Bắt khẩn cấp…
Diễn biến vụ “cướp” xảy ra sáng 3/11/2013 tại phường Mông Dương - TP Cẩm Phả, Quảng Ninh khá đơn giản. Theo cáo trạng, rạng sáng đó, chị Vũ Thị Dung (SN 1985, trú tại TP Cẩm Phả) cùng một số người quét, vét than ở khu vực bãi thải Cty than 397, được 22 bao than, để ven đường.
Khoảng 7h sáng, thấy số than này, Hà Mạnh Sơn (SN 1966, trú tại TP Cẩm Phả, làm nghề “mót than” ở các bãi thải) gọi điện cho Nguyễn Xuân Thắng (SN 1991), Nguyễn Đình Hoán (SN 1963) ra khiêng than. Sơn cũng gọi điện nhờ một máy xúc đến chở than.
Khi Thắng, Hoán khuân than lên gầu máy xúc, chị Dung đi xe máy đến, nói với Sơn “Cho em xin, chỉ có mấy bao than cám thôi”. Sơn đáp “Xin xỏ cái gì, bố mày thu hết”.
Chị Dung ngăn Thắng, Hoán không được, bèn tháo miệng bao đổ than ra vệ đường. Thắng lấy mũ cối đánh vào đầu chị Dung (chị Dung đang đội mũ bảo hiểm xe máy), rồi tiếp tục cùng Hoán khiêng than. Chị Dung ngồi lên bao than, Thắng đá chị Dung tránh ra. Tổng cộng, bọn Sơn lấy 16 bao than, chở về bãi than của Sơn gần đó.
Chị Dung trình báo Công an phường Mông Dương. Công an đã triệu tập Sơn, Thắng, Hoán đến lấy lời khai, và thu giữ 16 bao than. Kết quả giám định, số than có tổng trọng lượng 1.280kg, là than cám 7A, trị giá hơn 1,2 triệu đồng. Ngay trong đêm 3/11/2013, Công an TP Cẩm Phả đã bắt giữ khẩn cấp Sơn, Thắng, Hoán về hành vi “cướp tài sản”.
Nhiều uẩn khúc
Tại phiên tòa diễn ra hai ngày 2-3/10/2014, vụ án tưởng đơn giản đã xuất hiện nhiều tình tiết cho thấy việc các bị cáo kêu oan là có căn cứ.
Trước hết, về nguồn gốc số than bị “cướp”, hồ sơ không thể hiện chị Dung “quét, vét” ở đâu. Trước tòa, chị Dung trình bày khá mơ hồ là “quét, vét” bên đường và dưới rãnh nước.
Các luật sư hỏi “Sao than không lẫn đất, không bị ướt?”, chị Dung không trả lời được. Thời gian để “quét, vét”, vận chuyển than cũng là ẩn số. Các luật sư phân tích, để “quét, vét” 22 bao than, vận chuyển từng bao bằng xe máy về nơi tập kết, trong khoảng thời gian từ 3h đến 6h sáng như chị Dung khai, trên thực tế không thể thực hiện được.
Uẩn khúc lớn nhất, các bị cáo và luật sư của họ khẳng định các đoạn đường quanh hiện trường vụ “cướp” hầu như không có than rơi vãi. Việc “quét, vét” một vài bao đã rất khó, không thể có chuyện chỉ trong ba tiếng đồng hồ nhóm chị Dung “quét, vét” được tới 22 bao than.
Than của ai?
Rất có thể số than bị “cướp” trong vụ án này là của… bị cáo Sơn. Trước tòa, bị cáo Sơn cho rằng chị Dung đã hót than từ bãi than của Sơn. Không phải ra tòa Sơn mới “nại ra” điều này.
Tại Công an phường Mông Dương chiều 3/11/2013, Sơn đã viết trong bản tường trình: “bãi (than) của tôi có cổng nhưng không có hàng rào nên chị em hay vào nhặt than”.
Theo Biên bản xác định hiện trường của CQĐT, “vị trí đống than chị Dung tập kết cách cổng kho bãi chế biến than số 2 Cty than Đông Bắc khoảng 70m”; “về phía tây bắc, cách khoảng 1.000m có bãi chế biến tận thu than của Sơn”; “khoảng 2.000m trên dọc đường Cty không còn bãi chế biến tận thu than nào khác”.
Như vậy, quanh vị trí chị Dung tập kết 22 bao than, chỉ có hai bãi than của Cty than Đông Bắc và của bị cáo Sơn. Cty Than Đông Bắc không phát hiện, trình báo bị mất cắp than, việc Sơn nghi ngờ số than chị Dung tập kết lấy từ bãi than của Sơn là có cơ sở.
Tại tòa, chị Dung khai từng bị Sơn “tịch thu” than hai lần, chị Dung đều “xin” nhưng Sơn không cho. Sáng 3/11/2013, khi tiếp tục bị Sơn thu giữ than, chị Dung cũng chỉ một mực “cho em xin”, trong khi Sơn không hề đánh đập, đe dọa chị Dung.
Điều gì khiến chị Dung bị “lâm vào tình trạng không thể chống cự được” trước Sơn? Chị Dung sợ hãi do bị phát giác hành vi khuất tất, hay vì lý do nào khác nữa?
Kỳ tới: Quá muộn để điều tra bổ sung!
Khoản 1 Điều 133 Bộ luật Hình sự về tội cướp tài sản quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm”.