Trung Quốc: Khi điện ảnh và văn học giao thoa

Tác giả Tô Đồng với tiểu thuyết "Thê thiếp thành đàn" đã trở nên nổi tiếng hơn sau khi tác phẩm của ông được cải biên thành phim với tựa đề "Đèn lồng đỏ treo cao", và sau đó còn có "Hồng phấn", "Mễ".

Tiểu thuyết Hồng cao lương của Mạc Ngôn cũng một thời nổi đình đám từ sau khi được chuyển thể thành bộ phim cùng tên.

Tiểu thuyết Chọn lựa của nhà văn Trương Bình sau khi được dựng thành phim với tựa đề Lựa chọn sinh tử cũng đã ghi kỷ lục “sốt vé” nhất trong số các phim nội địa lúc bấy giờ.

Vậy thì, điện ảnh có phải là một điểm gửi gắm đáng tin cậy của tác phẩm văn học?

Vương Sóc - nhân vật trong văn đàn đương đại từng được phong là "anh hùng châu Á", nổi tiếng với tiểu thuyết Thiên kim đã được dựng thành phim truyền hình nhiều tập Tiếp viên hàng không cuối những năm 80. Đến đầu thập niên 90, tiểu thuyết của ông trong vòng 4 năm đã được dựng thành 4 bộ phim điện ảnh: Kẻ ngoan cố, Luân hồi, Thở dốc, Một nửa là lửa - Một nửa là biển.

Cuối thập niên 90, tác phẩm của Vương Sóc lại tiếp tục gây sự chú ý khi được hai đạo diễn Phùng Tiểu Cương và Khương Văn chiếu cố đến. Những bộ phim điện ảnh lần lượt ra đời càng thu hút đông đảo quần chúng, như: Vĩnh viễn mất đi người tôi yêu (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên), Những ngày nắng rực rỡ (chuyển thể từ tiểu thuyết Động vật hung mãnh), …

Theo Vương Sóc, phim hay cần có kịch bản hay, đạo diễn hay và cả diễn viên giỏi, thiếu một thứ thì không thể thành bộ phim hay được.

Mối liên hệ giữa hai loại hình khác nhau

Như vậy, văn học và điện ảnh - truyền hình từ thập niên 80 đã có một mối liên hệ vô cùng mật thiết. Tuy nhiên, cả hai vẫn có đặc điểm riêng biệt độc lập.

Trong tiểu thuyết, ngôn ngữ của nhân vật có thể được mô tả cả trang, tâm lý nhân vật được miêu tả cả chương và thậm chí đến cả cuốn sách. Nhưng kịch bản thì lại chú trọng động tác hành vi, ngôn ngữ phải đơn giản và phải được sinh động hóa.

Có đạo diễn tránh không cho nhà văn tự cải biên tiểu thuyết của mình thành kịch bản mà đưa người khác làm việc đó. Thứ nhất là do nhà văn quá yêu quý tác phẩm của mình, khó lòng mà “giản lược” nó. Thứ hai, do những gì nhà văn muốn gửi gắm đã được diễn tả hết trong tiểu thuyết nên sẽ rất khó có thêm ý tưởng mới.

Hai việc này lại tương đối dễ dàng với người ngoài cuộc vì họ chỉ cần xem cuốn tiểu thuyết đó như là một mô hình và tự do phát huy thêm ý tưởng và gọt xén, thêm bớt những gì bản thân muốn.

Có người cho rằng, văn học và điện ảnh - truyền hình là hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Hoàn toàn không nên căn cứ vào một cuốn sách mà đi xem một bộ phim. Bởi vì, việc đọc sách là không thể thay thế được. Văn học có thể nhờ điện ảnh làm mở rộng sức ảnh hưởng nhưng phải bất chấp nguy cơ bị xuyên tạc.

Nếu muốn thưởng thức “hương vị nguyên chất” của tác phẩm, thì nhất định phải đọc nguyên tác. Điện ảnh chỉ là một bản đọc hay phương tiện truyền tải phổ thông nhất của văn học.

Tác giả Trương Kháng Kháng với cuốn tiểu thuyết Phòng trưng bày tình ái đã được chuyển thể thành một bộ phim truyền hình 20 tập, bày tỏ sự bất mãn của mình:

“Kịch bản đã được cải biên khác rất nhiều so với nguyên tác, họ chỉnh sửa quá ẩu tả mà không bàn bạc kỹ lưỡng với tôi. Đương nhiên, cải biên có thể làm phong phú những tình tiết đã có sẵn nhưng cũng cần xem xét có phù hợp với tinh thần của nguyên tác không.

Tinh thần trong tiểu thuyết của tôi là ca ngợi tình yêu trong nhân gian, coi như là chính kịch. Thế nhưng, kịch bản phim lại được cải biên thành bi kịch. Kịch bản phim và tiểu thuyết gốc hoàn toàn không giống nhau, tạo thành khuynh hướng chung và trùng lập nhau của đa số những phim điện ảnh - truyền hình hiện nay”.

Tác giả Trì Lài với cuốn tiểu thuyết Lai lai vãng vãng (Đến rồi lại đi) được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập đã đi vào lòng người xem năm trước lại có một cách nhìn hoàn toàn khác. Theo Trì Lài, trách nhiệm của cô là viết tiểu thuyết thật tốt, và không cần quan tâm đến kịch bản đã được cải biên thành phim như thế nào.

Bởi theo cô, “một khi tác giả đã bán bản quyền cho những nhà làm phim, thì quyền gọt giũa và thêm bớt là do các nhà làm phim chịu trách nhiệm, tác giả của nguyên tác hoàn toàn không có liên quan đến nội dung của kịch bản đã được cải biên”.

Điện ảnh mở rộng sức ảnh hưởng của văn học

Thật ra, một tiểu thuyết được cải biên thành một bộ phim hay không phải là thành tích của tác giả tiểu thuyết đó. Cũng như nếu đươc cải biên không hay thì cũng chẳng thể quy trách nhiệm về cho nhà văn. Hay hoặc không hay là do nội dung kịch bản của bộ phim có chuyển tải được gì đến khán giả hay không. 

Một nhà văn đã từng có nhiều bộ tiểu thuyết được chuyển thể thành phim cho rằng, nguyên tác của ông khi được chuyển thể thành phim chỉ là một sự thay đổi vô tri vô giác. Điều này sẽ càng khiến ông thêm chú trọng đến tình tiết và sự lôi cuốn, sắc thái và cảm xúc trong tác phẩm của mình.

Những tác phẩm hay, dễ đọc, dễ hiểu ắt hẳn sẽ trở thành mục tiêu để cải biên thành phim. Bên cạnh đó, cũng có một số tác phẩm tuy rất hay nhưng lại khó có thể chuyển thể thành phim, hoặc chuyển thể rồi cũng không thu nhặt được thành công lớn lao. 

Thế nhưng nói cho cùng, văn học được chuyển thể thành phim chính là một điều tốt đẹp đối với các nhà văn. Bởi vì, một khi đã được chuyển thể rồi thì tác phẩm ấy không chỉ được biết đến bởi hàng ngàn, hàng vạn độc giả mà còn đến với rộng rãi công chúng yêu thích điện ảnh và truyền hình.

Như vậy, sức ảnh hưởng của tác phẩm sẽ còn lan tỏa hơn nữa. Tác giả và đạo diễn cùng phối hợp, tiểu thuyết và điện ảnh cùng sát cánh, đó chính là một xúc tiến mạnh mẽ cho văn học cũng như điện ảnh ngày càng phát triển hơn.

Theo Tuổi Trẻ