Đô đốc Karl Schultz, chỉ huy lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG), cho biết quan hệ hợp tác giữa hai lực lượng trong việc kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã bị ngưng trệ trong hơn 1 năm qua.
“Chúng tôi có biên bản ghi nhớ về shiprider với Trung Quốc trong những năm qua. Chúng tôi đang đàm phán biên bản ghi nhớ đó”, ông Schultz cho biết trong cuộc họp báo qua điện thoại tuần trước.
Theo thoả thuận shiprider với Mỹ, lực lượng công vụ của một quốc gia có thể lên các tàu tuần duyên Mỹ để đi tuần tra và ngược lại. Chính quyền của một nước có thể cho phép tuần duyên Mỹ hành động đại diện cho họ.
Trong hơn 20 năm qua đã có 109 sĩ quan thuộc lực lượng Hải cảnh Trung Quốc tham gia hoạt động shiprider với Mỹ, hỗ trợ tịch thu 21 tàu đánh bắt trái phép ở khu vực phía bắc Thái Bình Dương, ông Zhao Jian, phó trưởng ban văn phòng hợp tác quốc tế của Hải cảnh Trung Quốc, phát biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN năm 2018 tại Brisbane.
Nhưng khi quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, tuần duyên Mỹ từ năm ngoái đã loại Hải cảnh Trung Quốc vì cáo buộc lực lượng này là “thủ phạm chính trong IUU toàn cầu vì họ có hạm đội đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, ước tính gần 17.000 chiếc”.
Từ năm 2019, Mỹ đã điều các tàu tuần duyên đến Biển Đông để đối phó với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc.
Tuần duyên Mỹ hoạt động dưới quyền của Bộ An ninh nội địa Mỹ, nhưng cũng có thể được huy động để hỗ trợ Bộ Quốc phòng. Đây được coi là “lực lượng quan trọng trong những lựa chọn chính sách cho Biển Đông với các chính quyền Mỹ sau này”, Yan Yan, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Luật và chính sách đại dương thuộc Viện nghiên cứu biển Hoa Nam, viết trong bài báo đăng gần đây.
Ông Schultz nói rằng các tàu và lực lượng dân quần Trung Quốc đang “rượt đuổi các ngư dân trong khu vực ở không gian tranh chấp và hành động đó không phù hợp với cách mà những lực lượng tuần duyên giỏi nhất thế giới nên làm”.
Mỹ vừa đưa 3 tàu tuần tra phản ứng nhanh đến thường trực ở đảo Guam. Ngoài vấn đề đối phó với IUU, ông Schultz nói rằng các tùa này sẽ “bảo vệ Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, và thực sự giúp đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia ở vùng Micronesia”.
Các tàu này có thể hoạt động trên biển trong 5 ngày liên tục. Việc triển khai nhóm tàu này diễn ra khi tuần tuyên Mỹ đang mở rộng dấu chân ở châu Đại dương, nơi Mỹ vẫn có thuộc địa như quân đảo Bắc Mariana và cả các đảo quốc phụ thuộc như Vanuatu và Kiribati. Washington đã có thoả thuận shiprider với 11 đảo quốc Thái Bình Dương để đối phó với IUU.
Khu vực này có nhiều tuyến thông tin liên lạc kết nối Mỹ với Thái Bình Dương và là nơi Mỹ và các đồng minh như Úc đang quyết liệt cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Schultz bác bỏ khả năng đưa 3 tàu tuần tra và máy bay C-130 Hercules hiện ở Hawaii đến Biển Đông và Hoa Đông trong tương lai gần.
Ông Schultz cho biết tuần duyên Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác ASEAN. Ông nhấn mạnh việc Mỹ đã tặng 2 tàu tuần tra cao tốc cho Việt Nam gần đây.
Ông cũng nhấn mạnh việc tuần duyên Mỹ đang hỗ trợ lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tăng cường lực lượng từ 5.000 lên khoảng 15.000 người trong thập kỷ qua.
Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng tuần duyên Mỹ có thể làm nên khác biệt ở Biển Đông thông qua các hoạt động tự do hàng hải, dưới sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng Mỹ. Vì các tàu vũ trạng hạng nhẹ của tuần duyên Mỹ được coi là “ít hung hăng hơn” tàu chiến vũ trang hàng nặng, ông Storey đồng ý rằng tuần duyên Mỹ đang đóng vai trò ở giữa “sát thương và ngoại giao”.