Tối 17/8, tại Hà Nội, Quỹ học bổng Vừ A Dính và VinaCapital Foundation (VCF) tổ chức Gala Ngày hội Ước mơ năm 2023 tổng kết và tuyên dương nữ sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi và được nhận học bổng từ chương trình "Mở đường đến tương lai".
Dự chương trình có bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính; chị Nguyễn Phạm Duy Trang - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương; bà Tôn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội.
Theo Ban tổ chức, giai đoạn 2 của "Mở đường đến tương lai" được thực hiện từ năm học 2017 - 2018 với 50 nữ sinh thuộc 21 dân tộc ở 36 tỉnh thành trong cả nước. Đến nay, các em đã tốt nghiệp THPT; 44 em đang học đại học và 5 em đang học cao đẳng.
Không chỉ nỗ lực trong học tập, các em đều tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn trường, khoa và tại địa phương phát động; là thành viên CLB Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu. Có 2 em đã được kết nạp Đảng là: B Nước Thị Diễm (dân tộc Kơ tu, tỉnh Quảng Nam) và em Huỳnh Kim Liên (dân tộc Khmer, tỉnh Cà Mau).
Trong năm học 2022 - 2023, 92% nữ sinh của "Mở đường đến tương lai" đạt học lực khá, giỏi, xuất sắc và kết thúc năm thứ 3 đại học với nhiều thành tích hoạt động xã hội nổi bật. Mùa hè năm nay, các em đều đang tích cực đi thực tập và tham gia vào các dự án của sinh viên năm cuối để chuẩn bị sẵn sàng cho chặng đường mới đang đón chờ phía trước sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, nhiều cá nhân đạt thành tích học tập xuất sắc và tham gia nhiều hoạt động phong trào. Tiêu biểu, Ma Thị Hải Yến (sinh viên Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) có điểm trung bình năm 3,74/4 xếp loại xuất sắc; tham gia nhiều hoạt động phong trào Đại sứ truyền thông Green people organization; thi Rung chuông vàng tìm hiểu về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Đinh Thị Bích Ngọc (sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân) có điểm Trung bình năm 3,77/4; tham gia nhiều hoạt động phong trào sinh viên.
Lộc Thị Toàn (sinh viên Học viện Ngoại giao) đạt kết quả học tập loại Giỏi; tham gia hội nghị thanh niên chương trình tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật bản (SSEAYP) 2022. Đặc biệt, Toàn được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp học bổng tham gia chương trình Sáng kiến lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), tổ chức tại Mỹ từ ngày 1/4 đến 3/5/2023. Trong đợt học tập - hoạt động, em đã tham gia giao lưu với các bạn trẻ Đông Nam Á và có cơ hội chia sẻ về lịch sử, văn hóa đất nước Việt Nam với các bạn nước ngoài.
Giúp nữ sinh dân tộc thiểu số chạm tới tương lai
Phát biểu tại chương trình, bà Trương Mỹ Hoa - Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB "Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" cho biết: "Mở đường đến tương lai" là dự án quan trọng đối với Quỹ học bổng Vừ A Dính.
Dự án có tính lâu dài, góp phần tạo cơ hội cho các nữ sinh tiếp tục con đường học vấn và theo đuổi ước mơ của chính mình; đồng thời tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc và miền núi, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới của Việt Nam.
"Giai đoạn 2, các em đang phát triển rất tốt. Ngoài kết quả học tập tốt, các em rất năng động, bản lĩnh, trưởng thành trong các hoạt động của cộng đồng. Các em sẽ trở thành những người phụ nữ năng động, sáng tạo, góp phần xây dựng quê hương đất nước", bà Trương Mỹ Hoa đánh giá.
Tiếp nối những kết quả tích cực của chương trình trong suốt 13 năm qua, bà Trương Mỹ Hoa kỳ vọng, "Mở đường đến tương lai" sắp tới sẽ được triển khai rộng hơn và tạo ra sự hưởng thụ tốt hơn để giúp các nữ sinh dân tộc có điều kiện chạm tới tương lai nhanh hơn.
Bà Hoa mong muốn các nữ sinh trong chương trình "tiếp tục phấn đấu, làm tốt trách nhiệm của mình, học cho bản thân, gia đình, dân tộc, bản làng, Tổ quốc Việt Nam".
Chương trình "Mở đường đến tương lai" hướng tới giảm nghèo tại cộng đồng dân thiểu số ở Việt Nam thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo. Triển khai từ năm 2010, chương trình đã trao 2.351 học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, gồm học bổng toàn phần và cung cấp đào tạo kỹ năng thiết yếu cho các em nữ sinh sáng giá.
Các em nữ sinh của Giai đoạn 1 đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhiều em trở về quê hương để làm việc và hỗ trợ cộng đồng địa phương.