Sáng 19/1, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.
Tỉ lệ học sinh mắc COVID-19 trong trường học là 0,002%
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong 2 năm qua, ngành giáo dục đã điều chỉnh hoạt động dạy học để thích ứng với dịch. Những nơi an toàn dạy học trực tiếp, nơi nào dịch phức tạp thì dạy trực tuyến kết hợp truyền hình. Nhiều nơi, trẻ em không được đến trường hoặc đến trường rất ít đã tác động đến sức khoẻ, tâm sinh lý của học sinh.
Hiện nay, cả nước đã tiêm vắc xin đạt tỉ lệ cao, người dân cũng nâng cao hiểu biết về phòng, chống dịch. Chính phủ cũng chỉ đạo cần thiết xem xét việc mở cửa trường học thích ứng an toàn và có điều chỉnh linh hoạt từng thời điểm nhằm phù hợp với dịch bệnh.
Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết, đợt bùng phát lần thứ 4, toàn ngành có 130.014 cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên mắc COVID-19. Đến nay, có khoảng 4.800 giáo viên, học sinh đang điều trị.
Trong khi đó, số học sinh và giáo viên được tiêm vắc xin hiện đạt tỉ lệ khá cao. Mũi 1 cho trẻ 12-17 tuổi đạt hơn 90%; mũi 2 đạt 72,2%; Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc-xin mũi 2 đạt 82%; mũi 3 đạt 28,2%.
Theo thống kê, tuần đầu tháng 1, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp. Đến ngày 15/1, có 43/63 tỉnh/thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; có 46/63 tỉnh/thành phố cho học sinh tiểu học đến trường chiếm tỉ lệ 57,38% học sinh tiểu học/cả nước; 53/63 tỉnh/thành phố cho học sinh THCS, THPT (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp chiếm tỉ lệ 69% học sinh/cả nước.
Dự kiến đến ngày 7/2, có thêm 8 tỉnh, thành phố cho học sinh đi học trực tiếp.
Tại TPHCM, số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp có 130 trường hợp nhiễm là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tỉ lệ lây nhiễm là 0,002% Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai bình thường.
Tại Bắc Giang, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch đa số trường học đã mở cửa và tỉ lệ lây nhiễm tại trường học là 0,009%.
Nhiều quốc gia ưu tiên mở cửa trường học
Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho biết, trên thế giới, trước khi có vắc xin, giải pháp học trực tuyến là hoàn toàn phù hợp. Khi tỉ lệ tiêm đạt yêu cầu, việc cho học sinh đi học trở lại là cần thiết. Ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, 65% quốc gia đã mở cửa trường học hoàn toàn và 35% mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam.
Ông Hưng cũng nói, UNICEF khuyến cáo, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học, nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học. Ví dụ Thái Lan cho phép mở cửa trường học khi giáo viên, học sinh tiêm chủng đạt hơn 80%; Hàn Quốc, Singapore hiện đã tiêm chủng hoàn thành cho trẻ 12-17 tuổi.
Ở Pháp, học sinh từ tiểu học đến phổ thông đi học trực tiếp từ vùng xanh đến vùng vàng. Ở một số nước, hiệu trưởng được giao quyền quyết định đóng cửa khi xuất hiện F0 nhưng chỉ được phép đóng tối đa 7 ngày. Tại Việt Nam, thời điểm này mở cửa trường học là tương đồng với các nước trên thế giới.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, cùng với tiến độ tiêm vắc xin cho học sinh 12-17 tuổi, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương mạnh dạn triển khai mở cửa trường học trong trạng thái bình thường mới tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh an tâm lao động, góp phần phục hồi kinh tế và ổn định xã hội. UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật, đánh giá mức độ dịch để quyết định linh hoạt việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế.