Từ việc Coca Cola bị truy thu 821 tỷ đồng thuế: Tiếp tục truy tìm DN vi phạm

TP - Từ vụ việc Tổng cục Thuế ban hành quyết định xử phạt hành chính về thuế với Cty Coca Cola Việt Nam lên tới hơn 821 tỷ đồng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần tiếp tục mạnh tay, truy tìm doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Nên công khai các dấu hiệu chuyển giá

Câu chuyện doanh nghiệp (DN) FDI tại Việt Nam dính nghi án chuyển giá đã được nhắc đến từ lâu. Hàng loạt các dấu hiệu như DN kê khai lỗ lũy kế trong nhiều năm liên tiếp nhưng vẫn mở rộng sản xuất được nêu ra. Tuy nhiên, cơ quan chức năng gần như chưa “điểm mặt chỉ tên” DN cụ thể vì thiếu chứng cứ rõ ràng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trốn thuế, chuyển giá là một trong những thủ đoạn phổ biến của một số “ông lớn” FDI. Tuy nhiên, để tìm ra và có đủ bằng chứng DN FDI chuyển giá rất khó khăn. Để phát hiện ra việc DN trốn thuế, cơ quan chức năng của Việt Nam phải hợp tác quốc tế với cơ quan chức năng của các nước có trụ sở của DN FDI. Ông Doanh dẫn ví dụ, để xác định hành vi chuyển giá của Coca Cola, ngành thuế phải phối hợp với cơ quan quản lý của Coca Cola ở các nước và xác định giá thành nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và giá bán sản phẩm. Trên cơ sở này, cơ quan thuế Việt Nam mới có thể tìm ra bằng chứng việc DN trốn thuế, chuyển giá.

“Nếu có sự quyết liệt hợp tác của cơ quan quản lý thuế của Việt Nam với các nước, chúng ta có thể tìm ra được nhiều trường hợp khác nữa. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên công khai DN FDI lớn có dấu hiệu chuyển giá như báo lỗ liên tiếp nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất”.

                        Chuyên gia kinh tế Lê Ðăng Doanh

“Tôi hoan nghênh việc cơ quan chức năng phát hiện và truy thu thuế của Coca cola và mong tiếp tục phát hiện, xử lý các DN FDI khác trốn thuế, chuyển giá. Từ đó tạo ra sự công bằng, cạnh tranh bình đẳng giữa các Cty trong và ngoài nước. Tôi cho rằng, nếu có sự quyết liệt hợp tác của cơ quan quản lý thuế của Việt Nam với các nước, chúng ta có thể tìm ra được nhiều trường hợp khác nữa. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên công khai DN FDI lớn có dấu hiệu chuyển giá như báo lỗ liên tiếp nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất”, ông Doanh kiến nghị.

Cùng quan điểm, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, DN chuyển giá có nhiều hình thức như thành lập Cty mẹ - Cty con, hoặc ngay cả chuyển giá từ vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngành thuế có đơn vị chuyên theo dõi lĩnh vực chuyển giá và có đủ văn bản pháp luật để xử lý việc này. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cán bộ thực thi cần có đủ năng lực để tìm tư liệu chứng minh được việc DN FDI chuyển giá.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright đánh giá, hoạt động của DN  FDI, Cty đa quốc gia cực kỳ tinh vi. Doanh nghiệp FDI tuyển dụng những người xuất sắc, trả lương cao với nhiệm vụ giúp Cty nghĩ cách tối ưu hoá nghĩa vụ thuế. Thậm chí, DN FDI còn thuê luật sư giỏi của nước sở tại để tìm các kẽ hở của luật. Điều này khiến luật pháp dù chặt chẽ nhưng khó bao quát hết. Trong khi đó, năng lực, kỹ năng của cán bộ quản lý thuế và cán bộ chống chuyển giá còn hạn chế.

Ông Tuấn kiến nghị, cơ quan thuế của Việt Nam tuyển dụng nhân sự xuất sắc nhằm phát hiện ra hành vi chuyển giá. Việc chống chuyển giá rất phức tạp, đòi hỏi người có chuyên môn, năng lực và dành toàn tâm toàn lực cho hoạt động chống chuyển giá. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên trách về chống chuyển giá cần được trao thêm thẩm quyền, đi kèm với trách nhiệm giải trình.

 “Nếu không trao đủ thẩm quyền, cơ quan chuyên trách sẽ không thể ứng phó với tình trạng chuyển giá diễn ra tinh vi, phức tạp ở các doanh nghiệp”, ông Tuấn kiến nghị.

Thay đổi chiến lược thu hút FDI

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, nguồn lực của Việt Nam hạn chế, trình độ sử dụng công nghệ còn rất thấp. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại nên FDI vẫn giữ vị trí quan trọng, là một trong những “kênh” giúp Việt Nam tiếp nhận công nghệ mới. Tuy nhiên, chiến lược thu hút FDI phải thay đổi theo hướng thu hút nguồn vốn có chất lượng chứ không chỉ thu hút số lượng. Một trong những định hướng thu hút FDI thế hệ mới đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết 50 về vấn đề này.

“Cần có chế độ ưu đãi cho DN FDI riêng biệt tùy theo đặc điểm từng ngành nghề, từng lĩnh vực, từng địa phương, chứ không ưu đãi đại trà bằng thuế, đất đai như chính sách trước đây. Ngoài ra, đối với những lĩnh vực mà nguồn lực trong nước và tư nhân làm được để nguồn lực trong nước làm”, ông Long kiến nghị.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh DN tư nhân trong nước chưa thể vươn lên, Việt Nam vẫn rất cần sự đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc khuyến khích đầu tư FDI không được quá chênh lệch và bất bình đẳng với DN tư nhân trong nước như trước đây.