​Giải cứu nông sản đến bao giờ?

Trước khi gieo hạt, phải nghĩ tới thị trường

TP - Sản lượng nhiều loại nông sản đã vượt quá sức tiêu thụ, vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, khâu liên kết, thị trường quá yếu dẫn đến những cuộc giải cứu bất đắc dĩ. Có chuyên gia nói, thu nhập của nông dân là thước đo cán bộ, hãy làm tai mắt cho nông dân, đừng để họ mù thông tin trước thị trường đầy biến động.
Minh họa: Khều.

Sau những thịt lợn, cá tra, rau quả có tính mùa vụ như củ cải, su hào, dưa hấu, chuối... phải “giải cứu”, hàng loạt những ngành hàng nông sản phát triển nóng tiếp tục bị cảnh báo “vỡ trận”. Thực tế sản xuất có lẽ đã khác xa với nhiều bản quy hoạch phát triển cây, con. Hậu quả nhỡn tiền là giá các mặt hàng liên tiếp lao dốc và người nông dân lĩnh đủ. Không ít người rơi vào tình cảnh nợ nần, túng thiếu, thậm chí phải bỏ đi biệt xứ.

Câu chuyện cây tiêu

Hồ tiêu là ngành hàng tỷ đô đang phát triển nóng, buộc Bộ NN&PTNT phải yêu cầu không mở rộng diện tích, giảm ngay những vùng không có lợi thế, bị dịch bệnh. Ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt cho biết, diện tích hồ tiêu đang tăng “thần tốc”, đặc biệt là ở các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Năm 2010, diện tích hồ tiêu chỉ khoảng hơn 50 nghìn ha, nhưng sau 7-8 năm đã tăng gấp 3 lần, vượt quy hoạch hơn 100 nghìn ha.

Theo ông Đức, thời điểm năm 2014, giá tiêu xuất khẩu tăng từ 6.000 đến 7.000 USD/tấn, sau đó lên 8.000-9.000 USD/tấn. Giá tiêu nội địa có lúc đạt trên 200.000 đồng/kg. Giai đoạn đó, nhiều nông dân Tây Nguyên  đốn bỏ cây cà phê, cao su... quay qua tiêu.

Tuy nhiên, phát triển nóng khiến cung quá lớn, giá tiêu liên tục xuống thấp, nhiều người vỡ mộng. Sản xuất ồ ạt cũng ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu, gia tăng dịch bệnh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật khiến nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về, môi trường vùng sản xuất bị cảnh báo. Giá tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên hiện chỉ còn 52-57 nghìn đồng/kg - thấp nhất trong vòng 5 năm lại đây.

Trong khi đó, ở các tỉnh phía Bắc, diện tích cây có múi như cam, quýt, bưởi... cũng tăng chóng mặt. Ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích cây có múi tăng tăng đột biến vì cho thu nhập cao. Chẳng hạn, ở Hòa Bình, trồng cam có thể thu 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha, gấp nhiều lần trồng lúa hay cây trồng khác.

Ông Cường cũng cho biết, hiện một số cây mang tính mùa vụ như chuối, dưa hấu.. chưa phổ rộng, nên chưa có quy hoạch. Tuy nhiên, trước dấu hiệu phát triển nóng, Cục đã có văn bản cảnh báo các địa phương, cần có cơ cấu cây trồng hợp lý, kể cả cây có múi, tránh đồng loạt thu hoạch cùng thời điểm, lại rơi vào cảnh “giải cứu”.

Cũng theo ông Cường, sản xuất nông nghiệp tiến đến sẽ bám theo tín hiệu thị trường. Bởi theo Luật Quy hoạch, sẽ không có quy hoạch cho từng ngành hàng nhỏ lẻ. “Bộ NN&PTNT không có quyền yêu cầu địa phương, nông dân không được trồng cây này, nuôi con kia mà chỉ có thể khuyến cáo để doanh nghiệp, nông dân liên kết, hợp tác để tránh trồng, nuôi dư thừa, hạn chế “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ông Cường nói.

Nông nghiệp đang “ra trận” mà thiếu “trinh sát”. Ảnh: Bình Phương.

Cần tổ chức nghiên cứu thị trường

Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân mới đây, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, năng lực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam rất lớn, nếu không tổ chức tốt thị trường, sẽ ảnh hưởng đến đầu ra. “Với nhóm sản phẩm như rau, củ cải, su hào, dưa hấu... là những mặt hàng theo mùa vụ, khâu tổ chức thị trường tiêu thụ chưa tốt”, ông nói và lưu ý: “Đây cũng là điểm để chúng tôi và Bộ NN&PTNT, cùng các địa phương cần “xắn tay” làm tốt hơn về công tác thông tin thị trường trong và ngoài nước nhằm phục vụ người dân”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Công Thương cũng khuyến cáo: “ Cần tổ chức sản xuất quy mô mới, nông dân liên kết thành hợp tác xã, thì việc tổ chức thông tin thị trường sẽ kịp thời, hiệu quả hơn.

“Thủ tướng đã nói, trước khi gieo hạt, phải nghĩ đến thị trường. Đây là trách nhiệm mà chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương để thực hiện”- ông Tuấn Anh nói.

Trao đổi với Tiền Phong, TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng, cách “giải cứu” thành công nhất là Nhà nước phải chuyển qua vai trò kiến tạo, còn nông dân phải theo cơ chế thị trường.

“Ông cha ta xưa ra trận, phải “biết mình, biết người”. Nay từ người Tây Nguyên sản xuất cà phê đến người nông dân Nam bộ trồng lúa gạo, phần lớn là để bán, để xuất khẩu, vậy mà chúng ta thiếu nghiên cứu thị trường, không đủ thông tin kinh doanh thì khác nào tiến hành cuộc chiến toàn dân mà không có trinh sát, không có tham mưu, không căn cứ để lên kế hoạch”- ông Sơn nói.

Vị chuyên gia này cho rằng khó chấp nhận được tình trạng dù rất nhiều viện nghiên cứu nhưng không nơi nào nghiên cứu về thị trường nông sản, dẫn đến tình trạng chủ yếu là nghiên cứu theo đề tài do cấp trên giao, phân chia kinh phí mà không giúp gì cho nông dân.

Theo TS Đặng Kim Sơn, việc cần làm là Việt Nam phải tập trung sức lực hình thành lực lượng nghiên cứu thị trường. “Hãy kịp thời tạo ra tai, mắt cho người dân để họ không mù trước đại dương thông tin thị trường đầy biến động”- ông Sơn nói.

Ông cha ta xưa ra trận, phải “biết mình, biết người. Nay, từ đồng bào dân tộc Tây Nguyên sản xuất cà phê đến người nông dân Nam bộ trồng lúa gạo, phần lớn là để bán trên thị trường, để xuất khẩu, thế mà chúng ta thiếu nghiên cứu thị trường, không đủ thông tin kinh doanh thì khác nào tiến hành một cuộc chiến toàn dân mà không có trinh sát, không có tham mưu, không căn cứ để lên kế hoạch”- TS Đặng Kim Sơn.