> Vụ 3 trẻ tử vong: Tủ lạnh mất điện làm ảnh hưởng tới vắc xin?
> Vụ 3 trẻ tử vong: Niêm phong toàn bộ lô vắc xin
TS. Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B vừa xảy ra ở Quảng Trị là sự việc nghiêm trọng.
Ông Bình thừa nhận: “Chưa bao giờ Việt Nam xảy ra sự việc tương tự như ở Quảng Trị vừa qua, Nghệ An từng có chùm ca bệnh 3 trẻ cùng huyện, nhưng khác xã. Đây là 3 trẻ cùng lúc, cùng nơi. Bộ Y tế đã cử các chuyên gia đến từ Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia vào địa phương đồng thời có sự tham gia của các viện thuộc khu vực để tìm nguyên nhân gây tử vong các cháu”.
TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư cho biết: Bệnh viện đã tạm ngừng tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện cho biết vẫn thực hiện tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sau sinh. Ban Giám đốc bệnh viện đã tăng cường việc đảm bảo đúng quy trình và luôn có bộ chống sốc bên cạnh đề phòng nếu sốc phản vệ thì xử trí kịp thời. Hiện mỗi ngày Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiêm vắc xin viêm gan B cho khoảng 120 trẻ mới chào đời.
Về thông tin tủ lạnh đựng những lọ vắc xin tiêm cho 3 cháu bé tử vong bị mất điện trong vòng hơn 2 tiếng, ông Bình cho biết: “Ở mức độ nào đấy, việc bảo quản vắc xin theo những quy định tương đối ngặt nghèo. Tuy nhiên vắc xin cũng có những giới hạn. Trong điều kiện nhiệt độ trong tủ lạnh mất điện, nhiệt độ đột ngột lên cao ngay mà tủ vẫn còn đá thì có thể duy trì được một thời gian. Với thời gian ngắn như thế vắc xin có thể vẫn đảm bảo chất lượng(?!)”.
Việc cháu bé tử vong sau khi tiêm vắc xin tại Bình Thuận, Cục Y tế dự phòng đã có công văn yêu cầu địa phương lập hội đồng tư vấn chuyên môn để đưa ra kết luận. Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế Bình Thuận khẩn trương thu thập bằng chứng, điều tra nguyên nhân và sớm đưa ra kết luận.
TS Nguyễn Văn Bình cho biết thêm, Bộ Y tế đã tính đến phương án chỉ những bà mẹ nào dương tính với viêm gan B thì mới tiêm cho con ngay sau khi chào đời. Tuy nhiên, xét nghiệm tìm virus viêm gan B ở thai phụ rất tốn tiền trong khi mỗi năm có tới 1,5 triệu phụ nữ sinh con nên đội chi phí xét nghiệm lên rất cao, ngân sách nhà nước không đáp ứng được. Thêm nữa trên thế giới cũng không quốc gia nào áp dụng cách làm này mà thường thực hiện theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới là tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh. Nhưng với sự cố 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B vừa qua lãnh đạo Bộ sẽ chỉ đạo hội đồng chuyên môn sử dụng vắc xin họp và cân nhắc việc tiêm như thế nào cho hợp lý. Đơn cử mẹ không mắc viêm gan B, trẻ có thể tiêm chậm từ 2-3 tháng sau khi sinh.