Trung Quốc đưa tin liên quan Biển Đông: Việt Nam, Mỹ bác bỏ

TP - Báo Trung Quốc China Daily gần đây có bài viết cho rằng Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên biển có vũ trang và thể hiện quan ngại rằng điều này có thể dẫn đến xung đột. Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng bác bỏ, tuyên bố đây là thông tin không đúng sự thật. Trong khi đó, Mỹ tuyên bố Trung Quốc nói sai sự thật vụ xua đuổi tàu chiến khỏi Hoàng Sa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố, những thông tin mà China Daily đưa ra là không đúng sự thật, vì vậy Việt Nam hoàn toàn bác bỏ. Bà Hằng khẳng định, Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hoà bình và tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Cùng với đó, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hoà bình, an ninh, an toàn, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. “Chúng tôi kêu gọi các nước trong và ngoài khu vực đóng góp có trách nhiệm cho mục tiêu này”, bà nói.

Tàu chiến lớp Arleigh Burke USS Benfold của Hải quân MỹẢnh: US Navy

Trên thực tế, các chuyên gia quốc tế đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về các lực lượng dân quân biển ngụy trang trên các tàu cá mà Trung Quốc đưa ra Biển Đông, nhằm hỗ trợ hiện thực hóa những yêu sách chủ quyền trái luật quốc tế của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên và có tầm quan trọng chiến lược này.

Mỹ tuyên bố Trung Quốc nói sai sự thật

Sau tuyên bố của quân đội Trung Quốc về việc xua đuổi một tàu chiến Mỹ đi vào gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Mỹ lập tức lên tiếng bác bỏ thông tin này, Reuters đưa tin ngày 20/1.

Trong thông cáo đưa ra hôm 20/1, phát ngôn viên Hạm đội 7 Mark Langford bác bỏ thông tin của phía Trung Quốc nói rằng tàu USS Benfold đã bị xua đuổi. Hạm đội 7 khẳng định chuyến đi của con tàu phản ánh cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ tự do hàng hải. “Tuyên bố của Trung Quốc về chuyến đi của tàu là sai sự thật”, ông Langford nói. Hạm đội 7 là một phần của lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương.

Tuyên bố của Hạm đội 7 khẳng định, tàu USS Benford tiến hành hoạt động tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, và sau đó “tiếp tục hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế”. “Mỹ đang bảo vệ quyền của mọi quốc gia được hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép, như tàu USS Benfold đã làm trong tuần này. Bất kỳ điều gì Trung Quốc nói đều không thể ngăn cản chúng tôi”, tuyên bố nêu.

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.

Hoãn họp hội nghị hẹp bộ trưởng ngoại giao ASEAN

Campuchia thông báo tạm hoãn Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, sự kiện đáng lẽ diễn ra vào ngày 18/1 tại thành phố Siem Riep. Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1, bà Hằng trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin cho rằng sự kiện bị hoãn là do các nước thành viên ASEAN bất đồng vì vấn đề Myanmar.

Bà Hằng nói rằng, Campuchia thông báo tạm hoãn hội nghị do biến chủng Omicron diễn biến phức tạp và một số bộ trưởng ngoại giao ASEAN không thể dự được. Campuchia đang phối hợp các nước thành viên ASEAN để tổ chức hội nghị này trong thời gian tới.

Bà Hằng cho biết, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với Campuchia- Chủ tịch ASEAN 2022 và các thành viên khác của ASEAN để thúc đẩy tổ chức hội nghị, nhằm đề ra các trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm 2022 và các công việc khác của khối. “Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam luôn thúc đẩy các nỗ lực đoàn kết của ASEAN. Việt Nam sẽ phối hợp với Campuchia và các nước ASEAN khác để thúc đẩy xây dựng cộng đồng và triển khai Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar”, bà nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Malaysia gần đây bày tỏ không đồng thuận về chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen đến Myanmar, bà Hằng nói rằng, theo thông cáo chung đã được Campuchia và Myanmar công bố, đây là hoạt động song phương nhằm thảo luận về các vấn đề giữa hai nước và các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Thông cáo chung đã đề cập đến những kết quả của chuyến thăm. Bà Hằng nhắc lại quan điểm rằng Việt Nam ủng hộ tất cả các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết ASEAN, sẽ phối hợp với Campuchia và các nước ASEAN khác để thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm về vấn đề Myanmar.

Bà Hằng thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có chuyến thăm Campuchia từ ngày 19-20/1. Đây là chuyến thăm nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Tại các cuộc trao đổi với người đồng cấp và lãnh đạo Campuchia, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tập trung thảo luận về quan hệ song phương và các biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước, triển khai các thoả thuận cấp cao, nhất là những nội dung được thống nhất trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa qua, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. “Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn một lần nữa khẳng định Việt Nam ủng hộ Campuchia đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022 và hỗ trợ Campuchia triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myanmar”, bà Hằng cho biết.

Vụ dọa bắn máy bay Vietnam Airlines: Tiếp tục phối hợp với Nhật để tìm thủ phạm

Hơn nửa tháng sau khi xảy ra vụ dọa bắn chiếc máy bay của Vietnam Airlines, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản vẫn đang phối hợp điều tra để tìm thủ phạm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 20/1. Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đề nghị kiểm tra an ninh trên máy bay hạ cánh tại Fukuoka, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách, khẩn trương điều tra sự việc. Việt Nam vẫn đang phối hợp Nhật Bản để làm rõ nguyên nhân và xác định danh tính những người có liên quan vụ dọa bắn máy bay này.

Ngày 5/1, chuyến bay mang số hiệu VN5311 của Vietnam Airlines chở 12 tiếp viên, 3 phi công và 47 hành khách vừa cất cánh từ sân bay Narita, Tokyo, về Hà Nội thì bị một người đàn ông đe dọa sẽ “bắn hạ khi qua vịnh Tokyo”. Vietnam Airlines sau đó đã xin phép nhà chức trách hàng không Nhật Bản chuyển hướng máy bay, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka để kiểm tra. Máy bay tiếp tục khởi hành sau khi giới chức địa phương xem xét và xác nhận không có dấu hiệu bất thường. Hành khách chỉ biết tin máy bay bị dọa bắn khi về đến Nội Bài.