‘Túi khôn’ Mỹ hiến kế Ấn Độ đấu Trung Quốc
> Trung Quốc 'phát sốt' vì tên lửa đánh chặn của Ấn Độ
> Ấn Độ bắt 3 nghi phạm cưỡng hiếp du khách Mỹ
TPO - Báo Diplomat của Nhật Bản vừa đăng bài viết của một chuyên gia nghiên cứu trực thuộc “túi khôn” Mỹ nhằm hiến kế cho Ấn Độ dùng chiêu “chống tiếp cận, phong tỏa khu vực” để đối phó với Trung Quốc.
Chống tiếp cận - Dĩ độc trị độc
Sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony tới Australia, hôm qua 6-6, tờ Thời báo Ấn Độ đã đăng tải bài viết với tựa đề rất thẳng: Ấn Độ - Australia tăng cường quan hệ phòng thủ kiềm chế Trung Quốc. Tờ Thời báo Kinh tế của Ấn Độ cũng cho biết, mặc dù cả hai nước Ấn Độ và Australia đều hết sức cảnh giác trước sự lớn mạnh của lực lượng quân sự Trung Quốc và sự đưa quân rầm rộ vào Ấn Độ Dương, nhưng họ đều phản đối bất kỳ cấu trúc hay trục chiến lược đa phương nào ở Châu Á-Thái Bình Dương được coi như một động thái “kiềm chế” Trung Quốc. Do tham vọng ở biển Đông ngày càng lớn, Trung Quốc cũng sẽ sa lầy vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ ngày một leo thang với các nước láng giềng.
Đài truyền hình New Dehli đưa tin, vài năm gần đây Trung Quốc liên tiếp sử dụng tàu chiến và máy bay để “dọa dẫm” các nước láng giềng – trong đó có Nhật Bản. Bắc Kinh còn tăng cường lực lượng trên biển ở Ấn Độ Dương, bao gồm tàu ngầm và tàu chiến. Tờ Thời báo Hindustan còn tiết lộ, Bắc Kinh đang cố gắng gia tăng độ ảnh hưởng “hình vòng cung” ở khu vực Ấn Độ Dương. Một văn kiện mật của Bộ quốc phòng Ấn Độ cho thấy, họ cảm thấy rất lo ngại vì ngày càng có nhiều tàu ngầm Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương.
Năm 2012, ít nhất có 22 vụ bị nghi là tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển này. Trung Quốc luôn nhìn mối quan hệ chiến lược mà Ấn Độ đang thiết lập và tăng cường với các nước thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bằng ánh mắt nghi ngờ, trước đó Bắc Kinh đã tỏ ra rất quan tâm trước việc Ấn Độ lôi kéo Australia tham gia cuộc tập trận song phương với Mỹ. Do lo ngại trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng gửi gắm nhiều hy vọng vào Ấn Độ - quốc gia có thể đóng vai tạo thế cân bằng ở khu vực.
Ấn Độ luôn tỏ ra cảnh giác cao độ trước việc hải quân Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương. Cho dù là mở rộng lực lượng tàu chiến hải quân hay xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo phía Đông, lý do quan trọng nhất là “đề phòng hải quân Trung Quốc”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, những biện pháp này vẫn chưa đủ để ngăn cản bước tiến của PLA. Hôm qua 6-6, trang tin Foreign diploma của Nhật Bản đã đăng tải bài phân tích của Evan Braden Montgomery - chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm chiến lược think tank và dự báo đánh giá của Mỹ cho rằng chắc chắn Trung Quốc sẽ lật đổ thế cân bằng ở khu vực Ấn Độ Dương, và hải quân Ấn Độ sẽ vấp phải sự khó khăn về ngân sách và kỹ thuật trong quá trình phát triển. Ông Montgomery gợi ý Ấn Độ nên dùng chiến lược “chống tiếp cận (anti-access) và phong tỏa khu vực (area denial) của Trung Quốc để đối phó với chính Trung Quốc.
Bài viết có tựa đề 'Quân bài chống tiếp cận của Ấn Độ' đã phân tích sự đối đầu giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên Ấn Độ Dương là không thể tránh khỏi. Do ngày càng có hứng thú với Ấn Độ Dương nên Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển hạm đội hải quân với quy mô lớn hơn, sức mạnh mạnh hơn ở vùng biển này. Do nhu cầu xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên, Trung Quốc rất cần ngăn cản mọi sự gây rối đối với tuyến đường thương mại của họ, đồng thời quốc gia này cũng luôn tỏ thái độ nghi ngờ về việc phải dựa vào các quốc gia khác bảo vệ tuyến đường thương mại ở nước ngoài của họ.
Nghiên cứu cho thấy, Trung Quốc đang thông qua biện pháp phát triển tàu chiến mặt nước và hạm đội tàu ngầm cũng như xây dựng cảng thương mại nước sâu cho khu vực duyên hải và các quốc đảo để từng bước giảm bớt sức ép cho eo biển Malacca. Hải quân Ấn Độ - lực lượng có đủ khả năng đe dọa hoạt động thương mại trên biển của Trung Quốc sẽ kích thích Trung Quốc phát triển cái gọi là “chính sách chuỗi ngọc trai”, và việc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự ở Ấn Độ Dương thì được coi là bước tiền trạm cho hoạt động bao vây Ấn Độ, chính vì thế mâu thuẫn giữa hai quốc gia sẽ ngày càng khó xóa bỏ.
Điều khiến Ấn Độ lo ngại hơn là so với sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc, hải quân Ấn Độ đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn khá nghiêm trọng như các tàu chiến cũ một loạt “nghỉ hưu”, công tác chế tạo tàu chiến loại mới gặp khó khăn. Như với lực lượng dưới nước mà Ấn Độ lo ngại nhất, hải quân Ấn Độ hiện có hơn 10 tàu ngầm thường quy, đến năm 2015 ít nhất sẽ giảm đi một nửa, trong khi đó kế hoạch chế tạo tàu ngầm thường quy kiểu mới lại bị đình trệ nhiều năm.
Tờ Diplomat phân tích sự nỗ lực xây dựng cường quốc trên biển của Ấn Độ đang vấp phải trở ngại lớn, bao gồm đầu tư nguồn ngân sách khổng lồ và khắc phục những khó khăn về công nghệ. “Biện pháp để tiết kiệm tiền là học theo chiến lược chống tiếp cận và phong tỏa khu vực của Trung Quốc”. Tác giả bài viết cho rằng, trong các cuộc xung đột ngầm giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương, Ấn Độ sẽ chiếm ưu thế “địa lợi”, còn Trung Quốc sẽ phải đối mặt với khó khăn đường sá xa xôi trở ngại, chính vì thế Ấn Độ phát triển “chiến lược chống tiếp cận” là điều rất khả thi.
Dùng địa lợi, khống chế 'cuống họng' hàng hải
Bài viết cho rằng, yếu tố then chốt quan trọng nhất trong cái địa lợi của Ấn Độ là các hòn đảo ở hai cánh trên biển của Ấn Độ, bao gồm quần đảo Lakshadweep ở bờ biển phía Tây Nam và quần đảo Andaman - Nicobar phía Đông Nam. Những hòn đảo này đều chĩa được mũi nhọn về phía tuyến đường giao thống trên Ấn Độ Dương, giúp New Dehli có điểm tựa vững chắc ở biển Arab và vịnh Bengal. Trên thực tế, Ấn Độ đã bắt đầu tăng cường lực lượng quân sự trên các hòn đảo có ý nghĩa chiến lược này.
Năm 2001, Ấn Độ xây dựng Bộ tư lệnh liên hợp ba quân chủng ở quần đảo Andaman – Nicobar đồng thời khởi động nhiều cơ sở cảng biển và trạm hàng không hải quân ở các hòn đảo nói trên, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trước đó, tờ Thời báo Ấn Độ tiết lộ, quốc gia này đã bố trí lực lượng đột kích thủy quân lục chiến, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái trên các hòn đảo này. Ngày 1405, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cũng cho biết sẽ xây dựng căn cứ quân sự và trạm hàng không hải quân ở quần đảo Lakshadweep và quần đảo Andaman – Nicobar.
Bài viết phân tích thêm một bước rằng, Ấn Độ có thể tiếp tục tăng cường lực lượng quân sự cho các hòn đảo này để củng cố xu thế chiến lược của quân đội Ấn Độ tại Ấn Độ Dương, lợi dụng sự lệ thuộc của Trung Quốc vào tuyến đường hàng hải trên Ấn Độ Dương để làm suy yếu sức mạnh của PLA tại khu vực này.
New Dehli không những coi những hòn đảo này là trung khu giám sát hành động hoặc căn cứ tác chiến thủy quân lục chiến, mà còn có thể coi chúng là trung tâm phong tỏa khu vực, đặc biệt là quần đảo Andaman – Nicobar. Quần đảo này cách eo biển Malaca không xa, tựa như “miệng cống” thiên nhiên kẹp chặt eo biển, kiểm soát con đường hàng không và đường biển chiến lược giữa châu Á- Thái Bình Dương, châu Âu và khu vực Đại Tây Dương.
Tờ Diplomat cho rằng, lấy những quần đảo này làm căn cứ địa, dưới sự hỗ trợ của máy bay tác chiến, tàu ngầm và tên lửa hành trình chống tàu, Ấn Độ có thể kiểm soát tàu chiến Trung Quốc ra vào biển Đông, cắt đứt mối liên hệ giữa tàu chiến và hậu phương chi viện của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương hoặc buộc tàu thuyền Trung Quốc chỉ có thể vòng qua “khu vực phong tỏa”, lựa chọn tuyến đường phía Nam, điều này rõ ràng sẽ phải mất rất nhiều thời gian và đội chi phí lên cao.
Ngoài ra, một “Túi khôn” khác của Mỹ là công ty Rand cũng đưa ra báo cáo và cho rằng, nếu quân đội Mỹ muốn tấn công Trung Quốc thì Port Blair - thủ phủ của quần đảo Andaman và Nicobar sẽ là địa điểm lý tưởng cho căn cứ quân sự máy bay không người lái của Mỹ. Nếu quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ xấu đi, Mỹ không những có được trợ thủ kiềm chế Trung Quốc, mà khi xảy ra chiến tranh còn có thể lợi dụng các căn cứ quân sự mà Ấn Độ đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng, rõ ràng là một mũi tên trúng hai đích.
Huy Long (tổng hợp)