> Tháng 1-2012 ra mắt cộng đồng khoa học quốc tế
"Làm Toán học 100 ngày, 99 ngày khổ"
Chiều nay, 20 - 8, Giáo sư Ngô Bảo Châu giao lưu với các thủ khoa đầu ra năm 2011 trong chương trình "Thắp sáng ước mơ thủ khoa Hà Nội", diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho hay: "Tôi nhận được lời mời tham dự chương trình sau khi về nước hai tháng. Hai tháng qua, tôi rất bận, có lẽ vì thế nên các bạn trẻ cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với tôi. Tôi ngạc nhiên và rất vui vì tham gia chương trình này".
Bạn Nguyễn Xuân Dũng, thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội hỏi: "Trong quá trình nghiên cứu, giáo sư từng gặp khó khăn và muốn bỏ? Làm thế nào để giáo sư vượt qua được những khó khăn đó?".
Xuân Dũng còn "chất vấn" Giáo sư Châu: "Nhiều nhà Toán học có tâm hồn lãng mạn, đặc biệt thích làm thơ. Vậy giáo sư có từng làm thơ, và có thể đọc một bài thơ do mình sáng tác?".
Giáo sư Ngô Bảo Châu nói: "Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của không chỉ cá nhân tôi, mà cả những nhà khoa học khác, đều gặp khó khăn. Khi đã dấn thân vào con đường khoa học, mỗi người đều có kỳ vọng và dĩ nhiên, cũng không tránh khỏi thất bại".
"Làm Toán học rất khổ, 100 ngày có tới 99 ngày khổ. Có một ngày vui đã lại tìm thấy cái khổ tiếp theo. Thế nhưng, trong cảm giác thất bại đã có mầm mống của sự thành công rồi. Cùng với một chút may mắn nữa, bạn sẽ thành công. Vì thế, bạn luôn cần chuẩn bị nắm lấy cơ hội cho sự thành công".
Về việc làm thơ, Giáo sư Châu tâm sự, cũng sáng tác, nhưng do không có sự chuẩn bị nên ngay tại cuộc giao lưu thì không nhớ bài nào.
Hạt vừng
Nữ thủ khoa Phạm Thị Lan nêu một vấn đề rất thực tế khi được giao lưu với thần tượng của giới trẻ: "Hầu hết thời gian của giáo sư ở nước ngoài, vậy giáo sư làm gì để có những đóng góp cho đất nước?".
Trước 224 thủ khoa, báo giới cùng khách mời, Giáo sư Ngô Bảo Châu chia sẻ chân thành: "Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, tôi vẫn trao đổi công việc của mình tại Viện Toán học mà được vinh dự đảm nhận. Năm nay, tôi cũng quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội trong nước. Đó là cùng Viettel lập kế hoạch mở quỹ tiếp sức ủng hộ các nhà khoa học. Quỹ được đặt với cái tên Hạt vừng. Hạt vừng tuy nhỏ bé nhưng sẽ mở ra một chân trời mới, như câu vừng ơi, mở cửa ra".
Thủ khoa đến từ Đại học FPT - Dương Thanh Long - muốn Giáo sư Châu cho lời khuyên làm sao giới trẻ giữ được niềm đam mê?
"Khi mình giữ được con mắt trẻ thơ thì sẽ giữ được niềm đam mê. Với con mắt của người từng trải, chúng ta thường có quan niệm trời sinh ra thế, nhưng với con mắt trẻ thơ thì sẽ hỏi tại sao lại thế, và không chấp nhận điều mà trời sinh ra là thế. Nếu giữ được con mắt trẻ, chúng ta sẽ gìn giữ được đam mê".
Càng về cuối chương trình, các thủ khoa càng đặt nhiều câu hỏi với vị giáo sư đáng kính. Một nữ thủ khoa rất muốn Giáo sư Châu phát biểu cảm nghĩ khi đến đây, ngay tại trường đại học đầu tiên của Việt Nam và giao lưu với các thủ khoa đầu ra năm 2011.
Đáp ứng yêu cầu này, Giáo sư Ngô Bảo Châu nói: "Hôm nay, khi ngồi ở đây, tôi rất xúc động. Tôi đã được nhìn thấy ánh mắt tự hào, trong veo và niềm tin vào tương lai của các bạn khi ngồi ký tên vào sổ vàng. Tôi hi vọng, trong 5 - 10 năm nữa, khi gặp lại, các bạn vẫn giữ ánh mắt đó, giữ niềm tin đó như ngày hôm nay".
Câu trả lời cuối cùng của giáo sư đã được các bạn trẻ đón nhận với những tràng pháo tay lớn, dài cùng ánh mắt rạng ngời niềm vui. Sau đó, 224 thủ khoa vây quanh giáo sư bên ngoài khuôn viên của Quốc tử Giám để xin chữ ký và chụp ảnh lưu niệm.