Chỉ số mãi lực của Trung Quốc (PMI) đã tăng lên 52 trong tháng 3 từ mức thấp kỷ lục 35,7 trong tháng 2, Cục Thống kê quốc gia (NBS) cho biết hôm qua. Cứ 50 điểm trở lên là nền kinh tế thoát khỏi nguy cơ suy thoái.
Các nhà phân tích được hãng tin Reuters hỏi ý kiến đã dự kiến PMI tháng 3 của Trung Quốc sẽ ở mức 45.
NBS cho rằng sự phục hồi PMI từ mức thấp kỷ lục trong tháng 2 không báo hiệu sự ổn định trong hoạt động kinh tế.
Quan điểm đó được nhiều nhà phân tích chia sẻ, khi cảnh báo về một giai đoạn phải vật lộn tiếp theo đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế Trung Quốc do sự lây lan nhanh chóng của virus trên khắp thế giới, tình trạng bế quan tỏa cảng chưa từng thấy ở một số quốc gia và viễn cảnh gần như chắc chắn về suy thoái kinh tế toàn cầu.
“Điều này (sự phục hồi PMI) không có nghĩa là sản lượng bây giờ đã trở lại ở mức trước khi nổ ra dịch bệnh. Thay vào đó, nó chỉ đơn giản gợi ý rằng hoạt động kinh tế đã cải thiện một cách khiêm tốn so với tháng 2, nhưng vẫn ở dưới mức trước đây”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao của hãng tư vấn kinh tế Capital Economics tại Trung Quốc nói trong một văn bản gửi tới khách hàng.
Tác động mang tính càn quét của đại dịch đối với sản xuất đã được thể hiện rất rõ tại hai nền kinh tế lớn của châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Nhật Bản, công nghiệp tăng trưởng với tốc độ chậm hơn trong tháng 2 và các nhà máy dự kiến sẽ giảm mạnh tốc độ tăng trưởng trong tháng này, trong khi sản xuất tại Hàn Quốc thu hẹp ở với quy mô lớn nhất trong 11 năm qua.
Các nhà kinh tế đã dự báo mức sụt giảm mạnh tổng sản phẩm quốc nội quý đầu tiên của Trung Quốc. Một số người kỳ vọng mức sụt giảm trong năm nay là 9% trở lên và đây là mức kỷ lục, lần đầu tiên trong ba thập kỷ.
Nhiếp Văn, chuyên gia kinh tế của công ty tín thác Hwabao Trust có trụ sở tại Thượng Hải, nói ngoài các đơn hàng xuất khẩu nhỏ, lưu kho tăng và giá giảm, vấn đề cơ bản mà các nhà sản xuất Trung Quốc phải đối mặt là nhu cầu thị trường thấp.
Hơn một nửa số người được hỏi trong khảo sát của Reuters nói doanh nghiệp thiếu nhu cầu thị trường và 42% nói gặp vấn đề tài chính, cả hai chỉ số này đều tăng so với tháng trước.
Vấn đề lớn nhất mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt trong quý II là nhu cầu nước ngoài sụt giảm, ông Nhiếp nói và rằng các nhà chức trách có thể sẽ ban hành nhiều chính sách hơn ngoài hàng tỷ USD được bơm vào hệ thống tài chính kể từ tháng 2 nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước.