Trong hang động lưu giữ quyển sách Quốc ngữ đầu tiên

TPO - Hang động nhân tạo bằng đá với đường vào lắt léo dẫn đến một căn phòng lưu niệm đặc biệt - nơi lưu giữ quyển sách in đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên.

Nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên là một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam, được xây dựng từ năm 1892, trong khuôn viên rộng 5.000m2 và tính đến nay đã tồn tại 124 năm. Nhà thờ gắn liền với Á thánh Anrê Phú Yên – một trong số 92 người được Cha Đắc Lộ (Linh mục Alexandre de Rhodes) rửa tội khi ông đến Việt Nam truyền giáo.

Quá trình hoạt động của Á thánh Anrê Phú Yên cũng gắn liền với hành trình truyền giáo của Cha Đắc Lộ tại Việt Nam. Do vậy, ở hang động bên trong quả đồi tưởng niệm Anrê Phú Yên (trước sân nhà thờ Mằng Lăng), có không ít kỉ vật gắn liền với cha Đắc Lộ. Đáng chú ý nhất là cuốn sách in đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ.

Linh mục Alexandre de Rhodes - Cha Đắc Lộ được biết đến tại Việt Nam là một nhà truyền giáo và nhà ngôn ngữ học người Pháp. Trong quãng thời gian dài sống ở Việt Nam, ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam.

Cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam là cuốn “Phép giảng 8 ngày” (tựa Latinh: “Catechismus”) của Linh mục Alexandre de Rhodes được in tại Roma năm 1651.

Cuốn giáo lý này được in song ngữ bằng tiếng Latin (bên trái) và chữ Quốc ngữ sơ khai (bên phải).

Đây là một tác phẩm văn xuôi, phản ánh văn ngữ và ghi lại cách phát âm của tiếng Việt thuở sơ khai vào thế kỷ 17.

Cuốn sách này được in cùng năm 1651 với các cuốn “Khái luận Việt ngữ” và “Tự điển Việt-Bồ-La”.

Để tưởng nhớ công lao của Đắc Lộ trong việc khai sinh chữ Quốc ngữ, ở TP.Hồ Chí Minh, người ta đã lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ngay trung tâm thành phố này.