Trung Quốc làm gì trước ‘ván bài ngửa’ của Triều Tiên?
TPO - Cục diện Triều Tiên đang là thách thức nghiêm trọng đối với ông Tập Cận Bình. Một hậu quả lớn Trung Quốc phải gánh chịu nếu bỏ rơi Triều Tiên là có thể Bắc Kinh sẽ bị Triều Tiên coi là kẻ thù.
Triều Tiên 'bắt cóc' Trung Quốc
Sau khi Triều Tiên yêu cầu các doanh nghiệp Hàn Quốc nằm trong khu công nghiệp Kaesong và đại sứ quán nước ngoài tại Bình Nhưỡng sơ tán nhân viên trước 10-4, cục diện trên bán đảo Triều Tiên như cung đã giương tên. Hàn Quốc dự đoán ngày 10-4 Triều Tiên sẽ phóng tên lửa tầm trung BM-25, Mỹ cũng đang tăng cường bố trí tàu chiến và máy bay chiến đấu trên bán đảo này.
Trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường sức ép đối với Bắc Kinh, yêu cầu Bắc Kinh phải kìm chế Triều Tiên, nếu không Mỹ sẽ tăng cường biện pháp để chứng tỏ sự tồn tại của mình ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc nên áp dụng biện pháp gì để có thể phát huy sự ảnh hưởng đối với Triều Tiên?
Tờ Liên hợp buổi sáng Singapore phân tích, thực ra Mỹ đã đưa ra nhiều chiến thuật để chứng minh sự “tồn tại” của mình ở Đông Bắc Á. Theo bản tin của tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản, động tác tiếp theo của Mỹ là lần đầu tiên bố trí một chiếc máy bay do thám không người lái Global Hawk tới căn cứ không quân Misawa thuộc miền Bắc Nhật Bản để tăng cường khả năng do thám các hoạt động của quân đội Triều Tiên.
Hiện tại Triều Tiên và Mỹ đều coi tất cả các hành động tăng cường lực lượng, vũ khí của đối phương là hành vi khiêu khích, Trung Quốc bị kẹt ở giữa, việc phát huy độ ảnh hưởng tới Triều Tiên ngày càng có vai trò cần thiết, nhưng đồng thời cũng là một sự thách thức lớn. Tuy nhiên, trong tình huống khó xử hiện nay, nếu bỏ rơi Triều Tiên và hoàn toàn đi theo phương Tây trừng phạt Triều Tiên thì cũng không hẳn là lựa chọn tối ưu của Trung Quốc.
Những lời phát ngôn và hành động gây hấn chiến tranh của Triều Tiên thời gian qua dường như chứng tỏ Trung Quốc đã không còn phát huy được sự ảnh hưởng gì đối với Triều Tiên, nhưng Trung Quốc luôn luôn là một nhân tố có thể kìm chế Triều Tiên và ngăn chặn những hành vi ngông cuồng của quốc gia này, đặc biệt dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc vừa lên nắm quyền, nếu cục diện bán đảo Triều Tiên hạ được nhiệt nhờ có sự tham gia tích cực của Trung Quốc thì dàn lãnh đạo mới này sẽ nâng được vị thế cho mình.
Không là bạn thì là kẻ thù
Chính vì vậy cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên sẽ là một thử thách vô cùng quan trọng cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, chính vì thế chắc chắn Trung Quốc sẽ không không hưởng ứng một số lời kêu gọi trong nước, bỏ rơi Triều Tiên trong thời khắc quan trọng này. Một hậu quả lớn Trung Quốc sẽ phải gánh chịu nếu bỏ rơi Triều Tiên là có thể Bắc Kinh sẽ bị chính phủ Triều Tiên coi là kẻ thù. Đối với Triều Tiên, nếu Trung Quốc không là bạn thì sẽ là kẻ thù, ở một mức độ nào đó có thể nói, Trung Quốc đang bị Triều Tiên bắt cóc.
Trong cuộc trao đổi qua điện thoại mới đây với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mon, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, bán đảo Triều Tiên là láng giềng gần của Trung Quốc, Bắc Kinh phản đối mọi hành vi khiêu khích của tất cả các bên trong khu vực này và không cho phép bất kỳ ai gây sự trước cửa nhà Trung Quốc. Và tại diễn đàn châu Á Bác Ngao, tổng bí thư Tập Cận Bình nói rằng, châu Á đang phải đối mặt với những thách thức mới, bất kỳ quốc gia nào đều không được phép “vì lợi ích cá nhân của mình mà làm đảo lộn một khu vực thậm chí cả thế giới”.
Những lời cảnh cáo của ông Vương Nghị và ông Tập Cận Bình mặc dù giọng điệu khá mềm dẻo, nhưng cũng cho thấy Trung Quốc sẽ không tiếp tục ngồi nhìn những hành vi khiêu khích của Triều Tiên, tuy nhiên Trung Quốc sẽ áp dụng hành động cụ thể gì để có thể kìm chế Triều Tiên, giúp cục diện trên bán đảo hạ nhiệt, đây là vấn đề mà các bên rất muốn biết. Có thể Trung Quốc đã trao đổi kín với Mỹ và trình bày bước đi tiếp theo của mình. Để cục diện hạ nhiệt thì một trong hai bên Triều Tiên – Mỹ và Hàn Quốc phải nhượng bộ, để không kích thích Triều Tiên, Mỹ đã quyết định đẩy lùi kế hoạch phóng thử tên lửa liên lục địa ICMB vốn định sẽ tiến hành trong tuần này, nhưng việc đẩy lùi này chưa chắc đã được Triều Tiên coi là thể hiện thiện chí.
Theo bài phân tích mới nhất trên tờ Thời báo New York, Mỹ và Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch sẽ có “những phản ứng có tiết chế” trước hành vi tấn công của Triều Tiên để cục diện căng thẳng trên bán đảo không leo thang và phát triển thành cuộc chiến tranh lớn, Triều Tiên tấn công bằng vũ khí gì sẽ bị phản công bằng loại vũ khí tương ứng. Phía Mỹ và Hàn Quốc nhận định, mặc dù rất “mạnh mồm”, nhưng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ không phát động tấn công, tuy nhiên nếu phía Mỹ và Hàn Quốc không xây dựng phương án đối phó phù hợp nếu chiến tranh nổ ra thì khả năng xảy ra chiến tranh lại rất lớn.
Muốn để Triều Tiên né tránh chiến tranh thì phải để quốc gia này thấy rõ hậu quả của chiến tranh, nếu quả thực Triều Tiên bất chấp mọi hậu quả mà phát động chiến tranh thì chứng tỏ chính phủ nước này đã không thể đưa ra những phán đoán sáng suốt đối với cục diện b ản đảo.
Nếu chiến tranh xảy ra, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn hơn, chính vì vậy, kể cả đã không còn đủ khả năng để “quản” Triều Tiên, nhưng Trung Quốc vẫn cần phải cho Triều Tiên biết rõ phản ứng của nước này nếu bị dồn vào đường cùng, để trước khi đưa ra bất kỳ hành động mạo hiểm nào, Triều Tiên buộc phải nghiêm túc xem xét lập trường của Trung Quốc.
Huy Long (theo Liên hợp buổi sáng Singapore)