Trung Quốc công bố các trường đại học lừa đảo

TP - Theo điều tra của phóng viên Tân Hoa xã, Trung Quốc có tới 210 trường đại học ma này phần lớn mang tên “Trung Quốc”, “Bắc Kinh” chủ yếu kiếm tiền qua các chiêu đăng ký qua mạng, bán văn bằng giả. Mới đây, “danh sách các trường đại học giả toàn Trung Quốc” đã được chính thức công bố.
Quảng cáo về nhà trường trên Website của trường ma Học viện SPKHKT Bắc Kinh.

“Học viện sư phạm khoa học kỹ thuật Bắc Kinh thành lập từ năm 1980, qua hơn 30 năm xây dựng, Học viện đã phát triển phi thường, đột biến, giành được những thành tựu vô cùng to lớn…Hiện nay nhà trường có quy mô phòng ốc hơn 700 ngàn mét vuông, 1.026 cán bộ, giáo viên…”. Đó là những lời tự giới thiệu về mình trên website của “Học viện sư phạm khoa học kỹ thuật Bắc Kinh” - 1 trong số 210 trường đại học “ma” chỉ tồn tại trên mạng, trên các trang quảng cáo vừa được công bố.               

Mặc dù nhiều “trường” đã bị lật tẩy, bị các cơ quan chức năng xử lý, nhưng một số vẫn lẩn tránh được hoặc im hơi một dạo rồi “tái xuất giang hồ”, tiếp tục lừa đảo cả ở trong nước lẫn quốc tế…Riêng khu vực Bắc Kinh có tới 95 trường “ma”, số còn lại phân bố ở hơn chục tỉnh thành khác như: Thượng Hải, Sơn Đông, Thiên Tân, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam…

Lừa đảo có tổ chức, quy mô lớn

Trở lại trang web của “Học viện sư phạm khoa học kỹ thuật Bắc Kinh”, nó được xây dựng rất bài bản với đủ các mục như: “khái quát về nhà trường”, “Dạy và học”, “Thông tin tuyển sinh”, “Thế giới sinh viên”…Tuy nhiên, khi phóng viên tìm theo địa chỉ trường ghi trên trang web thì chẳng hề thấy khuôn viên trường sở như quảng cáo. Dân địa phương cho biết: Chưa hề nghe nói có trường đó ở đây; gọi điện liên hệ thì máy thường xuyên báo bận. Phóng viên tập trung tìm kiếm thì phát hiện ra có thêm 2 trường “ma” khác là “Học viện KHKT tin học Bắc Kinh” và “Học viện khoa học tài mậu Bắc Kinh” có cùng chung các thông tin trên mạng giống hệt trường “Học viện sư phạm khoa học kỹ thuật Bắc Kinh”. Tất cả các thông tin này đều sao chép từ website của một trường đại học dân lập mang tên Học viện dạy nghề khoa học kỹ thuật Bắc Kinh.

Phóng viên Tân Hoa xã phát hiện ra rằng, các trường đại học ma (Trung Quốc gọi là “Dã kê đại học” - đại học gà rừng) này thường dùng thủ đoạn liên kết với các công ty giáo dục, thông qua điện thoại, e-mail, wechat…liên lạc với các thí sinh bị điểm thấp trong kỳ thi tuyển sinh, rêu rao là “chỉ tiêu nội bộ”, “tuyển thêm”, lấy lý do “thời gian xét tuyển gấp” để xua tan mọi nghi ngờ trong các phụ huynh học sinh, lừa họ nhanh chóng nộp tiền để làm thủ tục nhập học. Một số trường chuẩn bị rất kỹ, có đủ thông báo tuyển sinh, catalog tuyên truyền, thậm chí cả thông báo nhập học cũng thiết kế công phu, in rất đẹp. Thí sinh chuyển tiền xong dài cổ đợi, khi biết bị lừa thì đã muộn. Một kiểu lừa khác là bán bằng giả, chỉ cần nộp đủ tiền là mấy ngày sau nhận được bằng tốt nghiệp dù chả học ngày nào.

Thay tên đổi họ nhanh chóng

Việc tồn tại hàng trăm trường đại học ma, lừa đảo hết năm này qua năm khác khiến dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ Giáo dục. Về vấn đề này, người có trách nhiệm của Bộ cho biết, hàng năm đều công bố trên website danh sách các trường có tư cách pháp nhân tuyển sinh, nhưng không công bố danh sách các trường “ma”, chỉ nêu các thông tin cảnh báo lừa đảo, nhắc nhở công chúng thận trọng với các thông tin tuyển sinh giả dối.

Phóng viên tờ “Tân Kinh báo” Bắc Kinh tiến hành điều tra thì thấy, sau khi danh sách các trường “ma” được báo chí phanh phui, tất cả thông tin về 210 trường đại học “ma” này đều bị xóa sạch, nhưng có không ít trường đã kịp thời “thay tên đổi họ”, tiếp tục tái xuất giang hồ, như “Học viện sư phạm khoa học kỹ thuật Bắc Kinh” đã mang tên khác, “Đại học Y khoa Bắc phương” bị cấm thì lại xuất hiện dưới tên “Đại học Y khoa Bắc Kinh”… với mức thu 950 tệ (gần 3,4 triệu đồng) cho một tấm bằng tốt nghiệp. Mức thu cao tới 1.500 tệ (hơn 5 triệu đồng) như Học viện mậu dịch quốc tế Bắc Kinh.

Trong vai một người cần mua văn bằng, phóng viên tìm đến một công ty giáo dục thì được cho biết: Chỉ cần nộp đủ tiền, nhà trường sẽ cung cấp đủ hồ sơ học tập, học bạ, chứng chỉ từng môn, bằng tốt nghiệp…chỉ sau 3 ngày. Bảng điểm các môn để trống để khách hàng tự điền tùy thích. Để chứng tỏ bằng tốt nghiệp do nhà trường cấp ra, công ty giáo dục yêu cầu khách hàng nộp trước nửa số tiền vào tài khoản đã định, sau khi tra cứu thông tin tốt nghiệp trên trang web của nhà trường thì nộp nốt số tiền còn lại. Ăn chia giữa công ty giáo dục với trường đại học “ma” theo tỷ lệ 3:7. Tuy nhiên, các công ty giáo dục cũng nhắc nhở khách hàng: Văn bằng này chỉ có thể mang đi tìm việc trong các xí nghiệp, không thể dùng để xin việc trong đơn vị sự nghiệp hay cơ quan nhà nước. 

Chỉ cần nộp đủ tiền, nhà trường sẽ cung cấp đủ hồ sơ học tập, học bạ, chứng chỉ từng môn, bằng tốt nghiệp…chỉ sau 3 ngày.