> Người Trung Quốc phẫn nộ vụ thịt chuột, thịt chồn giả cừu
> Hiệu trưởng pha sữa độc, 2 trẻ chết
> Trung Quốc: Thịt cừu rởm chứa chất độc hại
Theo báo cáo của Bộ Công an Trung Quốc, cảnh sát các nơi đã phá 2.010 vụ án phạm tội liên quan đến vệ sinh thực phẩm, bắt giữ 3.576 tội phạm, phá hủy 1.721 nhà máy, xưởng chế biến, điểm tàng trữ và tiêu thụ thịt dởm.
Trong đó tập trung đánh phá tội phạm chế biến tiêu thụ thịt bò-dê dởm, thịt động vật chết, thịt có chứa chất độc, phá vỡ 325 đường dây phạm tội sản xuất- thiêu thụ thịt dởm liên tỉnh, bắt giữ 904 tội phạm, thu giữ hơn 2 vạn tấn tang vật.
Chiến dịch này được phát động sau khi vào tháng 2 năm nay cảnh sát khám phá vụ ngộ độc thịt dê gây chết người ở Phụng Tường (Thiểm Tây). Một tay đồ tể họ Hách mua một con dê chết đã bốc mùi về mổ rồi tẩm ướp chế biến thành dê quay đem ra chợ bán khiến nhiều người ăn bị ngộ độc, 1 người bị chết. Vụ việc đã gây chấn động dư luận, khiến các phương tiện truyền thông phải lên tiếng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm...
Thịt chuột cống đội lốt thịt dê: Vụ án thịt dê dởm ở Vô Tích (Giang Tô) là một trường hợp điển hình được dư luận đặc biệt quan tâm. Trong tháng 2/2013, Bộ Công an đã huy động hơn 200 cảnh sát đồng loạt tấn công vào một loạt địa điểm ở Vô Tích và Thượng Hải, phá vỡ một băng nhóm tội phạm chuyên sản xuất, tàng trữ, tiêu thụ thịt dê dởm, bắt 63 tên, phá hủy hơn 50 điểm sản xuất và cất giữ, thu giữ hơn 10 tấn nguyên liệu, phụ gia và thịt dê dởm thành phẩm đã qua chế biến.
Được biết, từ năm 2009, tập đoàn tội phạm này đã thu mua các động vật như cáo, chuột cống chưa qua kiểm dịch về, sử dụng các loại hóa chất để tẩm ướp rồi đưa đi tiêu thụ với mác “thịt dê”, kiếm lợi hơn 10 triệu Nhân dân tệ (NDT).
Sau thịt dởm sẽ là sữa bẩn
Theo người phụ trách của Bộ Công an, giai đoạn tiếp theo sẽ là tấn công vào tội phạm liên quan đến thị trường sữa, từ các khâu thu mua sữa tươi, sản xuất gia công chế biến sữa bột, nhập khẩu sữa...
Thịt vịt thành thịt bò: Tháng 3 vừa qua, cảnh sát thành phố Bao Đầu (Nội Mông) đã triệt phá vụ án Công ty thực phẩm Đằng Đạt sản xuất thịt dởm, thu giữ 6,4 tấn thịt đông lạnh, 14,6 tấn thịt bò khô, thịt dê khô dởm.
Qua giám định. thịt bò – dê khô được sản xuất từ nguyên liệu là thịt vịt với các phụ gia độc hại. Từ năm 2010, Công ty Đằng Đạt đã tiêu thụ các sản phẩm dởm này ra khắp 15 tỉnh, thành thông qua 18 công ty thương mại, thu lợi hơn 6 triệu NDT.
Chân gà tẩm hóa chất độc hại: Cũng trong tháng 3, cảnh sát thành phố Quý Dương (Quý Châu) đã phá vỡ 2 điểm tàng trữ “chân gà độc” bắt 6 tội phạm, thu giữ 8 tấn chân gà ngâm tẩm các phụ gia độc hại. Bọn này khai nhận từ tháng 7/2011 đến nay, mỗi ngày bán ra thị trường 3 tạ chân gà độc hại, kiếm lãi tổng cộng hơn 4 triệu NDT.
Thịt tươi làm từ lợn chết bệnh: Cùng thời gian này, cảnh sát Chương Châu (Phúc Kiến) đã phát hiện, phá vỡ 2 ổ thu gom, chế biến thịt lợn chết, bắt 5 tội phạm. Qua điều tra cho thấy, từ tháng 8/2012 đến nay, bọn này núp bóng nhân viên hợp đồng của ngành nông nghiệp phụ trách thu gom xử lý xác gia súc chết dịch để tìm kiếm thu gom lợn chết về tổ chức mổ, sơ chế, trữ đông rồi đem đi tiêu thụ ở các tỉnh khác. Tổng cộng chúng đã bán được trên 40 tấn thịt, sườn lợn chết, kiếm lời hơn 3 triệu NDT.
Gà chết bệnh thành gà quay đặc sản: Ngày 3/4/2013, cảnh sát Thẩm Dương đã đột kích một xưởng chế biến gà chết dịch, thu giữ tang vật gồm hơn 1.000 gà chết bệnh, 8 máy vặt lông và tủ đông lạnh.
Từ năm 2007 đến nay, nhóm tội phạm này đã đi thu mua gà chết bệnh ở các trại chăn nuôi về để chế biến thành gà quay rồi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn và chợ thực phẩm ở Thẩm Dương. Chúng khai nhận đã bán được tổng cộng hơn 20 ngàn sản phẩm đặc sản gà quay chế biến từ gà chết bệnh.
Một người phụ trách của Bộ Công an cho biết, hiện nay trên lĩnh vực tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện tình hình mới: có đủ loại từ sản xuất chế biến lén lút quy mô nhỏ, điều kiện gia công thô sơ lạc hậu đến quy mô lớn theo dây chuyền khép kín hoàn chỉnh, công nghệ hiện đại, nhà máy lớn; vừa sử dụng những hóa chất độc hại bị cấm, vừa sử dụng những cách thức thô sơ như tiêm nước vào thịt, tận dụng thịt động vật chết, thịt gà vịt thải loại, thịt chuột để chế biến thành thịt dê rồi bán ra thị trường.
Thu Thủy
Theo Kinh Hoa thời báo