Truyện ngắn của Di Li được dịch ra tiếng Anh

TPO - Trong tháng 6-2012, công ty Phương Đông đã phát hành cuốn “The Black Diamond”, tập 18 truyện ngắn của Di Li đã được dịch sang tiếng Anh.
Bìa cuốn "The Black Diamon".

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, một cuốn sách văn học dịch sang tiếng Anh được phát hành bởi một công ty sách tư nhân và phát hành song song trên ấn bản điện tử do công ty Lạc Việt độc quyền.

Cuốn sách do nhà văn Di Li tự dịch một phần và được các nhà văn nước ngoài hiệu đính.

Nhận xét về cuốn sách này, nhà văn Walter Mason (Australia) – tác giả của best-seller “Destination Saigon” nói rằng “Những câu chuyện của Di Li đã phản ánh hình ảnh một Việt Nam chưa từng được biết đến trong hình dung của người phương Tây. Thế giới hư cấu của cô cân bằng giữa vẻ tinh tế, gợi cảm, quyến rũ của sự hiện đại và cả những bóng ma, những nỗi ám ảnh luôn gợi lên trong người đọc một đời sống đương đại đầy khắc nghiệt. Tôi đã bị mê hoặc bởi những câu chuyện về tình yêu, cuộc sống và cho rằng bất cứ người nào muốn tìm hiểu về một Việt Nam ở thế kỷ 21 đều nên đọc Di Li.”

Còn Charles Waugh, nhà văn Mỹ và đồng thời là giáo sư văn học của trường ĐH Utah bình luận: “Di Li đã bắt mạch được xã hội Việt Nam. Với một nhận thức sắc bén về những truyền thống xưa cũ, các câu chuyện của cô đã phản ánh một cách tỉ mỉ những gì đang diễn ra ở một thế giới hiện tại bằng phong cách viết điềm tĩnh, lạnh lùng, châm biếm và không kém phần hồi hộp.

Trong vòng ba năm, công ty sách Phương Đông đã hợp tác với nhà văn Di Li để phát hành 11 cuốn sách trên tổng số 20 cuốn sách đứng tên cô.

Ba cuốn sách gần đây nhất được phát hành trong vòng hai tháng là “Chuyện làng văn” (350 trang), “The Black Diamond” (320 trang) và “Xác chết dưới nước” (500 trang) (do Di Li dịch từ nguyên tác tiếng Anh của nhà văn trinh thám người Mỹ Patricia Cornwell).

Cuốn "Chuyện làng văn".

Vào ngày hôm qua, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản cũng đã diễn ra buổi họp báo ra mắt tác phẩm “Chuyện làng văn” của nhà văn Di Li.

“Chuyện làng văn” là cuốn chân dung và phỏng vấn gần 50 nhân vật văn chương trong nước và quốc tế như Kim Lân, Tô Hoài, Bế Kiến Quốc, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Thọ, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Hòa Bình, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Ngọc Tiến, Bùi Anh Tấn, Sương Nguyệt Minh, Lê Anh Hoài, Trần Thanh Hà, Phong Điệp, Vi Thùy Linh, Cấn Vân Khánh, Carrie Ryan (Mỹ), Paolo Giordano (Italia), Walter Mason (Australia), Valerio Pellizzari (Italia), Peter Fogtdal (Đan Mạch), Martha Collins (Mỹ), Carlos Benchetrit (Argentina), Bang Huyn Seok (Hàn Quốc), Jan Cornall (Australia), Didier Daenickx (Pháp), Sara Zarr (Mỹ), Masatsugu Ono (Nhật Bản)…

Theo Viết