> Ngọc Hân, Tùng Dương là đại sứ chương trình Nhà bán trú cho em
Khi làm việc với “thương hiệu quốc tế” Nguyên Lê, Tùng Dương có phải vượt qua khoảng cách hay áp lực?
Đó cũng là một sự thử thách bản thân. Vì bao giờ đứng trước thần tượng, mình cũng cảm thấy nhỏ bé hơn. Còn để làm việc với họ thì mình lại phải thể hiện bản sắc, vị thế của mình. Tất nhiên mình ở Việt Nam không thể so sánh với nghệ sĩ quốc tế. Quan trọng nhất làm thế nào kết nối, có sự đồng điệu trong quá trình thực hiện. Nghệ sĩ cộng tác với nhau phải có sự tâm đắc lẫn nhau.
Chúng tôi làm việc bằng tiếng Anh. Anh Lê cũng không giỏi tiếng Anh. Trong phòng thu phải nói anh rất nhạy cảm, khó tính nhưng cũng rất biết lắng nghe, không áp đặt ca sĩ. Anh để cho Dương mặc sức sáng tạo, cái gì phù hợp sẽ nhặt lại.
Dương thấy may mắn vì đã có dịp đứng chung sân khấu với anh trước đấy, và đã “đón lõng” được nhau. Do vậy làm việc rất nhanh. Tất nhiên cũng phải mất thời gian đi lại. Nhưng cũng rất may cho Dương, 3 lần sang Pháp đều kết hợp đi diễn và sau đó thu đĩa.
Quen với cách làm việc nước ngoài, Tùng Dương liệu còn có thể “xuống thang” với nhà sản xuất trong nước?
Quan trọng là tinh thần. Dương vẫn cần sự kết nối với các bạn trẻ Việt Nam ở trong và ngoài nước- những người có sức vóc, cá tính đặc biệt phù hợp với mình.
Anh Lê một năm đi Festival rất nhiều, diễn khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn đúng hẹn với Tùng Dương. Chứ không giống các nhạc sĩ trong nước, làm việc theo cảm tính nhiều hơn. Dương vẫn trân trọng các nhạc sĩ trong nước vì bản sắc của họ, nhưng đúng thời hạn là điều rất quan trọng. Một dự án trì hoãn đến 5 năm thì tâm tính, điều kiện, hoàn cảnh thay đổi, mọi thứ chuyển sang diện mạo khác rồi, mình không thể theo được nữa. Không có ý chê trách các nghệ sĩ trong nước, nhưng chúng ta nên học tập nghệ sĩ lớn của nước ngoài.
Với tên tuổi Nguyên Lê, “Độc đạo” dễ dàng phát hành ở nước ngoài?
Chúng tôi đang hoàn tất thủ tục với một hãng đĩa của Pháp để phát hành album này. Sang năm đi các Festival với anh Nguyên Lê cũng sẽ bán.
Tham dự Festival quốc tế hoặc được hát cho người nước ngoài cũng là điều Dương rất mong muốn, vì đấy là cầu nối để giới thiệu bản sắc của mình. Tất nhiên bản sắc Việt Nam đã được thế giới biết đến nhưng bản thân vào sẽ thêm những màu sắc. Có lẽ cũng phải tìm ra một giá trị mới cho nhạc dân tộc, chuyển hóa pha trộn để nó sẽ ở trong máu của thế hệ trẻ nhiều hơn. Họ không thể tiếp quản từ cái gốc được mà vẫn phải từ cái gì đã pha chế từ gốc. Với album Độc đạo, tính thể loại không còn quan trọng, mà là hồn Việt, tính tư tưởng.
Mọi người cứ nghĩ Tùng Dương không phải ca sĩ thị trường, cat-xê không quá cao, nhưng toàn làm đĩa với nghệ sĩ nước ngoài, rồi lại mời họ về diễn trong nước. Chứng tỏ Tùng Dương không hề nghèo?!
Tôi rất giàu về tinh thần (cười). Cơ hội làm việc với nghệ sĩ lớn là cú hích cho Dương làm sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn quan trọng với mình. Bản thân không bao giờ nghĩ mình dư giả, chỉ đủ ăn thôi, kiếm được bao nhiêu cũng lại chi trả hết cho các dự án âm nhạc. Bởi vậy phải có những Tùng Dương hát tình ca cho số đông thì mới có Tùng Dương Độc đạo.
Hình ảnh album này cũng phải làm với ê-kip nước ngoài. Họ có gì hay hơn?
Như đã nói, họ hơn mình một cái là đúng thời hạn. Bạn giục người ta gửi ảnh cho bạn, người ta còn đang ở Lào Cai, Yên Bái chụp cho các show khác. Thành ra rất sợ sự cảm tính của vài nghệ sĩ trong nước hiện nay. Không trách móc gì họ, chính vì họ không tạo niềm tin cho mình, khiến công việc mình bị ảnh hưởng.