Cẩn trọng xây khu tượng đài 1.400 tỷ đồng

Hội thảo quy hoạch địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Ảnh: Toan Toan.
Hội thảo quy hoạch địa điểm xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030. Ảnh: Toan Toan.
TP - Một tỉnh nghèo như Sơn La quyết định xây dựng khu tượng đài Bác Hồ với mức đầu tư dự tính 1.400 tỷ đồng, gây ra làn sóng phản ứng trong dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng nên cẩn trọng, thậm chí dừng lại trong thời điểm này.

Quy mô hoành tráng

Được biết, đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường tại thành phố Sơn La được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa 8. Theo đó, quy mô diện tích khoảng 10-15 ha, gồm các hạng mục: Đền thờ Bác Hồ (tượng Bác Hồ cao từ 5m đến 8m); đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20 nghìn người. Tổng mức đầu tư của dự án này là khoảng 1.400 tỷ đồng bao gồm nguồn vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo lí giải của lãnh đạo địa phương, tượng đài nhằm đáp ứng nguyện vọng, tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung, nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ. Đây là một thiết chế văn hóa đặc biệt quan trọng, được thực hiện từ năm 2015-2019, dự kiến khởi công tháng 10 tới nhân kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La.

Điều đáng nói là đề án xây dựng tượng đài Bác Hồ ở Sơn La được đưa vào Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030, hiện vẫn ở dạng dự thảo chưa trình Chính phủ phê duyệt. Tại hội thảo lấy ý kiến về các tiêu chí dựng tượng đài hồi tháng 4, nhiều đại biểu còn đang tranh cãi bởi tính đua nhau xây tượng đài như xây nhà. Nhiều tỉnh nghèo, miền núi xa xôi cũng xây tượng đài hoành tráng như thành phố lớn. 

Ông Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Sơn La cho biết, khi đề án này được phê duyệt thì chắc chắn việc xây dựng sẽ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, cộng với phần vốn xã hội hóa. Ông nói rằng, quan điểm của tỉnh là tăng cường tối đa nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn lực khác để giảm thiểu tối đa sử dụng tiền ngân sách, chứ không ỉ lại vào kinh phí nhà nước.

Cẩn trọng

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm nói rằng, việc Bộ Tài chính đang phải đề xuất Ngân hàng nhà nước cho ngân sách vay 30 nghìn tỷ đồng là minh chứng rõ nhất cho thấy ngân sách nhà nước đang khó khăn như thế nào. Vì thế, việc Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La quyết định ra nghị quyết thông qua đề án xây dựng tượng đài với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng là điều không thể chấp nhận được. Năm 2014, Chính phủ phải cấp cho Sơn La hàng nghìn tấn gạo để cứu đói cho nhân dân trong thời gian giáp hạt.

“Sơn La đâu phải là tỉnh có ngân sách dồi dào. Ngược lại đời sống, kinh tế của người dân ở đây còn hết sức khó khăn. Nhiều nơi, nhiều vùng người dân vẫn thiếu đói. Rồi điện, đường, trường, trạm ở nhiều nơi còn thiếu… Những cái đó sao không đầu tư mà lại đi quyết định chi đến 1.400 tỷ đồng để đầu tư xây dựng tượng đài. Thật không thể hiểu nổi”, ông Kiêm nói.

Ông Bùi Đức Thụ, ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết chưa nắm rõ được cụ thể kế hoạch xây dựng dự án này, cũng như việc bố trí ngân sách của Sơn La. Tuy nhiên, thẩm quyền theo phân cấp thuộc về địa phương. “Không phân cấp thì các tỉnh kêu là tập trung hóa, quan liêu, áp đặt. Nhưng phân cấp rồi thì lại có nguy cơ trên không bảo được dưới”, ông Thụ nói.

Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTT&DL nói, Bộ sẽ kiểm tra thông tin. Ông Tân nói, đúng là khu vực Tây Bắc cần quy hoạch tượng đài Bác “nhưng quy hoạch là một chuyện, quy mô lại là chuyện khác. Chúng ta cần cân nhắc khi tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam khó khăn, đang trong cảnh thắt lưng buộc bụng. Sự hoành tráng không phụ thuộc vào khối lượng, nó phụ thuộc vào tính chất, giá trị”, ông Tân nêu quan điểm riêng.

Ông Tân nói thêm, các vị lãnh đạo địa phương cần có nhận thức, suy nghĩ trong bối cảnh tổng thể. “Tinh thần của Bác lúc sinh thời là người cực kỳ tiết kiệm, có những chỉ đạo rất cụ thể về tiết kiệm, chống lãng phí, chống phô trương hình thức. Sự vĩ đại của Bác Hồ ở chỗ cực kỳ dung dị. Hiện nay chúng ta học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là học ở những điều này”.

Trước ý kiến của lãnh đạo tỉnh Sơn La cho rằng không nên đong đếm tình cảm của nhân dân Tây Bắc đối với Bác, ông Phan Đình Tân nói: “Để xây dựng tượng đài 1.400 tỷ chưa chắc vừa, có khi còn phải hoành tráng hơn. Sau  này chúng ta giàu có, có thể bỏ rất nhiều tiền xây dựng những công trình để lại dấu ấn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, và nhất là năm nào Chính phủ cũng phải cấp tiền cho Sơn La thì không nên. Tình cảm có thể giữ trong tim, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau”. Lí luận của tỉnh là xây tượng đài để quảng bá du lịch cũng thiếu thuyết phục, bởi không ai cam kết điều này, trong khi những tiềm năng sẵn có lại chưa được khai thác trong phát triển du lịch địa phương.

Cần ý kiến liên bộ, ngành

Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm đề nghị các bộ, ngành có liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ VHTT&DL cần nhanh chóng có ý kiến yêu cầu Sơn La tạm dừng thực hiện dự án.

Theo Quy chế quản lý xây dựng tượng đài và tranh hoành tráng, kể từ khi xuất phát ý tưởng phải tuân theo quy định cụ thể, phải báo cáo ban, bộ ngành liên quan. Bộ VHTT&DL sẽ duyệt mẫu tượng chứ không thể tùy tiện.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Như Ý).
Giá vàng đồng loạt vọt tăng
TPO - Sáng nay (29/3), giá vàng trong nước tăng tới 700.000 đồng/lượng, lên mức 81 triệu đồng/lượng vàng SJC, vàng nhẫn tròn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới, lên mức 2.232 USD/ounce.