> Trung Quốc “bẻ lái” kinh tế, ổn định xã hội
> Trung Quốc trước ngưỡng cửa cải cách lịch sử
Trung Quốc giờ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng liệu có thoát được “bẫy phát triển trung bình” để phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã trải qua, hay sẽ dẫm chân tại chỗ hoặc tệ hơn là thụt lùi như vô số ngôi sao từng được kỳ vọng khác trong quá khứ? Chính Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang ở “vùng nước sâu” nguy hiểm. Mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu, đầu tư công đã tỏ ra hụt hơi. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel 2008 Paul Krugman nhận định, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng tới hạn.
Thực tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn ra những khuyết tật trong hệ thống. Kế hoạch cải cách 383 đầy tham vọng đã “kê đơn” khá mạnh tay nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Trung Quốc từ hướng ngoại sang chủ yếu dựa vào nhu cầu tiêu dùng trong nước; để thị trường tự do quyết định việc phân bổ các nguồn lực, làm sâu sắc thêm nguyên tắc “nhà nước nhỏ, xã hội lớn”, mở cửa cạnh tranh cho tư nhân vào các lĩnh vực siêu lợi nhuận do nhà nước độc quyền kiểm soát; cải cách chính sách đất đai và thị trường bất động sản; gỡ bỏ chế độ quản lý hộ khẩu gây khó cho cuộc sống của hàng trăm triệu lao động...
Bệnh đã rõ, thuốc cũng rất hay, tuy nhiên vấn đề mấu chốt là quyết tâm chính trị có đủ mạnh để đẩy kế hoạch cải cách đi xa tới đâu. Tuy nhiên, những thay đổi được xem là “chưa có tiền lệ” nhằm tiếp đà cho công cuộc cải cách chắc chắn vấp phải những trở lực cực lớn.
Từ lâu, tình trạng độc quyền ngành và độc quyền địa phương, bản chất là lợi ích nhóm đã thâm căn cố đế ở Trung Quốc. Doanh nghiệp nhà nước làm ăn thiếu hiệu quả, thua lỗ nhưng lại nhận được rất nhiều hỗ trợ, được chống lưng gây bất bình lớn trong xã hội.
Hậu quả của việc đầu tư ồ ạt giai đoạn trước là đến nay nợ xấu phình to đến mức nguy hiểm. Kiểm toán năm 2011 cho thấy số nợ của các chính quyền địa phương đến cuối năm 2010 khoảng 1.758 tỷ USD, tương đương 27% GDP. Theo Wall Street Journal, con số hiện tại là 2.460-4.920 tỷ USD, tương đương 30-60% GDP. Báo chí Trung Quốc mô tả việc chính quyền bán đất trả nợ hệt như người mắc nợ đang bán máu lấy tiền.
Đất đai là vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc hiện nay với hàng trăm ngàn vụ khiếu kiện mỗi năm. Người nông dân bị thu hồi đất phải chịu nhiều thiệt thòi, bất công trong khi đất đai là nguồn thu chính của nhiều địa phương, là cách làm giàu nhanh chóng của quan chức và doanh nghiệp thân hữu. Bong bóng thị trường bất động sản Trung Quốc được xem như trái bom nổ chậm. Chắc chắn việc cải cách sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt của nhóm lợi ích bị cắt mất nguồn lợi lớn.
Rõ ràng, Trung Quốc chưa đạt được sự đồng thuận trong nhiều vấn đề gai góc. Bằng chứng là hội nghị quan trọng vừa kết thúc không đả động việc cải cách hộ khẩu. Việc cải tổ chính sách đất đai và khu vực doanh nghiệp nhà nước trì trệ cũng chỉ được nhắc phớt qua hoặc rất chung chung. Chênh lệch giàu nghèo và bất ổn xã hội gia tăng cũng đe dọa làm chệch đường ray mọi nỗ lực thành công.