Tư duy cũ trong đề án đổi mới

TP - Ngoài lý do khiến dư luận xôn xao bởi “khái toán” 34 nghìn tỷ đồng, dự thảo đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) còn khiến nhiều chuyên gia giáo dục và các giáo viên thất vọng khi nó thể hiện tư duy lạc hậu chẳng khác mấy với chương trình SGK hiện hành.

Vẫn tư duy cũ

Theo thầy Nguyễn Hữu Quyền, nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT Nghệ An, ngoài con số 34 nghìn tỷ đồng gây sốc (do thiếu cơ sở chi tiêu, lộ trình thực hiện, tính minh bạch…) thì cách tiêu tiền cho dự thảo đề án đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 không khác mấy với tư duy triển khai chương trình SGK hiện hành.

Chỉ một chi tiết rất nhỏ cho thấy tư duy cũ kỹ của những người soạn thảo đề án đổi mới: Bộ vẫn tiếp tục viết sách giáo viên, một loại sách hướng dẫn các thầy cô dạy học, một loại tài liệu có tính chất như văn mẫu và đi ngược lại mục tiêu dạy để phát triển năng lực người học.

“Hồi đó, tôi phải tham dự các khâu đọc góp ý, dạy thí điểm, tập huấn dạy đại trà… suốt 3 năm, hết Đồ Sơn, Hải Dương rồi Hà Nội, phải ký bao nhiêu giấy nhận tiền chỉ có mục chi mà không có số tiền cụ thể, thời gian tập huấn bao giờ cũng bị ăn bớt so với kế hoạch”.

Cô Hải Hạnh, nguyên giáo viên THPT tại TP Hồ Chí Minh

“Rồi sẽ có những cuộc tập huấn hoành tráng. Bộ sẽ cung cấp các “đường quyền” cho mạng lưới cốt cán, sở xuống phòng, phòng xuống trường… Và thầy cũng truyền dạy trò bằng cách tư duy đó. Các nội dung tập huấn cứ thế bị khúc xạ dần, khi đến được với nhân vật trung tâm là thầy và trò thì đã bị biến tướng cả về nội dung truyền đạt và…tiền.

“Có thể nói, người trực tiếp đứng lớp và học trò sẽ là đối tượng được nhận ít nhất những gì công cuộc đổi mới giáo dục đích thực yêu cầu”, thầy Quyền nói.

Cô Hải Hạnh, nguyên giáo viên một trường THPT ở TP Hồ Chí Minh nhận xét: “Xem nội dung họp báo trên TV tôi thấy Bộ đang lặp lại quy trình cải cách năm 2002. Hồi đó, tôi phải tham dự các khâu đọc góp ý, dạy thí điểm, tập huấn dạy đại trà… suốt 3 năm, hết Đồ Sơn, Hải Dương rồi Hà Nội, phải ký bao nhiêu giấy nhận tiền chỉ có mục chi mà không có số tiền cụ thể, thời gian tập huấn bao giờ cũng bị ăn bớt so với kế hoạch”.

Chỉ nên đổi mới SGK các môn xã hội

Trao đổi Tiền Phong, nhiều người cho rằng, ngành GD&ĐT đang đổi mới ngược. Bộ GD&ĐT xây dựng đề án đổi chương trình SGK trong khi chưa thiết kế mô hình hệ thống giáo dục quốc dân. TS Kinh tế Lương Hoài Nam nói: “Việc xác định mô hình giáo dục là một vấn đề cốt lõi mà Bộ GD&ĐT cần phải tiến hành trước khi bắt tay vào đổi mới chương trình”.

Mô hình giáo dục ở đây là kết cấu các bậc học, kết cấu chương trình khung, các môn học bắt buộc, các môn tự chọn, SGK, sách tham khảo, cách thi cử, đánh giá, phân luồng học sinh…TS Lương Hoài Nam còn kiến nghị, Việt Nam nên lựa chọn học tập mô hình giáo dục của Anh, một mô hình hiện được xem là tốt nhất thế giới.

Còn PGS TS Nguyễn Thiệu Huy, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói: “Vấn đề của chúng ta là chưa xác định xong phương châm (hay còn gọi là triết lý, nguyên lý, nguyên tắc…) giáo dục.

Dù là phương châm gì đi nữa thì việc soạn sách giáo khoa nên để cho các nhóm chuyên gia tâm huyết trong xã hội biên soạn nhiều bộ SGK khác nhau phù hợp với khung chương trình đã nói ở trên theo một cơ chế cạnh tranh lành mạnh”.

Còn GS Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề trong điều kiện nguồn lực tài chính eo hẹp hiện nay, Bộ GD&ĐT cần đánh giá cụ thể xem có nên đặt vấn đề biên soạn lại toàn bộ chương trình, SGK các môn học, các cấp học không.

“Theo tôi, khối tiểu học tương đối ổn, chỉ cần sửa chữa ít. Đối với các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ thì nên áp dụng chương trình, SGK các nước tiên tiến, chỉ tập trung biên soạn chương trình, SGK các môn khoa học xã hội vì không thể nhờ nước nào biên soạn hộ mình chương trình, SGK văn học, ngôn ngữ, lịch sử, địa lý Việt Nam. Như vậy vừa giảm được thời gian thử nghiệm vừa giảm được ít nhất 2/3 chi phí”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.