Trung Quốc mang tàu ngầm giá rẻ chào hàng các thị trường quốc tế

Trung Quốc đang gắng bán 2 tàu ngầm cho Ai Cập với giá rẻ hơn các tàu ngầm mà Đức chào bán. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí ngoài thị trường truyền thống tại châu Á.
Tàu ngầm Trung Quốc. Ảnh minh họa: pakistantoday.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã tìm cách cạnh tranh với các hãng chế tạo tàu ngầm phương Tây về giá và đưa ra những lời chào mời xuất khẩu hấp dẫn hơn tại châu Á. Cho tới nay, Trung Quốc đã giành các hợp đồng từ Pakistan và Bangladesh.

Một nguồn tin từ quân đội Ai Cập cho hay Trung Quốc đã chào bán tàu ngầm cho Cairo.

"Chúng tôi đang nghiên cứu nó, nhưng đây là một quyết định không dễ dàng", nguồn tin giấu tên nói.

Một phát ngôn viên quân đội Ai Cập nói không có thông tin chính thức về vấn đề này, còn Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận.

"Kẻ chen ngang"

Tuy nhiên, 2 nguồn tin biết rõ về vấn đề trên cho hay Cairo muốn mua thêm 2 tàu ngầm nữa sau khi đặt hàng 2 tàu từ tập đoàn ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức vào năm 2011, dự kiến được bàn giao năm 2017. TKMS đã và đang đàm phán với Ai Cập về 2 tàu ngầm bổ sung này.

Trong khi TKMS từ chối bình luận, Bộ Kinh tế Đức cho hay bộ này đã "bật đèn xanh" cho việc đóng 2 tàu ngầm mới cho Ai Cập.

Nhưng nguồn tin giấu tên trên tiết lộ, Bắc Kinh đã "nhảy vào" và đề nghị Ai Cập cân nhắc lựa chọn các tàu ngầm mới hơn của nước này với giá thấp hơn.

"Các tàu ngầm Trung Quốc đang được xem xét, dù Ai Cập đã và đang thảo luận với Đức về việc mua thêm 2 tàu khác", một nguồn tin nói.

Các tàu ngầm Trung Quốc được chào bán do Công ty đóng tàu Wuchang đảm nhiệm. Wuchang thuộc Tập đoàn Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSBIC), một tập đoàn quốc doanh.

Ai Cập và Trung Quốc có mối quan hệ thân thiết từ lâu, và Bắc Kinh đã cung cấp cho Ai Cập 4 tàu ngầm diesel-điện lớp Ming vào những năm 1980.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đều nói rằng hai nước mong muốn phát triển hợp tác an ninh và quân sự.

Trang tin Sina của Trung Quốc hồi tháng trước viết trong một bài bình luận rằng các hãng chế tạo tàu ngầm Trung Quốc "cần chuẩn bị" để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng từ Ai Cập và các quốc gia khác tại châu Phi.

Tờ báo viết thêm, Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất cho Ai Cập để mua tàu ngầm do ngân sách hạn hẹp của Cairo.

Tham vọng cạnh tranh với phương Tây

Trung Quốc đã vượt Đức để trở thành nước xuất khẩu vũ khis lớn thứ 3 thế giới, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm(SIPRI) cho biết hồi tháng 5, mặc dù gần 70% vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc được bán cho Pakistan, Bangladesh và Myanmar.

Trong năm nay, Pakistan đã phê chuẩn một thỏa thuận nhằm mua 8 tàu ngầm từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đã bán 2 tàu ngầm cho Bangladesh.

Hồi tháng 7, Thái Lan đã hoãn kế hoạch mua 3 tàu ngầm Trung Quốc, viện dẫn lý do cần đánh giá xem hải quân có thực sự cần các tàu này hay không.

Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 70 tàu ngầm, cho phép Bắc Kinh phô trương khả năng trên khắp các vùng biển của châu Á.

Reuters dẫn một nguồn cho hay Trung Quốc giờ đây là một đối thủ đáng gờm của các nhà thầu quốc phòng phương Tây trong các đơn hàng tàu ngầm.

"Giá của họ rẻ hơn nhiều... và các điều kiện xuất khẩu của Trung Quốc cũng đặc biệt hấp dẫn đối với các sản phẩm quân sự", nguồn tin cho hay.

Chất lượng bị nghi ngờ

Các chuyên gia an ninh cho biết họ tin rằng Trung Quốc chủ yếu chào bán một phiên bản của tàu ngầm lớp Song ra các thị trường quốc tế. Đây là một tàu ngầm tấn công diesel điện mà các chuyên gia nói là không tương thích với các hệ thống của Đức và Pháp.

Tàu ngầm lớp Yuan mới hơn và lớn hơn có hệ thống hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) do Trung Quốc thiết kế, điều đó có nghĩa là tàu này không cần nổi thường xuyên giống các tàu diesel khác. Tàu ngầm lớp Yuan cũng phát ra âm thanh nhỏ hơn, khiến nó khó bị phát hiện hơn.

Tuy nhiên, vài chuyên gia đã tỏ ra nghi ngờ về khả năng các hệ thống đẩy và pin của tàu ngầm Trung Quốc, và liệu chúng có sánh kịp với các tàu ngầm phương Tây.

Richard Bitzinger, một chuyên gia an ninh khu vực tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam tại Singapore, cho rằng Trung Quốc có thể không có tàu ngầm tốt nhất trên thị trường, nhưng giá cả lại là vấn đề quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Ai Cập.

"Có thể có thách thức về phối hợp hoạt động khi bạn mua tàu ngầm chế tạo bởi các nước khác nhau, nhưng đó không phải là một lo ngại đối với các quốc gia phát triển vì họ quan tâm hơn tới việc đâu là hợp đồng tốt nhất cho họ", ông Bitzinger nói thêm.

Theo Theo Dân Trí