Cuộc chạy đua không gian giữa Trung Quốc và Mỹ đang tăng tốc sau khi Cục Vũ trụ Quốc gia của Trung Quốc (CNSA) phê chuẩn việc phóng ba tàu quỹ đạo lên Mặt trăng trong vòng 10 năm tới, CNSA thông báo hôm 10/9. Thông tin này được Bloomberg đưa tin trước tiên. Theo báo Trung Quốc Global Times, thông báo được đưa ra một ngày sau khi Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới phát hiện ra một khoáng chất Mặt trăng mới, mà nước này gọi là Changesite-(Y).
Tàu vũ trụ Thường Nga-5 của Trung Quốc đã lấy mẫu từ Mặt trăng vào năm 2020. Global Times mô tả đó là một “khoáng chất phốt phát trong tinh thể hình cột” được tìm thấy trong các hạt đá Mặt trăng. Khoáng chất này chứa heli-3, có thể là nguồn năng lượng trong tương lai.
Phát hiện này có thể gia tăng áp lực cho Mỹ trong việc tăng cường nỗ lực sau khi việc phóng tàu vũ trụ Artemis I của họ lên Mặt trăng bị hoãn lần thứ hai. Việc khai thác trên Mặt trăng có thể trở thành nguồn gây căng thẳng tiếp theo giữa các nước khi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang thăm dò cực nam của Mặt trăng, nơi Trung Quốc có kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu kết hợp với Nga. Gần đây, Trung Quốc tăng tốc nỗ lực khám phá không gian bằng cách xây dựng một trạm vũ trụ, khởi động một số sứ mệnh thu thập mẫu trên Mặt trăng và đưa tàu thăm dò Chúc Dung lên sao Hỏa vào đầu năm nay để cạnh tranh với NASA.
12 người đặt chân lên Mặt trăng
Theo trang web của NASA, Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất đưa các phi hành gia lên Mặt trăng, với lần hạ cánh cuối cùng cách đây gần 50 năm trong sứ mệnh Apollo 17. Apollo 11 của Mỹ là tàu vũ trụ đầu tiên mang các mẫu vật từ hành tinh khác trở lại Trái đất vào tháng 7/1969, với khoảng 22 kg vật chất từ bề mặt Mặt trăng.
Trong số 12 người từng đặt chân lên Mặt trăng, người đầu tiên là Neil Armstrong và cuối cùng là Gene Cernan. Những cuộc đổ bộ lên Mặt trăng diễn ra từ tháng 7/1969 đến tháng 12/1972 trong khuôn khổ chương trình Apollo của Mỹ. Tất cả phi hành gia đều mang quốc tịch Mỹ.
Alan Shepard là người lớn tuổi nhất từng đặt chân lên Mặt trăng, vào thời điểm 47 tuổi và 80 ngày. Charles Duke là người trẻ nhất, lúc 36 tuổi và 201 ngày. Hầu hết các phi hành gia vào thời điểm đó đều là quân nhân đang tại ngũ trong thời gian phục vụ NASA; một số ngoại lệ là phi hành gia dân sự của NASA (dù có thể là quân nhân trước đó).