Trường Gateway thành lập Ủy ban an toàn trường học: Liệu có an toàn?

TPO - Mới đây, Trường Gateway đã có thông báo gửi các phụ huynh đã quyết định thành lập Ủy ban An toàn Trường học. Câu hỏi đặt ra là, liệu có những ủy ban này, các em học sinh có được an toàn không?

Vừa qua, sự việc đau lòng xảy ra khi bé trai L.H.L, học sinh lớp 1 bị bỏ quên 8 tiếng. Bà Nguyễn Bích Quy (55 tuổi) là nhân viên trực tiếp đón các cháu học sinh của trường Gateway. Tuy nhiên, người này vừa nhận việc ở trường và đi làm được 2 ngày, thậm chí chưa có hợp đồng lao động.

Theo báo cáo của UBND quận Cầu Giấy, bà Quy là nhân viên trực tiếp đón các cháu học sinh lên xe. Tuy nhiên,  người này vừa nhận việc ở trường và đi làm được 2 ngày, thậm chí chưa có hợp đồng lao động.

Nhiều người cho rằng với mức học phí đóng 180 triệu 1 năm thì cán bộ, công nhân viên chắc chắn sẽ được đào tạo bài bản hơn mặt bằng chung?

Nhưng cái chết tức tưởi của học sinh vừa vẫn xảy ra, bởi trường quốc tế nhưng yếu tố quan trọng nhất là con người thì lại là người Việt Nam.  

Cũng vì lẽ, cán bộ đưa đón học sinh thì tuyển theo kiểu vào làm tạm, chưa kí hợp đồng, không được đào tạo bài bản theo như tên trường quốc tế. Xe ô tô đưa đón thì không được phép kinh doanh.

Ngày 13/8, Trường Gateway đã có thông báo gửi các phụ huynh đã quyết định thành lập Ủy ban An toàn Trường học.  Theo đó, phạm vi và mục đích hoạt động của Ủy ban như sau: rà soát toàn diện và tăng cường các giải pháp để bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường và công tác đưa đón.

Vậy muốn tránh rủi ro, các trường cần tập huấn, trang bị các kĩ năng cho những nhân viên liệu sẽ tránh được những rủi ro đáng tiếc như các vụ vừa qua hay không?

Quản lý lỏng lẻo sẽ dẫn đến sự tùy tiện?

Về vấn đề này, một chủ tịch hội đồng quản trị của một trường liên cấp ở Hà Nội cho biết, câu chuyện này liên quan đến văn hóa trong trường học.

Vị  chủ tịch này cho rằng, cái cần ở đây là văn hóa đồng nhất, chứ nếu tập huấn cho nhân viên trong trường cũng chỉ là hình thức. Lái xe là phạm trù khác với giáo viên, nhân viên trong trường như lao công, bảo vệ. Lái xe không thuộc về trường,  nên hoạt động  này dựa theo cam kết hợp đồng. Nên đối với những người hợp này thì cần quản lý theo cam kết và quản lú theo sự vụ.

“Lái xe hay bên dịch vụ vận tải cần ký cam kết, làm việc định kỳ hoặc đột xuất với trường. Trường có thể có thêm những buổi đào tạo về quy trình để thực hiện đúng cam kết. Sau vài lần thì sẽ nghiêm túc hơn. Còn quản lý lỏng lẻo thì họ tùy tiện”- bà chủ tịch hội đồng trường này cho biết.

Cũng theo bà  chủ tịch trường này, trường của bà không thực hiện các buổi đào tạo định kỳ, nhưng việc kiểm soát sẽ thông qua các vị quản lý sẽ hỏi thăm thường ngày, khen ngợi những hành vi tốt trong công việc của họ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hà Nội cho rằng, việc tập huấn, đào tạo cho các nhân viên đưa đón học sinh, thậm chí cho những nhân viên bảo vệ, lao công cũng cần thiết như việc đào tạo, tập huấn cho các giáo viên làm chuyên môn trong nhà  trường.

Cô Đỗ Thị Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu, Hà Nội cho rằng, không chỉ có giáo viên dạy chuyên môn, mà từ bảo vệ, đến nhân viên lao công trong trường cũng cần có kỹ năng để có thể ứng xử khi có sự việc xảy ra với học sinh.

Việc thành lập ủy ban an toàn trường học là cần thiết. Tuy nhiên, theo cô Dung, việc đào tạo, tập huấn các kĩ năng còn đang bỏ ngỏ ở các trường.

Vẫn là khoảng trống

Một hiệu trưởng của một trường tiểu học ở  Hà Nội cho biết, việc tập huấn cho bảo vệ, nhân viên lao công hay người đưa đón các cháu học sinh một cách bài bản hầu như ít diễn ra ở các trường.

“Việc đào tạo thì chưa có mà chỉ nhắc nhở cá nhân. Hiện nay, các trường  dựa vào phản hồi của phụ huynh để chỉnh đốn thái độ của từng nhân viên một.  Theo tôi, có đào tạo cũng không đảm bảo được là mọi thứ có sự an toàn tuyệt đối mà vẫn phải theo sát từng trường hợp . Chúng ta phải làm liên tục chứ  không phải vì có vấn đề gì thì mới làm”- vị quản trị trường này nhấn mạnh.

Lấy kinh nghiệm quản lý từ trường,  vị hiệu trưởng này cho rằng các trường cần quan tâm đến việc phát triển con người chứ không cho rằng mọi quy định, đào tạo, tập huấn là sẽ giải quyết tận gốc được mọi thứ.

Vị hiệu trưởng này cũng cho rằng, điều quan trọng nhất với học sinh chính là ý thức cá nhân đối với bản thân và đối với những người xung quanh. Điều đó chỉ có thể xây dựng được trong một môi trường có sự tôn trọng và phản hồi tỉ mỉ với từng học sinh.

“Văn hóa trường học phải xây dựng qua rất nhiều các kênh khác nhau, không chỉ là giáo viên. Đó là cách mọi người đối xử với nhau trong trường, khi có hoặc không có phát sinh vấn đề. Con người chỉ làm tốt khi họ muốn làm tốt và có những trạng thái tâm lý và cảm xúc tích cực. Vì thế, môi trường học đường nên nuôi dưỡng những điều tích cực sẽ là cái gốc để ngăn chặn những điều tiêu cực”- vị chủ tịch hội đồng này nhấn mạnh.

Ngày 13/8, Trường Gateway đã có thông báo gửi các phụ huynh cho hay đã quyết định thành lập Ủy ban An toàn Trường học. Trường cũng đang tìm kiếm thêm giải pháp khác trong giám sát hoạt động của xe buýt để phụ huynh có thể kiểm tra hoạt động này bất kỳ lúc nào.

Trước đó, ngày 6/8, khi bé Lê H.L (6 tuổi, học sinh lớp 1 Tokyo, Trường tiểu học quốc tế GateWay (ở khu đô thị Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường dẫn tới tử vong.

Sáng 7/8, cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy ra quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" theo điều 128 - BLHS. Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Cầu Giấy đang làm việc với người có liên quan, củng cố tài liệu, xác định hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.