Khởi nghiệp từ vay 4 triệu đồng
Anh Tâm là con thứ 2 trong gia đình 9 anh em. Nhà nghèo lại không ruộng đất, học hết lớp 6 anh phải nghỉ giữa chừng để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ trang trải cuộc sống gia đình và đàn em ăn học. Sau khi nghỉ học, anh Tâm đi làm thuê quanh xóm rồi dần dần học nghề hớt tóc, bơm gas, sửa hộp quẹt. Đến khi lành nghề thì anh bắt đầu bôn ba khắp các tỉnh ĐBSCL để kiếm sống.
Anh Tâm kể: “Hồi đó trên người chỉ có bộ đồ nghề và 2 bộ quần áo với chiếc xe đạp chạy cọc cạch đi từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đi tới đâu không có tiền thuê nhà trọ ở thì xin ngủ nhờ nhà dân, cứ thế mà làm hơn 5 năm trời”. Cũng trong thời gian này, thấy người dân chơi cây cảnh anh để ý xem. “Tôi đi tới đâu thấy người ta trồng cây cảnh là khoái cứ nhìn mãi đến lúc họ đuổi đi mới thôi rồi mê cây cảnh lúc nào không hay”, anh Tâm nhớ lại.
Năm 2002 anh về quê tham gia công tác ở địa phương, được bầu làm Phó Bí thư chi Đoàn ấp và bắt đầu sự nghiệp hoa cây cảnh của mình. Anh cho biết, nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phụng Hiệp cho vay 4 triệu đồng để mua cây giống trồng trên diện tích 1.000 m2 đất thuê của người bà con. Anh Tâm nghĩ, nếu đất làm lúa thì chưa chắc có lãi nhiều mà lại tốn công nên quyết tâm trồng 1.000 cây mai vàng vào đó với hy vọng sau 3 năm có lãi khoảng 10 triệu đồng sẽ ngon hơn làm lúa mà quan trọng là thỏa niềm đam mê của mình.
Từ đó, anh Tâm bắt tay vào thực hiện nhưng trong thời gian đầu gặp không ít khó khăn như chưa có kinh nghiệm chăm sóc, ít vốn, mua cây về trồng chết, cắt hư cây… Sau đó, nhờ bà con giới thiệu anh sang Vĩnh Long, Bến Tre nơi có truyền thống trồng cây cảnh nổi tiếng ở ĐBSCL để tìm thầy học nghề. Sau 3 năm, thương lái đến mua 1 mai vàng giá 150.000 đồng/cây. Lúc đó anh chỉ bán 300 cây thu được số tiền 45 triệu đồng để lấy vốn đầu tư. Số còn lại anh tiếp tục nuôi dưỡng và nhân rộng ra để bán.
Giúp nhiều thanh niên có việc làm
Năm 2012, anh Tâm mở rộng quy mô bằng cách thuê gần 500m2 đất ở gần chợ Kinh Cùng, có điều kiện thuận lợi để kinh doanh. Từ đó, trang trại hoa cảnh của anh ngày càng được nhiều người biết đến. Tháng 7/2014 anh đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) giống nông nghiệp hoa cảnh Hoàng Tâm Dư với 7 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu đồng, trong đó anh chiếm trên 50% cổ phần, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX.
Từ mô hình trang trại gia đình chuyển sang HTX, anh Tâm bộc bạch: “Làm một mình nhỏ lẻ khó tìm đầu ra và tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất nên cùng với anh em thành lập HTX để áp dụng hình thức làm ăn mới, tăng sức
cạnh tranh”.
Năm 2014, anh bán gần 20.000 chậu hoa cảnh các loại với doanh thu trên 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Theo anh Tâm, hiện tại ở HTX có trên 60.000 chậu cảnh với hơn 20 loại trị giá trên 5 tỷ đồng. Ngoài việc bán hoa cảnh anh còn nhận thiết kế công trình hoa cảnh ở các cơ quan, doanh nghiệp. Hiện nay anh đang thuê thêm 3 ha đất ở cùng huyện trồng cam sành và chanh không hạt sắp cho thu hoạch và đang tiếp tục tìm đất để thuê trồng thêm cây ăn trái.
Sắp tới, anh Tâm dự định sẽ đầu tư trên 300 triệu đồng để mở rộng thêm 1 vườn ươm cây giống diện tích 500 m2 và mở cơ sở sản xuất chậu hoa cảnh để phục vụ nhu cầu của HTX và cung cấp cho người dân ở trong và ngoài tỉnh.
Theo anh Tâm, trong năm 2014, HTX đã tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 10 lao động với thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng, đặc biệt trong 3 tháng dịp Tết đã giúp cho hàng chục thanh niên ở địa phương với hơn 1.000 ngày công lao động, tổng số tiền trên 150 triệu đồng bằng việc đan bội, làm chậu hoa, chăm sóc cây cảnh…
Anh Nguyễn Thanh Thi, Bí thư Đoàn thị trấn Kinh Cùng cho biết, mô hình của anh Tâm đem lại hiệu quả rõ rệt vì đã giúp nhiều đoàn viên thanh niên ở địa phương có việc làm.
“Chúng tôi chỉ đạo chi đoàn ấp là khi HTX có nhu cầu việc làm là sẵn sàng đáp ứng ngay. Ngoài ra, Đoàn thị trấn cùng với HTX của anh Tâm đang triển khai hỗ trợ nhau về lao động và việc làm. Cụ thể, trong thời gian tới anh Tâm mở rộng sản xuất sẽ nhận thêm nhiều thanh niên để dạy nghề hoa cảnh, sản xuất chậu. Chúng tôi giới thiệu thanh niên đến tham gia với mong muốn giúp thanh niên có nghề và việc làm ổn định để thoát nghèo bền vững”, anh Thi cho biết.
Anh Trần Minh Lâm, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn- Công nhân đô thị Tỉnh Đoàn Hậu Giang cũng cho biết, mô hình của anh Tâm đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương.
Năm 2014, anh bán gần 20.000 chậu hoa cảnh các loại với doanh thu trên 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Theo anh Tâm, hiện tại ở HTX có trên 60.000 chậu hoa cảnh với hơn 20 loại trị giá trên 5 tỷ đồng.