Tướng Khương: Luật chưa chặt chẽ là “cơ hội” để DN trốn thuế

TPO - “Do hệ thống luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để DN coi đây là cơ hội để trốn thuế. Trong khi đó một số đơn vị chức năng có lúc này lúc khác, nơi này nơi khác quản lý chưa chặt chẽ”, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội trả lời chất vấn tại HĐND TP Hà Nội sáng 2/8.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội trả lời chất vấn

Thanh kiểm tra thuế không đạt kế hoạch

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đông Anh) nêu chất vấn: Trong báo cáo trả lời chất vấn nợ đọng thuế, Cục thuế kiến nghị UBND thành phố tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với 26 dự án sử dụng đất của thành phố. Bà Mai đề nghị cho biết bao giờ thì xử lý xong việc nợ đọng thuế?

Trong khi đó, đại biểu Bùi Huyền Mai (quận Đống Đa) hỏi, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội không hoàn thành kế hoạch thanh kiểm tra thuế, mới đặt 37% kế hoạch năm. Lý do của việc không hoàn thành kế hoạch này là gì? Biện pháp để hoàn thành trong thời gian tới?

Trả lời chất vấn của ĐB Bù Huyền Mai, ông Nguyễn Thế Mạnh, Cục trưởng Cục thuế thành phố Hà Nội cho biết, kết quả thanh tra kiểm tra 6 tháng đầu năm 2016 đạt 37% số cuộc thanh tra theo kế hoạch. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tăng hơn 60%.

Lý do số cuộc thanh tra 6 tháng đầu năm đạt thấp, ông Mạnh cho biết do đặc thù quý I tập trung vào việc quyết toán thuế nên đầu tháng 4 mới bắt đầu công tác thanh tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, ông Mạnh khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra của năm bởi đã có sự chủ động chuẩn bị, rà soát, phân tích rủi ro và đổi mới phương pháp thanh tra kiểm tra trong 6 tháng cuối năm để rút ngắn thời gian, nâng hiệu quả. Đặc biệt, hình thức thanh tra điện tử bước đầu được áp dụng. Cho đến 31/7 đã đạt gần 50% kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Thanh Mai về tháo gỡ khó khăn trong thu hồi tiền sử dụng đất tại 26 dự án, ông Mạnh cho biết, tính đến ngày 31/7 đã thu được trên 8.500 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là tiền sử dụng đất. 

Qua nắm bắt, Cục thuế rà soát phân loại, chia nhóm theo dạng vướng mắc, đồng thời có công văn báo cáo vướng mắc lên UBND thành phố về 26 dự án, đề xuất xử lý theo 7 nhóm vướng mắc. Theo ông Mạnh, đến nay số nợ còn lại là 2.790 tỷ đồng, tiền nộp phạt là 1.248 tỷ đồng.

Luật chưa chặt chẽ

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai tái chất vấn, tại phiên họp cuối năm 2015, ông Nguyễn Đức Chung – khi đó là Giám đốc CA thành phố Hà Nội, khẳng định việc các doanh nghiệp bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh và trốn thuế gây ra những ảnh hưởng rất lớn.

“Các đồng chí đã khẳng định sẽ sớm điều tra nhưng qua giám sát thấy không có chuyển biến. 17 trường hợp phát sinh vẫn đang trong quá trình rà soát. Xin hỏi đồng chí Giám đốc CA thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương, với quy trình phối hợp với ngành thuế, bao giờ việc xác minh sẽ kết thúc?”, đại biểu Mai nêu.

Về việc này, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CA thành phố Hà Nội cho biết, khi về tiếp nhận với cương vị Giám đốc đã được báo cáo về tình hình nợ thuế, trốn thuế trên địa bàn thành phố diễn ra rất phức tạp. 

Nguyên nhân được chỉ ra đầu tiên và khá quan trọng là do hệ thống luật chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để DN coi đây là cơ hội để trốn thuế. Trong khi đó một số đơn vị chức năng có lúc này lúc khác, nơi này nơi khác quản lý chưa chặt chẽ.

Cũng theo ông Khương, quy trình xác minh, giám định thiệt hại của CA thành phố cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn như chuyên gia giám định, kinh phí giám định và thời gian.

Tuy vậy trong 6 tháng đầu năm, ông Khương cho biết, CA thành phố đã chuyển sang Viện KSND thành phố đề nghị truy tố 2 vụ trốn thuế. “Đây là sự cố gắng của lực lượng CA thành phố, có sự hỗ trợ chặt chẽ của cơ quan thuế thành phố, sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành uỷ, HĐND và UBND thành phố và sự giúp đỡ của nhân dân Thủ đô”, ông Khương cho hay.