Trăn trở từ thất bại của đồng đội
Trung úy Trần Văn Thuyết - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 (ở lĩnh vực Lao động sản xuất), được biết tới là trưởng nhóm chủ trì và trực tiếp thiết kế, phát triển các module lõi tính cước quan trọng của Hệ thống tính cước theo thời gian thực (Online Charging System - OCS), góp phần hoàn thiện hệ thống và triển khai thành công vOCS3.0 tại thị trường Việt Nam. Hai hệ thống vOCS2.0, vOCS3.0 đang được triển khai tại 7 thị trường Viettel đang đầu tư, đáp ứng và kinh doanh 140 triệu thuê bao. Cắt chuyển thành công 90 triệu thuê bao di động từ hệ thống OCS Huawei sang vOCS3.0, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định.
Để đi đến thành công, Thuyết và đồng đội đã phải trải qua một hành trình dài gắn mình với công việc và những trăn trở tìm giải pháp cho hệ thống hoạt động ổn định, nâng cấp phát triển hiệu năng của hệ thống. “Đánh giá hệ thống sẽ căn cứ vào tính năng và hiệu năng so với chỉ tiêu thực. Trên cơ sở chia tách nhỏ từng phần trong hệ thống, tập trung vào những phần chưa đạt để tìm kiếm giải pháp, cũng như phát triển nâng cấp bằng cách áp dụng công nghệ mới hoặc tạo kiến trúc mới”, Thuyết chia sẻ.
Thuyết từng chứng kiến các anh chị đồng nghiệp quên ăn quên ngủ khi cố gắng đưa hệ thống chạy từ 3 triệu lên 4 triệu thuê bao, bị gặp lỗi. Cuối cùng, hệ thống phải cắt ra, phải trở về 1 triệu thuê bao. Điều này đã thôi thúc Thuyết tìm hiểu vai trò của hệ thống, mày mò nghiên cứu cách khắc phục lỗi. Cơ hội thực sự đến khi Thuyết và đồng đội được giao phối hợp với những người có kinh nghiệm thiết kế hệ thống mới 2.0 với mục tiêu chạy được 8 triệu thuê bao. Đánh giá hệ thống cũ có điểm yếu, nhóm đã tìm giải pháp, thay đổi kiến trúc, từ đó đạt hiệu năng mong muốn. Trước khi đưa vào thực tế, hệ thống được chạy thử nghiệm suốt 5 tháng với công cụ đánh giá khắc nghiệt và cuối cùng đã thành công.
Giúp người Việt nâng cao trình độ tiếng Anh
CEO Văn Đinh Hồng Vũ - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 (ở lĩnh vực Khởi nghiệp), đã thành công với khởi nghiệp sáng tạo về ứng dụng học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ Elsa Speak. Sau ba năm khởi nghiệp, ứng dụng đã gọi được vốn 12 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng tại Silicon Valley (Mỹ) và châu Á.
Hồng Vũ chia sẻ, ý tưởng khởi nghiệp này xuất phát từ cuộc sống cá nhân. Vốn ngữ pháp, từ vựng, đọc tiếng Anh tốt nhưng lúc đầu khó xin việc do không giao tiếp tốt. “Vũ hỏi bạn bè thầy cô, mọi người bảo không phải không tin tưởng mình, nhưng mất nhiều thời gian và công sức để hiểu mình muốn nói. Họ cũng không muốn mình xấu hổ nên thường không hỏi đi hỏi lại. Mình quyết tâm phải cải thiện khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và may mắn có bạn thân người Mỹ đã kiên trì giúp chỉnh phát âm nên đã thành công”, Vũ chia sẻ.
Theo Vũ, để thuê các chuyên gia về diễn thuyết giúp chỉnh sửa kỹ năng giao tiếp thường chi phí rất cao. Trong khi không phải ai cũng may mắn có thể tìm được người bạn nhiệt tình và kiên trì giúp đỡ- đã khiến Vũ trăn trở. Quan sát thấy công nghệ nhận diện giọng nói được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, nhưng chưa có ai áp dụng vào việc dạy ngoại ngữ. “Đó là lí do mình bắt tay nghiên cứu công nghệ này mang theo ước muốn xây dựng Elsa thành người bạn nhiệt thành và chuẩn xác”, Vũ nói.
Không đủ điều kiện tài chính, nhân lực và thời gian nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ như những “người khổng lồ” trên thế giới, Hồng Vũ cùng các cộng sự buộc phải tạo ra sản phẩm sáng tạo thật sự, khác với những cách thông thường và trong thời gian thật ngắn. Vũ cùng đội ngũ đã xây dựng lại thuật toán mới hoàn toàn, thu thập rất nhiều dữ liệu (big data) để tạo ra khả năng độc quyền, biết nhận diện lỗi sai và hướng dẫn sửa từng âm tiết của Elsa hiện nay.
Cùng với việc phát triển thành công ứng dụng Elsa, Hồng Vũ còn phát động chương trình “Thầy cô Việt dạy tiếng Anh hay” để giúp người Việt nâng cao trình độ tiếng Anh của mình ngay từ trong trường học. Với việc tài trợ các tài khoản Elsa Pro cho giáo viên tiếng Anh trên cả nước và ra đời chức năng Teacher Dashboard (Bảng Quản Lý Lớp Học), giúp các giáo viên theo dõi tự động tiến độ và kết quả của học sinh. Với chức năng này, các thầy cô sẽ tận dụng được Elsa cho các giờ học trên lớp và tối ưu thêm vai trò của Elsa như một công cụ bài tập về nhà.
Đưa công nghệ vào giáo dục
CEO Lê Đình Hiếu- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2018 (ở lĩnh vực Hoạt động xã hội), được biết tới là người đã sáng lập Học viện Đào tạo Phương pháp Tư duy và Kỹ năng sống G.A.P; sáng lập dự án Hear.Us.Now dạy tiếng Anh và Tin học cho người khiếm thính. Sau 3 năm hoạt động, Học viện G.A.P từ 11 bạn nhỏ ban đầu đã phát triển lên 8.500 học viên. Học viện G.A.P dạy miễn phí hoàn toàn cho trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ vùng sâu, vùng xa.
Trên chặng đường mang kiến thức đến cho những bạn trẻ, đặc biệt những người kém may mắn, Hiếu gặp vô vàn khó khăn. Ban đầu khi đem chương trình dạy tin học miễn phí cho trẻ em, đến một trường nuôi trẻ ở TPHCM, anh nhận được cái lắc đầu. Nhưng không bỏ cuộc, anh tiếp tục tìm nhiều con đường đi khác nhau, gặp nhiều mảnh đời bất hạnh, có thêm động lực để rồi cuối cùng xây dựng được Học viện G.A.P ngày hôm nay.
Hiếu nhắn nhủ các bạn trẻ: “Tương lai của các bạn được vẽ bằng chính đôi chân dám trải nghiệm, dám mạo hiểm đi trên những thử thách mới mẻ của chính các bạn”. Theo Hiếu, điều quan trọng nữa, hãy mạnh dạn gõ cửa, chỉ khi nào bạn gõ cửa thì cửa mới mở, nhưng nếu bạn nhút nhát, rụt rè không dám gõ, cửa sẽ không bao giờ mở ra. “Hơn 10 năm đấu tranh vì giáo dục miễn phí cho cộng đồng, tôi đã phải gõ hàng trăm cánh cửa, rất nhiều cửa đóng, nhưng không sao cả, cứ thế mà tiếp tục gõ thôi”, Hiếu chia sẻ.
Mục tiêu của Hiếu là đem công nghệ vào giáo dục. “Đất nước này có tới 70% dân số sống ở vùng nông thôn, chỉ có công nghệ và các đổi mới sáng tạo của kỷ nguyên 4.0 mới có thể đem giáo dục đến nhanh nhất cho mọi người”, Hiếu nói.
Lễ tuyên dương Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 sẽ được tổ chức vào 19h00 ngày 19/3, tại Đài Truyền hình Việt Nam; báo Tiền Phong sẽ tường thuật trực tiếp trên tienphong.vn. Theo truyền thống, sau tuyên dương các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và triển vọng 2018 sẽ về nguồn báo công tại Đền Hùng (Phú Thọ). Khác với mọi năm, trong chương trình về nguồn tại Đền Hùng, có thêm chương trình giao lưu với tuổi trẻ Phú Thọ, để chính các gương mặt trẻ tiêu biểu trực tiếp chia sẻ về những nỗ lực vươn lên của họ, truyền cảm hứng tới các bạn trẻ.