị xạ kéo dài khiến mái tóc vốn đen mượt của chị rụng gần hết. Chị cũng từng tuyệt vọng đến bao nhiêu nhưng rồi niềm yêu cuộc sống đã tiếp thêm cho chị sức mạnh để đương đầu với bệnh tật. Có một ngày, đang lững thững đi từ khuôn viên Bệnh viện K ra về, chị gặp người đàn ông hơn chị chừng chục tuổi.
Sau khi hỏi han và biết về bệnh tình của chị Ngân, người đàn ông tiết lộ cho chị một bài thuốc quý từ cây lô hội mà trước đó chị Ngân chưa từng biết đến. Ông này chắc nịch: “Bài thuốc này chữa được bệnh ung thư đấy. Không ít người áp dụng và đã cho hiệu quả khả quan!”. Bài thuốc được ông đọc vanh vách: Lô hội 20g, chu sa 15g, dùng rượu làm viên, ngày uống 4g với rượu.
Chị Ngân rối rít cảm ơn ông và về thực hành đúng như bài vừa được nghe. Tuy nhiên, uống được hơn một tháng, chị đến bệnh viện thì được biết, bệnh tình của mình tiến triển ngày càng nặng hơn. Mọi niềm hy vọng của chị lại sụp đổ hoàn toàn. Các bác sĩ khuyên chị hãy đến bệnh viện điều trị đúng theo lộ trình, tuyệt đối không nghe theo lời mách bên ngoài. Chị Ngân nghe nói vậy mắt lại nhạt nhòa.
Lô hội tốt tới đâu?
ThS, BS. Nguyễn Ngọc Trung, khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: Cây lô hội (Aloe Vera) hay còn gọi là nha đam, gia đam, lưu hội, long thủ, lưỡi hổ…. Cây có chứa chất Aloe là loại nước nhờn, khi cô đặc lại sẽ có màu đen vì vậy mà được gọi là lô hội (Lô nghĩa là đen, còn hội nghĩa là tụ lại).
Lô hội cung cấp hai dược liệu khác nhau là chất nhựa và chất keo đặc. Ngay dưới lớp da mỏng của lá cây lô hội có những tế bào đặc biệt chứa nước cốt. Khi chảy ra ngoài, nước cốt này tự cô đặc lại ở nhiệt độ bình thường thành chất nhựa mầu vàng rất đắng. Hoạt chất chứa trong chất nhựa này là hydroanthrone.
Còn chất keo đặc trong cây lô hội có được bằng cách nghiền các tế bào nhầy nằm phía trong lá tươi. Ngoài ra, trong cây còn có nhiều chất khác như vitamin B1, B2, B6 và muối khoáng kẽm, vôi…
Với những thành phần trên, lô hội được ứng dụng vào chữa nhiều loại bệnh, đồng thời được sử dụng trong đời sống hàng ngày. Nó là thành phần chủ yếu trong các thuốc sát khuẩn, thanh nhiệt, thông tiểu, phòng ngừa sỏi niệu, viêm loét dạ dày; là thuốc dùng bôi ngoài da để làm dịu vết thương khi bị bỏng nhẹ, khi bị côn trùng đốt hay da bị chai cứng khi bị rám nắng, làm mau kéo da non ở vết thương.
Lô hội còn là thành phần phụ trong thuốc nhuận tràng, nhuận gan, điều kinh và là thành phần phụ trong mỹ phẩm, kem dưỡng da, kem chống nắng, các loại dầu gội, dầu khử mùi hôi, xà phòng, dầu cạo râu, ngừa nám, làm mịn da, ngừa mụn... Trong thực phẩm lá lô hội dùng để ăn tươi với đường hoặc nấu chè, nấu canh mát, làm chất đông kết cho món ăn.
Tuy nhiên, bác sĩ Trung cũng nhấn mạnh lô hội được khuyến cáo không nên dùng đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú; trẻ em dưới 12 tuổi; bệnh nhân tiểu đường đang dùng thuốc; người mắc bệnh trĩ; người có bệnh lý về thận; người vừa phẫu thuật; người cao tuổi hoặc hay bị đầy bụng, ăn không tiêu, tiêu chảy… Một số nghiên cứu cho thấy, những trường hợp kể trên nếu dùng lô hội sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Sự thật là…
Chị Hòa cho hay, dù rất muốn uống thử bài thuốc “chữa ung thư bằng lô hội” nhưng chị chưa dám thử. Để chắc chắn hơn về bài thuốc, chị đã đến bệnh viện chuyên khoa và hỏi ý kiến bác sĩ về bài thuốc. Trả lời thắc mắc của chị Hòa, vị bác sĩ chỉ nói: Dùng thuốc thế nào là quyền của bệnh nhân.
Tuy thế, bệnh nhân nên nhận thức đúng về căn bệnh nan y này, hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Vì vậy, điều cần thiết đối với người mắc bệnh ung thư và ý chí và tinh thần thép. Chỉ có điều đó kết hợp với liệu pháp điều trị khoa học mới tăng hy vọng cho người bệnh.
Theo ThS, BS. Nguyễn Ngọc Trung thì cây lô hội được y học sử dụng như một bài thuốc hữu hiệu trong việc điều trị nhiều loại bệnh. Trong cây lô hội chứa chất kháng sinh có tác dụng chữa u nhọt, mụn… Có thể người đã nhầm lẫn giữa u nhọt và u (cách hiểu thông thường là ung thư) nên mới mách nhau về bài thuốc lô hội chữa bệnh ung thư.
Hiện chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định tính năng chữa ung thư của cây lô hội. Vì vậy người mắc bệnh ung thư cần cảnh giác trước nhưng lời quảng cáo, tránh mất tiền, mất thời gian mà bệnh không thuyên giảm.