Tự xử

TP - Cũng có những ý kiến phê phán người dân tự tiện chặn xe khám xét, trèo tường vượt cổng, mang cả máy xúc vào khuôn viên công ty để đào bới tìm tang chứng vụ chôn hoá chất ở Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá). Bởi cứ theo tiền lệ ấy thì “có mà loạn”.

> Chôn hàng tấn thuốc trừ sâu, đầu độc người dân
> Sống chung với kho thuốc sâu

Tuy nhiên đa số dư luận lại có vẻ đồng tình cổ vũ việc làm quyết liệt của người dân tự ra tay bảo vệ an toàn sức khoẻ và cả mạng sống của mình. Khi chính quyền địa phương trước đó tỏ ra thờ ơ với phản ánh của họ.

Ngày càng diễn ra nhiều cảnh tượng như vậy. Đã quá quen với việc người dân nhiều nơi đặt chướng ngại vật, rào đường để chặn xe chở đất gây bụi bặm, ô nhiễm, nát đường sá. Nghi một doanh nghiệp khai thác titan gây ô nhiễm, người dân Bình Sơn (Quảng Ngãi) xô vào đập phá, khiến hàng chục cảnh sát bị thương.

Trạm xử lý nước thải Thọ Quang (Đà Nẵng) từng bị người dân xung quanh đập phá, đánh bị thương công nhân vì không chịu nổi mùi hôi thối suốt thời gian dài. Chính quyền có biết và đã thụ lý đơn thư của người dân trong vụ tranh chấp bãi nuôi ngao hay chưa, để đến nỗi người dân hai xã ở Quảng Xương (Thanh Hoá) lao vào nhau hỗn chiến giữa ban ngày khiến cả chục người chết và bị thương?...

Bây giờ hễ người thân chết người là lao vào đập phá bệnh viện, bắt đền bác sĩ. Vác quan tài lên chốn công đường hoặc diễu phố kêu oan. Rồi chặn phá doanh nghiệp, tự xài “luật rừng” với nhau trong những mâu thuẫn, tranh chấp hàng ngày. Oái oăm là nhiều khi lối “tự xử” ấy lại…được việc. Bởi chỉ khi thành ra to chuyện, nhà chức trách mới sốt sắng ra tay. Án hình sự, án kỷ luật ban ra nhanh nhảu, thích đáng. Có khi còn được bệnh viện đền bù hàng mấy trăm triệu đồng như trường hợp mẹ con sản phụ tử vong vừa xảy ra ở Vinh, sau khi người nhà đập phá bệnh viện, đuổi đánh bác sĩ. Thế thì bảo sao dân không quen “tự xử” cho được?!

Quyền con người là một trong 10 phát minh làm thay đổi thế giới (cùng với nông nghiệp, phân tâm học, thuyết tương đối, thuyết tiến hoá, mạng thông tin toàn cầu…). Theo đó, “Dù quyền con người có là bẩm sinh vốn có (nguồn gốc tự nhiên) hay phải do các nhà nước quy định (nguồn gốc pháp lý), thì việc thực hiện các quyền vẫn phải có pháp luật”. Khi con người tự cho mình quyền hành xử một cách hoang dã, thì trật tự xã hội đang bị báo động, ý nghĩa và sự nghiêm minh của pháp luật không còn nữa.

Mất mát niềm tin vào pháp luật, người dân sẽ tự ý hành xử thay pháp luật. Lặt vặt như vụ ông trưởng công an xã nọ nhận hối lộ 6 triệu đồng của mấy kẻ trộm chó rồi thả chúng ra, thì dân hễ túm được bọn cẩu tặc liền hè nhau “tự xử” là điều dễ hiểu.

Theo Báo giấy