Tướng Thước bàn về lấy phiếu tín nhiệm

TP - Trao đổi với Tiền Phong, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (ĐBQH các khóa VIII, IX, X) cho biết: Việc tường trình là nhiệm vụ của các cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Còn bản tường trình có thực chất, có đúng với thực tế hay không, các ĐBQH có quyền chủ động xem xét.

> Đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo về biển Đông

Việc xem xét phải trên tinh thần vì lợi ích của quốc gia để đánh giá trung thực, khách quan, công bằng, chính xác đối với các chức danh này.

Ngoài việc nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng, các ĐBQH cũng có thể đánh giá trên cơ sở xem xét hoạt động thực tiễn của chức danh đó (được xác định trong các nhiệm vụ đề ra), về thực hiện lời hứa trước QH.

Hiện nay, có nhiều nguồn tin dựng chuyện, bôi nhọ, nói xấu, vậy các ĐBQH phải làm gì?

Việc xem xét thông tin cũng là vấn đề rất quan trọng. Nếu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm không cẩn trọng sẽ có việc “đổi trắng, thay đen”. Để tránh xảy ra trường hợp mất tín nhiệm oan, chúng ta cần xem xét cả hai mặt phẩm chất và hiệu quả công việc của người đó. ĐBQH có thể tham khảo thông tin của các chức danh qua các nguồn tin từ báo chí, cử tri, hay chính cơ quan mà người đó công tác…

…Tôi nghĩ việc bỏ phiếu lần này không phải là cơ hội để hạ bệ nhau mà đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận nhau. Từ kết quả tín nhiệm, sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, nếu có dư luận về việc vận động, mua chuộc, chạy phiếu thì phải sẵn sàng hủy ngay kết quả lấy phiếu tín nhiệm của người đó, để tiến hành điều tra kỹ lưỡng.

Hơn nữa, nếu việc chạy phiếu, mua phiếu xảy ra sẽ khiến việc lấy phiếu tín nhiệm mất hết ý nghĩa và uy tín của ĐBQH cũng như của QH sẽ bị tổn hại
nặng nề.

Nói như thế, cuộc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm lần này cũng có thể coi là cuộc “bỏ phiếu kép”, khi các Đại biểu Quốc hội đánh giá 47 vị trí chức danh do mình bầu và phê chuẩn thì cử tri cả nước cũng đánh giá năng lực, mức độ chính xác của các ĐBQH?

Đúng vậy. Đây là lần lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đầu tiên của Quốc hội nước ta nhưng kết quả cuối cùng của nó lại có vai trò rất quan trọng. Bởi nó sẽ góp phần xác lập niềm tin của người dân đối với các ĐBQH và cao hơn nữa chính là uy tín của Quốc hội.

Nếu việc lấy phiếu tín nhiệm không phản ánh đúng thực tế xã hội, không phản ánh đúng nguyện vọng của người dân sẽ mất niềm tin vào vai trò giám sát của các ĐBQH.

Vì vậy, với cuộc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm lần này, sẽ khiến các ĐBQH phải đặt mình vào vị trí đại diện cho dân và thể hiện chính kiến của mình.

Cảm ơn Trung tướng.

N.C.KHANH
thực hiện

Theo Báo giấy