> Giao lưu âm nhạc Hướng về Trường Sa
> Sao Mai toàn quốc dòng dân gian: Lại đãi cát bỏ vàng?
Điểm chung của họ là đều trưởng thành từ giảng đường Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) để bước ra sân khấu lớn đầu tiên - Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc (nay là giải Sao Mai). Đến nay cả hai vững vàng trong vai trò giảng viên Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam và nghệ sĩ lớn của dòng nhạc chính thống.
Câu chuyện Trọng Tấn thi vào Nhạc viện Hà Nội từng được thế hệ đàn em coi là kỳ tích. Một lần nữa, chuyện được chính Trọng Tấn kể lại. Anh ra Hà Nội dự thi trước kỳ thi có 12 ngày. Những thí sinh khác đã miệt mài ôn luyện mấy tháng trời.
Trọng Tấn bị cô giáo Minh Huệ từ chối dạy kèm với lý do ngày thi đã cận kề. Nhưng nghe Trọng Tấn tập luyện ở phòng bên, thấy giọng hát quá đẹp cô Minh Huệ đã nhận dạy anh. Và Trọng Tấn đã xuất sắc vượt qua hơn trăm thí sinh để trở thành một trong ba thí sinh trúng tuyển năm đó. Nhìn lại chặng đường của mình, Trọng Tấn nói: “Âm nhạc đã chọn tôi”.
Nhiều người hâm mộ biết Anh Thơ cũng tự vươn lên những khó khăn trong cuộc sống riêng để vào học âm nhạc tại Hà Nội. Chị luôn tâm niệm phải khát khao nhiều hơn, tìm tòi nhiều hơn để đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Đến hôm nay đã là giảng viên thanh nhạc, Trọng Tấn - Anh Thơ lại truyền đam mê cho sinh viên, theo sát những bước đi của họ trong các cuộc thi.
Liên hoan Tiếng hát Truyền hình toàn quốc 1999, Trọng Tấn và Anh Thơ đều được giải. Sau đó là chặng dài phấn đấu không mệt mỏi. Đêm 18-9, hai nghệ sĩ biểu diễn những bài hát gắn với tên tuổi của mình: Tiếng đàn bầu, Xa khơi, Tình ta biển bạc đồng xanh… Trọng Tấn cũng gửi tình cảm nồng nhiệt đến những người lính hải quân Trường Sa với Nơi đảo xa của Thế Song.
Cả hai trở nên quý phái, sang trọng khi trình bày những nhạc phẩm thính phòng cổ điển. Con đường âm nhạc của Trọng Tấn và Anh Thơ có lẽ sẽ dài mãi như sức sống của nhạc chính thống - thể loại mà họ theo đuổi, và chắc chắn luôn có chỗ đứng trong khán giả.