Tưởng niệm 50 năm thảm sát Sơn Mỹ: Cầu nguyện cho hòa bình…

TPO - Sáng 16/3 tại Khu chứng tích Sơn Mỹ (Mỹ Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), Lễ tưởng niệm 50 năm ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị lính Mỹ thảm sát, đã được tổ chức trang trọng và xúc động.

Tham dự lễ tưởng niệm có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng phu nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cùng đại diện nhiều bộ, ngành, nhiều tổ chức nước ngoài, các cựu quân nhân Mỹ, gia đình các nạn nhân và đông đảo người dân…

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dâng hương trước đài tưởng niệm.
Về dự lễ tưởng niệm 50 năm thảm sát Sơn Mỹ có hai người cùng mang tên Hòa Bình. Đó là ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, và ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Tối cao.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng khi mở đầu lễ tưởng niệm, đã nhắc lại nỗi đau đớn oan khiên của người dân trên chính mảnh đất này tròn 50 năm về trước, buổi sáng 16/3/1968. Mỹ Lai - Sơn Mỹ không phải là vụ thảm sát duy nhất do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Việt Nam, nhưng là điển hình nhất cho nỗi đau tột cùng mà người dân Việt Nam phải gánh chịu.

“Mọi sự thật đã được phơi bày, không có gì phải tranh cãi. Vấn đề bây giờ là làm sao để “bóng đen Sơn Mỹ” không tái diễn nữa ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới này. Và tất cả chúng ta cùng chung tay hướng tới hòa bình. Người Sơn Mỹ nén đau thương để phát triển cuộc sống. Và thực sự cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Quảng Ngãi luôn chào đón các cựu chiến binh đến đây để thanh tẩy tâm hồn, khép lại quá khứ. Đó không phải là chủ trương, mà là đạo lý của người Việt Nam”, ông Dũng khẳng định.

Mở đầu buổi lễ, Hoa hậu Ngọc Hân cùng các em bé Quảng Ngãi thể hiện khát vọng hòa bình trong lễ tưởng niệm.
Hoa hậu Ngọc Hân dâng hương tại Gian thờ 504 nạn nhân Mỹ Lai.

Nỗi đau của gia đình, người thân những nạn nhân.

Ronald Haeberle cúi đầu trước vong linh 504 thường dân Sơn Mỹ vô tội. Ronal 50 năm trước là phóng viên chiến trường và là tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai gây chấn động toàn thế giới.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trò chuyện với Ronald Haeberle

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trò chuyện với người kéo vĩ cầm ở Mỹ Lai - cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam Mike Bohem. Hàng năm cứ  đến ngày này, tiếng vĩ cầm của Mike Bohem lại vang lên da diết dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Ông còn cùng với tổ chức Madison Quakers (Mỹ) suốt nhiều năm qua giúp đỡ phụ nữ của Sơn Mỹ và Quảng Ngãi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế

Anh Trần Văn Đức (Việt kiều Đức) và em gái Trần Thị Hà trả lời phỏng vấn báo chí bên tượng đài Chứng tích Sơn Mỹ sáng 16/3/2018. Hình ảnh người anh nằm che đạn cho người em trên tượng đài phía sau lưng chính là hình ảnh của hai anh em Đức-Hà được phóng viên chiến trường Mỹ Ronald Haeberle chụp sáng ngày 16/3/1968 ngay sau cuộc thảm sát. Cuộc thảm sát đã cướp đi người mẹ và hai chị em gái của anh em Đức - Hà

Anh Trần Văn Đức dâng hoa lên tượng đài. Và đặt lên tượng đài chiếc máy ảnh Nikon F lịch sử do Ronald Haeberle tặng. Đây chính là chiếc máy ảnh mà 50 năm trước, Ronald Haeberle đã chụp bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai gây chấn động

Ronald Haeberle và Trần Văn Đức bên tượng đài Chứng tích Sơn Mỹ sáng 16/3/2018
Gian thờ 504 nạn nhân Mỹ Lai vừa được khánh thành.
David E. Clark, một cựu binh Mỹ hiện là thành viên Tổ chức Hòa Bình-Việt Nam với các em nhỏ Sơn Mỹ.
... Và khoan khoái “bắn” điếu thuốc lào mà David E. Clark mang theo mình.
Các đại biểu và người dân đã lượt lượt dâng hoa lên tượng đài Chứng tích Sơn Mỹ, và dâng hương tại nơi thờ 504 nạn nhân Mỹ Lai.

Nhân dịp này, tỉnh Quảng Ngãi công bố quyết định thành lập Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai, một tổ chức xã hội tự nguyện kết nối những tấm lòng nhằm “trao gửi yêu thương, hàn gắn nỗi đau quá khứ, gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai” như phát biểu của bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ.