Tùng Dương: “Muốn trở thành nghệ sĩ của thế giới”

TP - Tùng Dương sẽ tổ chức đêm nhạc Độc đạo tại nhà hát Adyar (Paris, Pháp) ngày 2/3. Điểm đến tiếp theo là Tokyo và Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 4.
Tùng Dương luyện tập cùng Nguyên Lê chuẩn bị xuất khẩu Độc đạo. Ảnh: Trọng Tùng

Những đêm nhạc này có sự tham gia của Nguyên Lê và các nghệ sĩ đã trình diễn Độc đạo tại Hà Nội, bổ sung giọng ca Hương Thanh (Pháp) và nghệ sĩ piano Nguyễn Công Phương Nam (Đức).

Sau Pháp, Nhật, sẽ là các nước khác?

Mùa hè này cho đến sang năm có các festival của Nguyên Lê cho khán giả nước ngoài, tôi sẽ đi tour cùng anh. Đây cũng là cơ hội giới thiệu chân dung Tùng Dương. 

Nhưng không phải tôi mong mình thành công, được ghi nhận ở bên đó. Phải nói trước là xâm nhập vào thị trường của họ không đơn giản chút nào. Cách dễ nhất mà buộc phải làm là nhập gia tùy tục, tức là bạn phải sống ở đấy, hiểu rõ văn hóa của họ. Bạn phải trở thành người châu Âu, người Pháp... 

Còn Dương muốn trở thành một nghệ sĩ độc lập của thế giới, mang bản sắc của mình nay đây mai đó chứ không phải của riêng một quốc gia nào, muốn mạng lưới của mình rộng rãi, không chỉ trong kiều bào Việt Nam nữa. Như thế tốt hơn cho chính nghề nghiệp của mình.

Ai giúp Tùng Dương tổ chức các buổi diễn này?

Một nhóm Việt kiều, bác sĩ, cấp tiến trong nghe nhạc, cũng là fan của Nguyên Lê ở Pháp hỗ trợ trong việc tổ chức, bán vé. Riêng Nhật thì có công ty đánh tiếng mời mình, có tài trợ nhưng ít. Thôi cứ có điều kiện biểu diễn giới thiệu chân dung âm nhạc của mình là mừng rồi. 

Các chương trình khác ở nước ngoài, không bao giờ Dương dám hát nhạc của mình mấy, toàn hát nhạc xưa là chính. Nên tôi không đặt nặng cát-xê với những buổi diễn này, quảng bá Độc đạo là vấn đề quan trọng. Nhân dịp này, tôi muốn kiều bào biết rõ hơn chân dung âm nhạc Tùng Dương.

Nhiều lần diễn cho khán giả Việt ở nước ngoài, Tùng Dương có thấy rằng họ chỉ thích nhạc xưa?

Không hẳn như vậy. Họ đi từ rất lâu, mang theo âm nhạc thời điểm của họ. Các bạn trẻ sau này cập nhật hơn. Đấy cũng chính là cơ hội để Tùng Dương cho khán giả thấy âm nhạc của mình cũng rất đa sắc. 

Nhạc xưa có giá trị nhất định thì mới được yêu thích lâu như thế. Khán giả Pháp giống khán giả Mỹ, đều thích nhạc xưa. Lần này, Dương cũng tự thấy mình dũng cảm, nhưng cũng phải thực hiện thôi, không thể làm chương trình giống các mô hình trước đây được. Nhưng chương trình này nếu phần sau khán giả yêu cầu hát nhạc xưa thì mình vẫn cứ phải đáp ứng.

Như vậy là vẫn có một lớp khán giả ở hải ngoại yêu mến Tùng Dương đúng như những gì là anh ấy?

Có. Vẫn muốn Tùng Dương lên đồng. Diễn ở Pháp năm rồi, hát Hoa sữa có khán giả lớn tuổi nói giọng Sài Gòn: “Trời, anh hát bài này hay quá, nổi da gà! Mà hoa sữa là hoa gì vậy anh?!”. Nghĩa là có những người đi rất lâu rồi, không biết vẻ đẹp hoặc văn hóa của Hà Nội, thậm chí chưa đi Hà Nội bao giờ cả. Có thể họ chưa nghe Hoa sữa bao giờ, nhưng đã thích khi Tùng Dương hát.

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trong một bài báo đã tỏ ra hụt hẫng khi thấy Tùng Dương phải đích thân bán đĩa sau buổi diễn ở Mỹ. Nhưng hình như đây cũng là việc bình thường với ca sĩ ta khi diễn ở nước ngoài?

Thanh Lam, Hà Trần… cũng “cong lưng” bán. Trợ lý đứng không bao giờ bán được. Ca sĩ phải bán, ký, thu tiền. Bên Mỹ là như vậy. Họ thích nghệ sĩ không có khoảng cách, gần gũi. Đó cũng là cái đáng yêu của khán giả. Thường họ chỉ xem mình qua TV, lần đầu gặp ngoài đời, họ có thể vỗ vào người mình: “Ôi giồi ôi, ở ngoài đẹp trai quá!”. Kiểu thế.

Lần đầu đứng bán đĩa, Dương có thấy ngượng?

Thực ra, mới đầu cũng ngượng. Nhưng Dương không nghĩ nó lại hiệu quả như vậy. Bạn bè, đồng nghiệp cứ trêu muốn bán được đĩa phải ra chào, gần gũi với mọi người… Dù sao thì việc mua đĩa cũng xuất phát từ tình cảm của bà con thôi, nếu mình hát thực sự hay đêm ấy, kiểu gì họ cũng ủng hộ mình.

Đôi khi khán giả quá khích còn có các cách bày tỏ cảm xúc khác. Tùng Dương có khi nào gặp phải hoàn cảnh khó xử?

Chưa đến mức thế… Chỉ có những hoàn cảnh mình cảm thấy rất thương. Họ nói: “Chú 30 năm rồi chưa về Việt Nam và bây giờ vẫn chưa có đủ tiền để về”. Và họ cứ cầm cái đĩa lên rồi đặt xuống. Cuối cùng, mình tặng họ. Những người lao động ở chợ bên đấy khổ lắm chứ. Ngược lại, cũng có những khán giả đeo túi hàng hiệu nhưng cũng nâng nên đặt xuống và: “Ôi, tặng chị đĩa này nhé!”.

Xong mình ký vào, rồi đi. Cười trừ thôi chứ làm thế nào, chả lẽ kêu “ôi, chị ơi trả tiền” à. Con người muôn màu muôn vẻ, họ có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau. Mình quan sát để có sự đồng cảm với những thân phận sống ở nước ngoài. Khán giả ở nước ngoài sống đúng với bản chất, không cầu kỳ. Quan trọng, họ lắng nghe mình. Họ dành cho nghệ sĩ sự ủng hộ rất lớn. 

Tùng Dương: “Ở Đức, khi Dương hát bài Mưa bay tháp cổ cứ có một bác chạy lên: ‘Ới con lạy cô, cô cho con ăn, cô cho con mặc, con lạy cô…’ Mình cứ hát một câu thì bà lại đế một câu như đọc rap cho mình. Mình buồn cười quá mà không cười được”.