Văn bản số 400 gửi Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng do ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT ký cho biết, ngày 19/2, Sở GTVT Hà Nội cùng các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra tại hiện trường, đặc biệt là vết nứt dọc tại trụ H22, sau đó họp đánh giá hiện tượng, nguyên nhân và giải pháp xử lý.
Cụ thể, vết nứt dọc tại trụ H22 có độ rộng 2,3 – 2,6mm, chiều dài từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m (ảnh). Nguyên nhân vết nứt theo đánh giá ban đầu có thể do co ngót bê tông, cần phải theo dõi. “Công trình đã được hội đồng nghiệm thu Nhà nước cầu Vĩnh Tuy nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Vết nứt dọc trụ H22 không ảnh hưởng khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn”, văn bản khẳng định. Về biện pháp xử lý, Sở GTVT cho rằng, Hội nghị thống nhất biện pháp xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép, lớp trong và tiếp tục theo dõi.
Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài khoảng 5.8 km, được đưa vào sử dụng năm 2010 với tổng kinh phí đầu tư dự án được duyệt ban đầu là 3.600 tỷ đồng. Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (UBND TP Hà Nội) là chủ đầu tư.