Tượng đài lồng dự án công nghìn tỷ
Tại cuộc họp báo chiều 5/8 ở Sơn La, trước sự có mặt của gần 100 phóng viên và khách mời, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Để khắc ghi tình cảm của đồng bào Tây Bắc, trong đó có nhân dân Sơn La với Bác Hồ, đồng thời tạo một điểm nhấn cho tỉnh khi sắp trở thành đô thị loại 2, sau khi được các bộ, ngành, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung tượng đài Bác Hồ vào quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030, tỉnh đã lập đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc. Dự án cũng được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 127 ngày 8/7/2015 của HĐND tỉnh.
“Cụ thể, dự án được thực hiện trên tổng diện tích 20 ha, với các hạng mục: tượng đài Bác Hồ, quảng trường có sức chứa 20.000 người, khu đô thị và dịch vụ, khuôn viên cây xanh, giải phóng mặt bằng, đặc biệt dự án có khả năng mở rộng để gắn kết với các công trình văn hóa và trung tâm hành chính trọng điểm của tỉnh… Công trình được thực hiện từ năm 2015 đến 2019 với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng”, ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, việc một số báo thông tin xây tượng đài Bác Hồ với mức 1.400 tỷ đồng là chưa chuẩn xác, thực tế công trình này chỉ hết 200 tỷ đồng. Số còn lại là để thực hiện các hạng mục khác.
PV Tiền Phong đề nghị ông Khánh cho biết các hạng mục khác là những hạng mục nào, số tiền của mỗi hạng mục là bao nhiêu, chủ tọa buổi họp báo nói “đây là những số liệu chưa thể công bố”. PV Tiền Phong tiếp tục chất vấn về các văn bản của bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Công văn số 2124 của Thủ tướng Chính phủ, chấp thuận cho Sơn La xây tượng đài chỉ ghi rõ: “Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc”, không có mục, dòng nào ghi có các công trình phụ trợ kèm theo như: khu đô thị và dịch vụ, khuôn viên cây xanh gắn kết với các công trình văn hóa và trung tâm hành chính trọng điểm của tỉnh. Về nội dung này, ông Khánh cho rằng, đây chỉ là những hạng mục phụ của đề án xây tượng đài, con số 1.400 tỷ đồng đưa ra là để bàn bạc. “Đến thời điểm hiện nay, dự án mới chỉ là đề xuất và chưa có tư vấn thiết kế, cơ quan thẩm định dự án”, ông Khánh nói. Với trung tâm hành chính làm việc của tỉnh, ông Khánh cho rằng, công trình này không nằm trong dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Quốc Khánh, tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Dừng các dự án công: Sơn La phải theo
Phóng viên Tiền Phong nêu vấn đề, trong bối cảnh suy thoái kinh tế, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có chủ trương tạm dừng các dự án công, tập trung đảm bảo an sinh, xã hội, việc tỉnh Sơn La có kế hoạch xây dựng dự án “công” với 1.400 tỷ đồng có phù hợp. Ông Khánh giải thích, dự án mới chỉ là đề án nên mọi hạng mục, nội dung đang ở giai đoạn nghiên cứu. “Dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào Tây Bắc gắn với các công trình phụ trợ tỉnh mới chỉ đưa ra bàn, còn Đảng, Nhà nước đã có chủ trương như trên thì tỉnh Sơn La phải tuân thủ chỉ đạo chung”, ông nói.
Cho ý kiến về các nội dung báo chí trao đổi, bà Mai Thu Hương, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La, nói rằng, từ những thông tin được đại diện các cơ quan báo chí trao đổi, đại diện UBND tỉnh cần tiếp thu và đưa ra những thông tin chính xác về việc trên. Dự án xây dựng tượng đài Bác Hồ là cần thiết vì đây là tình cảm chung không chỉ của nhân dân Sơn La mà còn của tất cả các tỉnh Tây Bắc dành cho Bác.
Chiều 5/8, một số người dân Sơn La nói rằng, việc xây tượng Bác rất ý nghĩa. Tuy nhiên, cần phải tiết kiệm, dành ngân sách đầu tư thêm cho các công trình dân sinh: điện, đường, trường, trạm, đặc biệt là các khu vực hay xảy ra mưa lũ gây chết người như vừa qua. “Việc xây dựng tượng đài là bộ mặt của tỉnh, tôi cũng đồng tình về việc này, nhưng qua báo chí, tôi thấy tốn kém quá. Số tiền lên đến hơn nghìn tỷ đồng không phải nhỏ. Việc di dời mấy trăm hộ dân để phục vụ dự án ở trung tâm thành phố sẽ làm cuộc sống của bao gia đình bị đảo lộn”, ông Phạm Hùng Cường (43 tuổi, ở số nhà 47C đường Điện Biên, Sơn La) nhận định. Bà Cao Thị Hòa (60 tuổi, tổ 4, phường Tô Hiệu), chủ cửa hàng kinh doanh đồ tiêu dùng trên đường Điện Biên, nói: “Việc xây dựng tượng đài tôi cũng chưa đồng thuận vì số tiền bỏ ra là quá lớn, mặc dù nhiều nơi ở Sơn La người dân vẫn quá nghèo. Riêng với chúng tôi là những hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng, khi dự án triển khai chúng tôi sẽ đi đâu, làm ăn thế nào?”.
Chiều qua, đại diện UBND tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự việc xây tượng đài. Văn bản số 252, do Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh ký, nêu: Trong những ngày qua, một số cơ quan báo chí đã phản ánh việc xây dựng tượng đài Bác Hồ tại Sơn La. Về việc này, lãnh đạo tỉnh Sơn La khẳng định là chủ trương đúng và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch xây tượng đài Bác Hồ đến năm 2030. Văn bản có đoạn viết: “Dự án mới chỉ là đề án với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng, trong đó kinh phí xây dựng tượng đài là 200 tỷ đồng”.
Trọng Đảng
Các hạng mục công trình
Theo Đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại thành phố Sơn La được HĐND tỉnh Sơn La thông qua, tổng diện tích sử dụng đất khoảng 20ha, gồm cả diện tích đất để xây dựng trụ sở làm việc HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Sơn La, do phải di chuyển ra khỏi Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các hạng mục công trình của đề án này gồm: Nhóm Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc quy mô nhóm A2, phù hợp với không gian quảng trường, tượng đài có chất liệu phù hợp nghệ thuật tạo hình, có tính bền vững lâu dài. Quảng trường đảm bảo đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa của của khu vực Tây Bắc và tỉnh Sơn La trong các ngày lễ lớn. Quần thể này còn bao gồm Đền thờ Bác Hồ, Bảo tàng tổng hợp, khu nhà đón tiếp. Trong đề án còn có khu đô thị, hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, công trình cấp thoát nước.