Từ điển chính tả sai chính tả: Thu hồi rồi sao nữa?

TP - Từ điển chính tả tiếng Việt sai chính tả không còn lạ nữa. Nửa năm nay có ba cuốn sách bị phát hiện sai sót đến mức phải dừng phát hành, thu hồi, trong đó mới nhất là Từ điển chính tả tiếng Việt do GS.TS. Nguyễn Văn Khang biên soạn.

Từ điển chính tả lại sai chính tả do GS.TS. Nguyễn Văn Khang chủ biên

CHOÁNG VÁNG

Sau Từ điển chính tả tiếng Việt do PGS.TS. Hà Quang Năng chủ biên bị thu hồi, tiêu hủy hồi tháng 6, nay lãnh đạo NXB Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục dừng phát hành để thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt do GS.TS. Nguyễn Văn Khang biên soạn. Hiện GS. Khang là Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc- Tổng Biên tập NXB nói cho dừng phát hành cuốn từ điển nêu trên để tiến hành các bước tiếp theo như thẩm định, đề xuất phương án xử lý.

Nhà phê bình Hoàng Tuấn Công lại lập công phát hiện sai sót của cuốn sách. Ông tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức phân tích phải quấy. Theo đó, Từ điển chính tả tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 2018, 806 trang, khổ 10.5 x 18cm; đơn vị liên kết: Công ty TNHH Văn hoá Minh Tân - sách Minh Thắng) có nhiều sai sót ở nhiều mặt: sai chính tả do lẫn lộn ch với tr, s với x; d với r; gi với d; l với n; iu với ưu; dấu hỏi (?) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt...Nhiều mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng chính tả không chuẩn và nhiều lỗi văn bản khác.

GS.TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn viết các thành ngữ tục ngữ thiếu chính xác, chẳng hạn “nghe: nghe gà hoá cuốc”. Ông Hoàng Tuấn Công chỉ ra, chỉ có “nhìn/trông gà hoá cuốc”, không có “nghe gà hoá cuốc” (tiếng gà và tiếng cuốc hoàn toàn khác nhau, nên không có cơ sở để ví sự nhầm lẫn). Sai chính tả do phát âm sai và không hiểu nghĩa của từ ngữ, yếu tố Hán Việt: “trí: đắc trí. - không viết: chí”. Ông Hoàng Tuấn Công phản biện: “viết “chí” mới đúng, vì “chí” ở đây là chí nguyện, chí hướng. Hán ngữ đại từ điển: “đắc chí: 1. nói thực hiện được chí hướng và nguyện vọng; 2. chỉ danh lợi, khát vọng được thoả mãn”.

Tác giả Từ điển chính tả tiếng Việt còn mắc lỗi chỉ dẫn tiền hậu bất nhất. Cụ thể, GS. TS. Nguyễn Văn Khang có chỉ dẫn, lưu ý cụ thể cho từng mục từ, nhằm giúp cho người sử dụng tránh được lỗi chính tả ở những dạng viết hay bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, ngoài chỉ dẫn sai, tác giả còn chỉ dẫn theo kiểu tiền hậu bất nhất: mục từ này, chỉ dẫn không viết A, nhưng đến mục khác, lại hướng dẫn viết A. Ví dụ: “chóc: chim chóc, giết chóc - không viết: tróc”. Đến mục “giết” lại hướng dẫn cả hai dạng: giết chóc, giết tróc”.

LỖ HỔNG

“Hàng loạt sai sót lớn trong các loại từ điển tiếng Việt cho thấy trình độ hạn chế, cẩu thả của người biên soạn, sự tắc trách của các nhà xuất bản và đơn vị liên kết xuất bản. Từ điển chính tả mắc hàng trăm lỗi chính tả và lỗi văn bản, mà sách vẫn được cấp phép xuất bản và lưu hành cho thấy hầu như biên tập chỉ là một khâu được đặt ra cho lấy có”, nhà phê bình Hoàng Tuấn Công nêu.

Ông cho rằng, cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt của GS. TS. Nguyễn Văn Khang đã qua tay biên tập của hai nhà xuất bản, lần sau cách lần trước 15 năm mà sai vẫn hoàn sai, đã chứng minh điều đó. Thực tế, nhiều sai sót trong cuốn từ điển này lặp lại gần như nguyên xi ở cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt phổ thông (Nguyễn Văn Khang-NXB Khoa học Xã hội-2003).

Bị chỉ rõ và phân tích các sai sót trong cuốn sách, tuy thế trong phần trao đổi lại với NXB, GS.TS. Nguyễn Văn Khang vẫn bảo vệ quan điểm cuốn từ điển của ông không có cụm từ “dành cho học sinh” nên một số trường hợp “lưỡng khả, đa khả” được xử lý theo quan điểm của tác giả. TS. Phạm Thị Trâm, Giám đốc NXB Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tác giả đưa ra các cách sử dụng chính tả khác nhau nhưng không lý giải đầy đủ quy luật phát triển của từ vựng, không lý giải chính tả địa phương với chính tả hiện hành và gây ra hiểu sai, dùng sai.

Nhận thấy sai sót phải rút kinh nghiệm, TS. Phạm Thị Trâm cho dừng phát hành và thu hồi cuốn từ điển. Sai tới 160 lỗi không thể đính chính, buộc phải thu hồi tiêu hủy. Thu hồi rồi sao nữa? Giám đốc NXB tiếp thu ý kiến và rút kinh nghiệm. Hơn nữa, để tránh sai sót lặp lại, NXB dừng mọi hoạt động liên kết và xuất bản sách từ điển, xem xét lại các sản phẩm thực tế.

Từ phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết tiếp nhận thông tin nêu trên. Trường hợp từ điển sai chính tả này tương tự như cuốn trước, cần hội đồng khoa học thẩm định trước khi kết luận, xử lý. Cục giao cho cán bộ đọc cuốn từ điển, kiểm tra và rà soát nội dung. Ông Nguyên cho rằng, từ điển thuộc phạm trù khoa học, còn nhiều quan điểm tranh luận. Vì thế, nếu nhận thấy các cuốn sách không phù hợp, Cục sẽ xử lý và không cho phép phát hành nữa.

Lãnh đạo Cục hứa tiếp tục cảnh báo, nhắc nhở và chấn chỉnh chất lượng xuất bản phẩm, trong đó có sách công cụ, từ điển. Cục dự kiến làm việc với một số đơn vị xuất bản thường xuyên xuất bản sách từ điển để rà soát, rút kinh nghiệm.

Một bản điển hình

Cơ quan thẩm định ở đâu?
 “Tôi được biết Nhà nước cũng đã có quy định về việc xuất bản sách từ điển. Ví dụ ngoài biên tập của nhà xuất bản, đơn vị liên kết xuất bản, bản thảo từ điển còn phải qua bước thẩm định độc lập của cơ quan chuyên môn nào đó. Vậy, cơ quan thẩm định đã giấu mặt khi xảy ra sự cố, hay sự thực người ta đã bỏ qua khâu thẩm định độc lập này? Tại sao khi hàng loạt cuốn từ điển sai sót đến mức phải thu hồi tiêu huỷ, nhưng không có bất cứ cơ quan thẩm định nào phải chịu trách nhiệm. Thế nên, việc đặt ra quy định là cần thiết, nhưng nếu người ta không làm theo những quy định ấy cũng không sao, thì việc đặt ra luật cũng như không mà thôi”, nhà phê bình Hoàng Tuấn Công nói.