Ùn ứ điểm tiêm vắc xin COVID-19 ở Hà Nội

TPO - Sáng nay, hàng trăm người xếp hàng, chen lấn ở điểm tiêm chủng vắc xin COVID-19 Trường tiểu học Tam Khương, số 4 Khương Thượng (quận Đống Đa). Trước đó, địa điểm tiêm vắc xin ở phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cũng rối loạn vì lượng người đến tiêm vắc xin quá đông.

Ngày 9/9, phường Khương Thượng tổ chức tiêm vắc xin cho nhân dân trên địa bàn. Tại điểm tiêm Trường tiểu học Tam Khương, nhiều người dân xếp hàng từ sáng sớm để chờ đến lượt, nhưng nhiều người phải ra về vì hết vắc xin. Theo một số người dân, điểm tiêm cũng không đảm bảo về khoảng cách an toàn, phân luồng phù hợp...

Người dân chờ được tiêm vắc xin COVID-19 ở phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Ảnh: PV

Chiều 9/9, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Vương Thái Dương - Bí thư Đảng uỷ phường Khương Thượng, cho biết, phường đã họp, rút kinh nghiệm về việc tổ chức tiêm vắc xin trên địa bàn. Quá trình triển khai cho thấy có cả khó khăn chủ quan và khách quan.

Cụ thể, theo ông Dương, sáng 9/9, kế hoạch của phường là tiêm cho người dân trên 65 tuổi, người có bệnh nền. Đội ngũ y tế sẽ khám sàng lọc kỹ hơn. Tuy nhiên, do lượng người dồn lại từ buổi tiêm ngày hôm trước đến quá sớm, dẫn tới tình trạng đông đúc.

Ông Dương lý giải, dù đã hẹn giờ tiêm, nhưng người dân vẫn đến sớm hơn rất nhiều, xếp hàng từ 6h sáng nên khu vực tiêm trở nên quá đông, quá tải, dẫn đến cảnh đông đúc.

Bí thư Đảng uỷ phường Khương Thượng cũng cho biết thêm, bình thường các buổi tiêm khác, số lượng thuốc trung bình cho điểm tiêm là 600 - 800 mũi, tuy nhiên sáng 9/9, số lượng thuốc về chỉ là 380 mũi.

"Vì thế nên có những người xếp hàng nhưng không được tiêm, phải ra về sớm nên bức xúc. Chúng tôi cũng phải vận động, giải thích, tuyên truyền cho bà con hiểu và thông cảm", ông Dương nói.

Theo ông Dương, do sáng nay phường đã tiêm hết lượng vắc xin Astra Zeneca được phân bổ nên từ chiều 9/9, phường bắt đầu triển khai tiêm vắc xin Sinopharm. "Đến thời điểm cuối giờ chiều, chúng tôi đã tiêm được 500 mũi Sinopharm", ông Dương nói.

Trước đó, ngày 8/9, tại điểm tiêm vắc xin COVID-19 số 110 Nguỵ Như Kon Tum (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cũng diễn ra tình trạng người xếp hàng chen chúc không đảm bảo khoảng cách. Nhiều người dân phải ra về vì chờ mãi không tới lượt, và lo ngại an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, đã yêu cầu phường Thanh Xuân Trung khắc phục tình trạng này để đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn khi đến tiêm vắc xin COVID-19.

Vắc xin về đến đâu tiêm hết đến đó

UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố quán triệt sâu sắc, thấm nhuần tinh thần chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố.

Cụ thể, phải “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút” để hoàn thành việc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố, đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp tiến độ nhằm phát hiện sớm nhất nguồn lây, kịp thời cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Cùng với đó, lập kế hoạch chi tiết và tổ chức ngay chiến dịch tiêm vắc-xin đến từng phường, xã, thị trấn, theo nguyên tắc “vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất”, “vắc-xin về đến đâu phải tiêm hết ngay đến đó” đảm bảo an toàn, hiệu quả, kịp tiến độ, không được để chậm trễ, có vắc-xin nào tiêm hết ngay loại đó;

Tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội triển khai ngay trạm y tế lưu động; các địa bàn còn lại phải có kế hoạch, phương án tổ chức trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn để sẵn sàng cho tình huống xuất hiện các ca nhiễm trong cộng đồng.

Thành phố yêu cầu UBND và Sở Chỉ huy các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tổ chức, bố trí cán bộ thực hiện ứng trực nghiêm 24/24/7, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi thông tin, công việc phòng chống dịch bệnh, nhất là đáp ứng yêu cầu của người dân; đảm bảo trực, sẵn sàng hoạt động 24/24/7 thiết bị giao ban trực tuyến để duy trì kết nối thông suốt với Sở Chỉ huy thành phố và đầu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo tiếp nhận xử lý kịp thời các ý kiến chỉ đạo, yêu cầu kiểm tra đột xuất của Trung ương, thành phố và các công việc cấp bách, khó khăn vướng mắc phát sinh trong tổ chức triển khai thực hiện tại cơ sở và đáp ứng tốt yêu cầu tiếp cận y tế, an sinh xã hội của người dân.

"Yêu cầu Bí thư các quận, huyện, thị ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã, Bí thư, Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy các phường, xã, thị trấn phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố về việc tổ chức thực hiện triệt để, hiệu quả, đúng tiến độ công tác xét nghiệm, tiêm chủng theo Kế hoạch thành phố đã ban hành và nội dung, yêu cầu nêu trên, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát trên địa bàn", văn bản nêu.